Một bản kiến nghị đòi Anh hủy chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng thống Mỹ Donald Trump đến Anh đã vượt ngưỡng 1 triệu chữ ký vào ngày 30/1, trong bối cảnh dư luận phản đối sắc lệnh hành pháp của ông Trump siết chặt chính sách tiếp nhận người tị nạn và nhập cảnh Mỹ.
Kiến nghị được đăng tải trên website của Quốc hội Anh nêu rõ ông D.Trump có thể thăm Vương quốc Anh với tư cách là người đứng đầu Chính phủ Mỹ nhưng không được mời ông thăm chính thức cấp nhà nước vì việc này có thể gây rắc rối cho Nữ hoàng. Theo luật pháp Anh, những kiến nghị thu thập được trên 100.000 chữ ký sẽ được các nghị sĩ xem xét.
Tuy nhiên, hãng BBC đưa tin Chính phủ Anh trước đó cùng ngày khẳng định lời mời thăm đã được chấp nhận và việc hủy bỏ "sẽ hủy hoại mọi thứ”.
Theo sắc lệnh hành chính vừa được Tổng thống Trump ký ngày 27/1, Mỹ tăng thời gian xét thị thực đối với tất cả người tị nạn lên 4 tháng và tạm thời ngừng cấp thị thực nhập cảnh Mỹ đối với công dân của 7 quốc gia có người Hồi giáo chiếm đa số bao gồm Iran, Iraq, Sudan, Syria, Somalia, Libya và Yemen. Tân Tổng thống Mỹ cho rằng biện pháp này là nhằm bảo vệ người dân Mỹ trước nguy cơ tấn công khủng bố.
Trong làn sóng các nước trên thế giới tiếp tục phản đối sắc lệnh của ông Trump, trong một cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội Iraq ngày 30/1, đa số nghị sĩ đã ủng hộ kêu gọi chính phủ nước này ban hành một lệnh cấm nhập cảnh đối với công dân Mỹ nhằm đáp trả việc công dân Iraq bị cấm nhập cảnh Mỹ. Bộ Ngoại giao Iraq ra tuyên bố cho biết nước này đã đề nghị chính quyền mới ở Mỹ "xem xét lại quyết định sai trái" nói trên.
Trong khi đó, phát biểu cùng ngày tại phiên khai mạc hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Phi ở thủ đô Addis Ababa của Etiopia, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đã chỉ trích việc các nước đóng cửa biên giới, "thậm chí cả những nước phát triển nhất thế giới”.
Phản ứng về sắc lệnh trên của Tổng thống Mỹ, một người phát ngôn của Liên minh châu Âu (EU) cho biết sẽ đảm bảo rằng công dân của "lục địa già" không bị ảnh ảnh hưởng bởi bất kể sự phân biệt đối xử nào liên quan đến lệnh cấm nhập cảnh của ông Trump.
Phát biểu trước báo giới, người phát ngôn của Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker, ông Margaritis Schimas cho biết các luật sư của cơ quan này đang liên lạc với các đối tác trong EU cũng như các đối tác khác để đảm bảo các công dân EU không bị ảnh hưởng bởi quyết định trên. Ông nhấn mạnh "EU không áp dụng bất cứ sự phân biệt đối xử nào trên cơ sở quốc tịch, dân tộc hay tôn giáo, không chỉ trong chính sách cư trú mà trong bất kể chính sách nào của EU”.
Theo ông Schimas, hiện tại tình hình chưa rõ ràng và ủy ban châu Âu đang tìm hiểu về ảnh hưởng của sắc lệnh của Mỹ đối với công dân EU, nhất là công dân EU mang hai quốc tịch trong đó có quốc tịch 7 nước nằm trong lệnh cấm vào nước Mỹ.
Trong diễn biến khác có liên quan, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã sa thải quyền Bộ trưởng Tư pháp Sally Yates và đưa bà Dana Boente, người đang giữ ghế Công tố viên quận Eastern ở tiểu bang Virginia lên ngồi vào vị trí này. Trang tin RT cho biết Yates bị cách chức trong ngày 30/1, chỉ vài giờ sau khi có tin bà yêu cầu các luật sư của Bộ Tư pháp Mỹ không bảo vệ một sắc lệnh của ông Trump cấm nhập cảnh với người dân tới từ 7 quốc gia Hồi giáo. Thông cáo từ Văn phòng Thư ký Báo chí đưa ra nêu rõ rằng bà Yates đã "phản bội Bộ Tư pháp khi từ chối thực thi một mệnh lệnh pháp lý, được thiết kế để bảo vệ công dân Mỹ".
Theo TTXVN/Vietnam+