Thứ Bảy, 11/01/2025 13:04 CH
Ngân hàng Thế giới sẽ đồng hành cùng mục tiêu phát triển của Việt Nam
Thứ Sáu, 27/01/2017 17:16 CH

Giám đốc Quốc gia Ngân hàng thế giới tại Việt Nam Ousmane Dione - Ảnh: TTXVN

Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn do các bất ổn về chính trị, tình hình thời tiết diễn biến phức tạp… tăng trưởng kinh tế (GDP) của Việt Nam năm 2016 vẫn đạt tốc độ 6,21%, đảm bảo mức tăng trưởng ổn định. 

 

Bước sang năm 2017, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2017 với mục tiêu tăng trưởng kinh tế ở mức 6,7%. Đây được xem là một con số tương đối khó trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều biến động và chưa có nhiều điểm sáng nổi trội từ chính nội tại nền kinh tế trong nước. 

 

Nhận định về những thành tựu mà Việt Nam đã làm được, cũng như triển vọng phát triển trong năm mới 2017, Giám đốc Ngân hàng thế giới (WB) tại Việt Nam Ousmane Dione đã chia sẻ với báo chí những ý kiến của mình. 

 

* Ông đánh giá như thế nào về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam hiện nay? 

 

- Kinh tế Việt Nam trong vòng 5 năm qua đã có sự tăng trưởng rất lớn, lạm phát chỉ nằm ở một con số, trong khi GDP tăng khoảng 6-7%. Và khi nhìn vào con số việc làm, tôi cũng có thể thấy Việt Nam đang ngày càng tạo được nhiều việc làm mới hơn cho người lao động, nhờ vào những nỗ lực cải cách của Chính phủ Việt Nam để giữ vững được nền kinh tế vĩ mô luôn ở mức ổn định. 

 

Đối với lĩnh vực giáo dục cũng vậy, như các bạn đã thấy, trong kỳ thi của Chương trình đánh giá học sinh quốc tế (Pisa) trong năm 2016, Việt Nam xếp thứ 8 trên toàn thế giới, một kết quả mà không nhiều nước đang phát triển có được mức độ thành tựu về giáo dục tốt như vậy. Rõ ràng Việt Nam đang có những thay đổi mang tính tích cực. Tôi có thể khẳng định với các bạn, những kết quả này của Việt Nam không phải nhiều quốc gia đang phát triển có thể làm được. 

 

* Trong năm 2017, Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng GDP ở mức 6,7%. Một số ý kiến cho rằng đây là con số khá tham vọng khi mà nền kinh tế thế giới vẫn còn nhiều biến động và GDP năm 2016 của Việt Nam chỉ dừng lại ở con số dưới 6,3%? 

 

- Tôi nhìn thấy trong quá khứ Việt Nam đã đặt ra nhiều mục tiêu khá tham vọng, nhưng các bạn đã làm được. Vì vậy, kể cả khi cho rằng mục tiêu GDP năm 2017 của Việt Nam là khá tham vọng thì tôi vẫn tin rằng các bạn có thể làm được. Tuy nhiên, như các bạn đã biết, đôi khi WB cũng đã đưa ra khuyến nghị rằng Chính phủ không nên đặt trọng tâm quá nhiều vào con số tăng trưởng mà cần tập trung hơn vào chất lượng của tăng trưởng. 

 

Tất nhiên không có gì sai trong việc chúng ta tham vọng cả, nhưng điểm quan trọng, đó là con đường để chúng ta đạt được mục tiêu này là gì và bằng cách nào, cùng với các công cụ nào…  Tất nhiên tôi không có nghi ngờ gì về mục tiêu tăng trưởng GDP của Việt Nam, nhưng đối với tôi, quan trọng là làm thế nào để Việt Nam có thể đưa ra được các chương trình hành động để thực hiện và làm thế nào để huy động được tất cả các đối tác của Việt Nam cùng thực hiện mục tiêu này. 

 

Con số tăng trưởng 6% là tốt, 6.2% cũng tốt mà 6,7% thì càng tốt. Và khi đưa ra mục tiêu thì cũng phải huy động mọi người cùng tham gia vào việc thực hiện mục tiêu này. 

 

* Nợ công của Việt Nam đang gia tăng nhanh chóng; trong đó một phần đến từ áp lực trả nợ các khoản vay nước ngoài, bao gồm cả các khoản vay ODA. Vậy ông có cho rằng, Việt Nam nên giảm, giãn bớt các khoản vay để giữ ổn định nợ công? 

