Thứ Bảy, 18/01/2025 20:09 CH
Dự báo về CNTT năm 2007
Thứ Năm, 04/01/2007 10:06 SA

2006: các mạng cộng đồng (social network) như YouTube và MySpace lên ngôi, chip nhân đôi và 4 nhân ra đời, nguy cơ bảo mật liên quan đến lỗi ZeroDay tăng mạnh… Vậy năm 2007 hứa hẹn những gì?

2007 - Năm của mạng cộng đồng

070104-myspace.jpgThành công của các mạng cộng đồng đã quá rõ ràng. Trong năm 2006, hai đại diện tiêu biểu của nhóm website này là YouTube và MySpace đều “thắng lớn”. YouTube trở thành website tăng trưởng nhanh nhất từ trước tới nay, đạt mức 100 triệu lượt mở video mỗi ngày vào tháng 10. Trong khi đó, MySpace đã có trên 100 triệu tài khoản đăng kí, chiếm đến 4,6% lượng truy cập vào các website của Mỹ, vượt mặt cả các “đại gia” như Yahoo và Google.

FaceBook (facebook.com) cũng thu hút đông đảo học sinh, sinh viên Mỹ với số lượt truy cập cao hơn cả Amazone Mỹ. Còn Bebo.com, mạng cộng đồng lớn nhất của Anh đã vượt mức 26 triệu tài khoản đăng kí.

Theo các chuyên gia, mạng cộng đồng là một thị trường đầy tiềm năng và xu thế các website cộng đồng liên kết với các “đại gia” internet đã rất rõ ràng. Sau bản hợp đồng 1.65 tỉ USD của Google với YouTube, các công dân của thế giới ảo lại đang bàn tán về khả năng Bebo “bắt tay” với Viacom. Bản hợp đồng này (nếu có thật) có thể lên đến 1 tỉ USD.

Không chỉ các “ông lớn” trong làng search engine như Google, Yahoo mới nhìn ra lợi ích mà các mạng cộng đồng đem lại. Các hãng cung cấp dịch vụ IPTV (truyền hình trực tuyến) như Verizon cũng đã vào cuộc. Nếu cuộc đàm phán của họ với YouTube thành công thì những người sử dụng điện thoại di động sẽ có thể xem video clip của YouTube qua điện thoại của mình.

Các hãng phim và các công ty âm nhạc lớn như Sony BGM hay Waner Bros đều không chịu “chậm chân”. Những thỏa thuận đã được kí kết giữa họ với Google và YouTube cho thấy tiềm năng kinh tế cực lớn từ các mạng cộng đồng. Và như vậy, các chuyên gia hoàn toàn có lý khi coi năm 2007 là năm của các social network.

Phần cứng - chip lõi kép sẽ chiếm vị trí chủ đạo

070104-Core2Duo.jpg

Chip lõi kép của Intel

Đây là một trong số 10 nhận định về hi-tech năm 2007 của các chuyên gia SNS (Stradegic News Service – Dịch vụ thông tin chiến lược).

Dù bị cạnh tranh gay gắt trong năm 2006, Intel vẫn rất thành công trong việc cải thiện tốc độ xử lý của chip máy tính khi tung ra chip lõi kép và chip lõi tứ, đáp ứng nhu cầu xử lý ngày càng cao, nhất là khi Windows Vista sắp đến tay người sử dụng.

Nhưng giá trị thương hiệu của Intel cũng đã giảm tới 9% do bị mất một số bạn hàng quan trọng, trong đó có Dell vào tay đối thủ AMD. Cuộc đua giảm giá chip xử lý cũng làm cho Intel thiệt hại khá lớn. Chỉ có người tiêu dùng là vui mừng vì giá hạ.

Một số thành tựu được đánh giá cao khác có thể được kể đến là ổ đĩa cứng sẽ vượt dung lượng 1TB (tetrabyte), hay máy tính xách tay siêu rẻ (giá xấp xỉ 100 USD) đã bắt đầu được phát triển và chip xử lý đồ họa 3D mạnh mẽ hơn cũng hứa hẹn sớm ra mắt.

