Đây là mục tiêu mà Bộ Thương mại đưa ra trong kế hoạch tổng thể về phát triển thương mại điện tử (TMĐT) giai đoạn 2006 - 2010. Các chuyên gia có mặt tại Diễn đàn Vebiz, vừa khai mạc sáng nay (17/1) tại Hà Nội, đều nhận định TMĐT của VN sẽ bùng nổ trong vài năm tới.
Triển lãm Vebiz có khoảng 10 gian hàng - Ảnh: V.T
Vụ trưởng Vụ thương mại điện tử (Bộ Thương mại) Nguyễn Thanh Hưng cũng cho rằng thời điểm hiện tại, tốc độ phát triển lĩnh vực này trong nước rất khả quan.
Theo vị quan chức của Vụ thương mại điện tử, mục tiêu mà Bộ Thương mại đưa ra trong chiến lược tổng thể về TMĐT là đến năm 2010 sẽ có 80% doanh nghiệp ứng dụng thành công TMĐT và 10% hộ gia đình trên toàn quốc mua bán qua dịch vụ trực tuyến. "Đây là những con số rất khiêm tốn và chúng tôi cũng đã phải tranh cãi rất nhiều trước khi đưa ra những cái 'đích đến' như vậy", ông Nguyễn Thanh Hưng cho biết. "Tuy nhiên, những gì đã diễn ra trong khoảng một năm rưỡi trở lại đây cho thấy sự phát triển của TMĐT trong nước nhanh hơn dự kiến của chúng tôi. Số lượng doanh nghiệp giao dịch TMĐT không ngừng tăng, nhiều cơ quan nhà nước triển khai các dịch vụ công trực tuyến. Dịch vụ khác liên quan như thanh toán, bảo mật cũng được doanh nghiệp quan tâm ".
Theo điều tra của Bộ Thương Mại trong năm 2006 với 1.000 doanh nghiệp, số lượng đơn vị có website chiếm từ 20-25%, nhưng tính năng TMĐT trong các site này còn khá mờ nhạt mà chủ yếu giới thiệu về công ty (chiếm 93,8%), giới thiệu sản phẩm, dịch vụ (chiếm 62,5%). Trong khi đó, tính năng giao dịch tử cho phép đặt hàng chỉ là 27,4%, hoạt động thanh toán trực tuyến đạt khoảng 3,2%.
2006 được đánh giá là giai đoạn có ý nghĩa đặc biệt đối với TMĐT Việt Nam, vì là năm đầu tiên ngành này được pháp luật thừa nhận chính thức khi Luật Giao dịch điện tử, Luật Thương mại (sửa đổi), Bộ luật Dân sự (sửa đổi) và Nghị định Thương mại điện tử có hiệu lực...
Sự kiện Bộ Thương mại phối hợp cùng IDG tổ chức Diễn đàn Thương mại điện tử đầu tiên ở VN (Vebiz) với chủ đề "Đổi mới phương thức kinh doanh trong thời kỳ hội nhập WTO" được hầu hết các doanh nghiệp đánh giá là một động thái tích cực trong việc xác định chính sách, giải pháp, điều kiện cần thiết cho phát triển, tìm ra những mô hình thích hợp cho TMĐT trong nước cũng như nâng cao nhận thức của xã hội, khuyến khích ứng dụng và tăng cường hợp tác giữa khu vực nhà nước và doanh nghiệp.
Tuy nhiên, triển lãm TMĐT diễn ra song song với chương trình hội thảo Vebiz chỉ có khoảng 10 gian hàng với sự góp mặt của ECVN, Techcombank, Vietnam Airlines, M.Tech, Lacviet, 123 Mua… Khách tham quan không thấy bóng dáng của các sàn giao dịch lớn và vẫn được nhiều người biết đến như Aha, Chợ điện tử hay nhiều ngân hàng lớn khác.
Nguyễn Hằng (VNE)