 

- Đúng là đã có rất nhiều câu hỏi liên quan tới nợ công của Việt Nam và vấn đề nguồn vốn vay ODA. Tôi có thể thấy Chính phủ của các bạn đã có nỗ lực rất lớn trong việc quản lý nợ công và tăng cường quản lý về tài khóa, đặc biệt là trong lĩnh vực giao thông. Tuy nhiên, tôi không nghĩ rằng việc dừng hay giảm bớt các nguồn vốn vay ODA sẽ là giải pháp tốt cho vấn đề nợ công. Việt Nam vẫn cần ODA để có thể giữ được mức tăng trưởng ổn định. 

 

Trong những năm qua, Việt Nam luôn đạt mức tăng trưởng trong khoảng 6-7%, nếu Việt Nam lựa chọn giảm mức độ đầu tư đi, thì rõ ràng sẽ rất khó để duy trì được mức tăng trưởng này. Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ Chính phủ Việt Nam trong việc quản lý nợ công một cách tốt hơn và làm sao để có thể đảm bảo nợ công bền vững. 

 

Theo tôi để làm được điều này, cần phải chú trọng hơn nữa đến việc phát triển khối cộng đồng doanh nghiệp tư nhân. Tháng 12/2016, tôi có tham dự Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF). Tại đây, các doanh nghiệp ngồi với nhau và một trong những vấn đề mà chúng tôi thảo luận là làm thế nào để phát triển khu vực kinh tế tư nhân và làm thế nào để có thể kết nối tốt hơn giữa khu vực đầu tư nước ngoài và kinh tế tư nhân. Tôi thấy rằng đây là điểm rất quan trọng vì doanh nghiệp tư nhân chính là nguồn động lực để giúp Việt Nam phát triển cao hơn nữa. 

 

* Theo ông, nguồn lực bên ngoài như ODA có tác động quan trọng như thế nào trong phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam? 

 

- Tất nhiên tôi nghĩ rằng vẫn cần phải có nguồn vốn từ bên ngoài để bổ sung cho các hoạt động đầu tư của Nhà nước vào các lĩnh vực then chốt, như hạ tầng giao thông chẳng hạn. Các bạn đang hội nhập rất sâu vào nền kinh tế thế giới và khu vực, rõ ràng điều này sẽ tạo ra nhiều hơn các sức ép cạnh tranh. 

 

Do vậy, các bạn sẽ cần nhiều hơn nữa các khoản vốn dành cho đầu tư phát triển, chẳng hạn như làm thế nào để kết nối hạ tầng giao thông đường thủy, đường sắt và đường bộ sao cho phù hợp với nhau, để tăng khả năng giao thương với các quốc gia khác.

 

Hay ví dụ như đến năm 2035, Việt Nam sẽ muốn trở thành một nước không chỉ nhận ODA nữa mà là nước đóng góp ODA cho các nước khác như Trung Quốc hay Malaysia...  Đã có nhiều người nói với tôi rằng, ở Việt Nam thì không có gì là không thể và tôi cũng thấy rằng người Việt Nam rất năng động, làm việc chăm chỉ, nên sẽ chẳng có lý do gì để các bạn không đạt được mục tiêu đã đề ra. 

 

* Vậy mục tiêu của ông trong nhiệm kỳ này tại Việt Nam là gì? 

 

- Ngay trong nhiệm kỳ này của mình, tôi sẽ tập trung vào một số vấn đề. Thứ nhất, chúng tôi sẽ thiết lập một chiến lược mới với Việt Nam để hỗ trợ Việt Nam. Chiến lược này được gọi là Chiến lược khuôn khổ đối tác quốc gia (CPF). 

 

Chúng tôi muốn đảm bảo rằng chiến lược này phải phù hợp với mục tiêu phát triển của Việt Nam, qua đó WB có thể hỗ trợ Chính phủ Việt Nam một cách tốt nhất và đây cũng là ưu tiên hàng đầu của tôi. Chiến lược này cũng sẽ đưa ra một con đường hay một lộ trình rằng chúng tôi sẽ làm gì trong tương lai. 

 

Bên cạnh đó, mục tiêu thứ hai mà tôi muốn tập trung vào là làm thế nào để thực hiện được các khuyến nghị mà WB đã đưa ra trong Báo cáo Việt Nam 2035; trong đó bao gồm nhiều lĩnh vực ưu tiên mà các nhóm nghiên cứu của WB cũng đã đưa ra và thảo luận với các cơ quan chức năng khác nhau. Làm thế nào để chúng ta có thể cùng nhau, thực hiện được ít nhất một vài ưu tiên trong đó, từ cấp Trung ương đến cấp địa phương. 

 

* Xin cám ơn ông! 

 

Theo TTXVN, Vietnam+

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek