Chính phủ Cuba hoan nghênh quyết định chấm dứt chính sách mở cửa kéo dài hàng thập kỷ của Mỹ đối với người di cư Cuba, đồng thời gọi đây là "một bước tiến quan trọng trong quan hệ song phương".
Tuyên bố này được đưa ra ngay sau khi truyền thông Mỹ đưa tin Tổng thống Barack Obama sẽ chấm dứt cái gọi là chính sách "chân ướt, chân ráo" đã áp dụng 20 năm qua với đảo quốc Caribe này. Tuyên bố được phát trên truyền hình Cuba ngày 12/1 nêu rõ thỏa thuận này đã loại bỏ chính sách "chân ướt, chân ráo", vốn khuyến khích người Cuba nhập cư bất hợp pháp và đưa người di cư Cuba trái phép vào Mỹ.
Theo chính sách này, người Cuba một khi đặt chân lên đất Mỹ sẽ được ở lại Mỹ, còn những người bị bắt trên biển sẽ bị trao trả lại chính quyền Cuba. Trong tuyên bố, Chính phủ Cuba nhận định việc dỡ bỏ chính sách này là nhằm đảm bảo sự an toàn, trật tự đối với việc di trú của người dân hai nước. Tuy nhiên, tuyên bố của Chính phủ Cuba kêu gọi Quốc hội Mỹ nhanh chóng gỡ bỏ Đạo luật Điều chỉnh 1966, một biện pháp được thông qua dưới thời Tổng thống Mỹ Lyndon B. Johnson cho phép người Cuba tị nạn tại Mỹ có cơ hội trở thành công dân Mỹ sau 1 năm, vì cho rằng chính sách này không phù hợp với bối cảnh quan hệ song phương. Cuba còn khẳng định tuân thủ nguyên tắc trong thỏa thuận về di cư giữa 2 nước, trong đó có việc đảm bảo quyền đi lại và di trú của công dân nước này.
Trong khi đó, hàng chục chủ trang trại tại Mỹ đã hối thúc Tổng thống đắc cử Donald Trump tiếp tục kế thừa và thúc đẩy những bước tiến tích cực trong quan hệ với Cuba dưới thời chính quyền người tiền nhiệm Barack Obama, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác thương mại với quốc đảo Caribe này trong bối cảnh ngành nông nghiệp Mỹ gặp không ít khó khăn.
Trong thư đề ngày 12/1 gửi Tổng thống đắc cử Trump có chữ ký của đại diện lãnh đạo nhiều tổ chức nông nghiệp Mỹ, trong đó có Cơ quan Nông nghiệp Mỹ, Hiệp hội Thức ăn công nghiệp Mỹ, và cả các doanh nghiệp tại một số bang đã bỏ phiếu ông Trump như Idaho, Alabama hay Georgia. Nội dung bức thư kêu gọi ông Trump có sự điều chỉnh phù hợp, tránh đưa ra các biện pháp gây khó khăn cho tiến trình bình thường hóa quan hệ với Cuba, đặc biệt là hợp tác nông nghiệp.
Bức thư, đại diện cho tiếng nói đại đa số người dân Mỹ trong ngành nông nghiệp, cho rằng trong bối cảnh nguồn thu từ ngành này sụt giảm, đã đến lúc chính quyền mới cần đặt lợi ích và việc làm của 17 triệu người dân Mỹ trong ngành này lên trên sự phản đối của một số chính trị gia có tư tưởng cứng rắn. Bức thư kỳ vọng Tổng thống đắc cử Trump hỗ trợ các nhà sản xuất nông nghiệp trong nước mở rộng hợp tác với Cuba, dỡ bỏ những hạn chế về tài chính cũng như tín dụng, tạo thuận lợi cho việc trao đổi hàng hóa giữa 2 nước và giúp nông sản Mỹ cạnh tranh tốt hơn tại thị trường tiềm năng này.
Bức thư kỳ vọng vị tỉ phú này trong nhiệm kỳ của mình hỗ trợ các nhà sản xuất nông nghiệp trong nước mở rộng hợp tác nông nghiệp với Cuba, dỡ bỏ những hạn chế về tài chính cũng như tín dụng, tạo thuận lợi cho việc trao đổi hàng hóa giữa 2 nước và giúp nông sản Mỹ cạnh tranh tốt hơn tại thị trường tiềm năng này.
Trong diễn biến khác, Tân Hoa xã đưa tin Đại diện của Cuba và Mỹ ngày 12/1 đã nhóm họp tại thủ đô La Habana để thảo luận về các khoản bồi thường kinh tế cho nhau, liên quan tới các tài sản của Mỹ bị tịch thu trong cách mạng Cuba và những thiệt hại do lệnh cấm vận của Mỹ gây ra cho quốc đảo này. Hai cuộc gặp diễn ra trước đó vào tháng 12/2016 tại La Habana và tháng 7/2016 tại Washington đã không đạt kết quả gì.
Trong một thông cáo báo chí, hai bên cho biết sẽ tìm cách thúc đẩy các cuộc thảo luận vốn đã diễn ra trong 2 hội nghị cấp cao trước đó và cải tiến các chi tiết kỹ thuật cũng như phương pháp luận cho cuộc thảo luận mới này. Bồi thường kinh tế nằm trong số những vấn đề gai góc nhất giữa lúc hai bên đang gặp khó khăn trong tiến trình hướng tới bình thường hóa quan hệ sau hơn nửa thế kỷ thù địch chính trị.
H.N (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)