Hy Lạp ngày 1/2 cho biết các máy bay quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ đã nhiều lần xâm phạm không phận nước này.
Cáo buộc trên được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng giữa hai nước gia tăng sau khi Athens từ chối dẫn độ nhóm 8 quân nhân Thổ Nhĩ Kỳ bị cáo buộc từng tham gia vụ đảo chính quân sự nhằm lật đổ Tổng thống Recep Tayip Erdogan hồi tháng 7 năm ngoái tại nước này.
Bộ Quốc phòng Hy Lạp thông báo đã ghi nhận tới 138 vụ vi phạm của các máy bay quân sự Thổ Nhĩ Kỳ tại các đảo ở miền Trung và Nam biển Aegean, đồng thời cho biết lực lượng thuộc bộ này đã tiến hành ngăn chặn.
Bộ trưởng Quốc phòng Hy Lạp Panos Kammenos đã chỉ trích hành động của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ. Phát biểu trên kênh truyền hình Antenna, ông Kammenos nhấn mạnh Hy Lạp luôn mong muốn hòa bình và sẽ ngăn chặn bất kỳ chuyến bay nào vi phạm không phận hay quấy rối trên biển Aegean.
Hồi tuần trước, Tòa án Tối cao Hy Lạp đã ra phán quyết từ chối dẫn độ một nhóm gồm 8 quân nhân Thổ Nhĩ Kỳ, bị Ankara cáo buộc có liên quan tới âm mưu đảo chính quân sự bất thành hồi tháng 7/2016. Ngay sau khi âm mưu đảo chính bị đập tan, nhóm binh sĩ này đã dùng máy bay trực thăng chạy trốn tới thành phố Alexandroupolis ở miền bắc Hy Lạp và xin tị nạn chính trị tại đây.
Sau khi tòa án Hy Lạp đưa ra quyết định trên, Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố Ankara sẽ xem xét lại quan hệ song phương và đe dọa trừng phạt Hy Lạp. Là hai thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ từng đứng trên bờ vực chiến tranh hồi năm 1996 do tranh chấp liên quan tới quyền sở hữu cặp đảo nhỏ nằm trên biển Aegean giữa hai nước, mà Athens gọi là Imia trong khi Ankara gọi là Kardak.
Hồi đầu tháng một, tuyên bố của một quan chức Hy Lạp về kế hoạch biến 28 đảo nhỏ trên biển Aegean thành nơi có thể cư trú đã thực sự "chọc giận" Ankara. Phát biểu với báo giới ngày 1/2, Phó Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Veysi Kaynak cho rằng Hy Lạp đang lợi dụng để khai thác đảo Kardak/Imia và các bãi đá tương tự xung quanh, theo đó phản đối kịch liệt việc Athens mở rộng các khu vực cư trú mới tại đây.
Theo TTXVN/Vietnam+