Nhạc số - iPod thống trị, iTunes “lung lay”

070104-ipod.jpg

iPod đang thống trị thị trường máy nghe nhạc số

Các con số thống kê trong mùa Giáng sinh vừa qua một lần nữa khẳng định vị trí thống trị của máy nghe nhạc iPod. Cùng với các dòng sản phẩm mới như Nano và Shuffle, iPod chiếm khoảng 62.2% thị trường thiết bị nghe nhạc cầm tay, bỏ xa Sandisk ở vị trí thứ 2 với 18.4%.

Tính đến tháng 11-2006, số lượng iPod Nano bán ra đã tăng 37% so với năm trước, trong khi doanh số của iPod Shuffle tăng gấp đôi; còn mẫu iPod vỏ đen dung lượng 30GB dẫn đầu danh sách các mặt hàng điện tử bán chạy nhất trên Amazon.

Zune mặc dù khởi đầu khá suôn sẻ nhưng doanh số lại sụt giảm nhanh chóng từ vị trí thứ 2 ở tuần đầu tiên ra mắt xuống vị trí thứ 5 ở ngay tuần tiếp theo. Mẫu máy Zune vỏ đen (mẫu bán chạy nhất) cũng chỉ xếp thứ 47 trên bảng xếp hạng, thua xa iPod và cũng không qua mặt được “cựu binh” Zen của Creative (xếp thứ 27). Kết thúc năm 2006, Microsoft đành tạm hài lòng với 9% thị trường. Tính chung thị trường các thiết bị flash, Microsoft chiếm 1.9%.

Một trong những lý do chính khiến Zune vẫn chưa đủ sức cạnh tranh với iPod, theo các chuyên gia, là vì các file nhạc chia sẻ qua mạng không dây chỉ nghe được có 3 lần, hoặc chỉ hoạt động trong vòng 3 ngày. Điều này chưa đủ để thu hút khách hàng và phần nào làm họ thấy thất vọng.

Ngược lại với thành công của iPod, các chuyên gia dự báo iTunes sẽ gặp nhiều khó khăn. Lý do chính là vì người sử dụng sẽ “ngại” trả tiền hơn cho nhạc số, nhất là khi họ có thể tìm thấy một thư viện đa phương tiện khổng lồ từ các mạng cộng đồng và các mạng chia sẻ p2p. Bên cạnh đó, một số lỗi kết nối và tốc độ tải chậm cũng làm nhiều người “nản lòng.”

Dẫu sao, việc số lượng truy cập iTunes trong ngày lễ Giáng sinh năm nay tăng tới 413% so với Giáng sinh 2005 cũng đủ để Apple tạm yên tâm với dịch vụ nhạc số của mình.

Bảo mật - Hacker vẫn “dẫn điểm”

070104-baomat.jpgMặc dù các công ty bảo mật và các ISP đang cố gắng phát triển hệ thống lọc “tầm cao” (cloud-level filter) nhưng các chuyên gia vẫn khẳng định spam sẽ tiếp tục đe dọa người sử dụng internet trong năm tới. “Vũ khí” chủ lực cuả spammer sẽ là e-mail kèm ảnh vì các bộ lọc không thể “đọc” được nội dung hình ảnh như văn bản.

Tuy nhiên, Scansoft (scansoft.co.uk) lại khẳng định nguy cơ bảo mật lớn nhất sẽ đến từ web chứ không là e-mail vì các thống kê của IDC (idc.com) cho thấy 30% các công ty có từ 500 nhân viên trở lên bị lây nhiễm các loại phần mềm độc hại do nhân viên lướt web bất cẩn. Các phầne mềm chat (instant message) cũng sẽ được hacker khai thác nhiều hơn, vì có tới 31% người dùng internet dùng loại phần mềm này tại văn phòng. 78% trong số đó dùng các phần mềm miễn phí.

Web 2.0 với hàng loạt tính năng cải tiến sẽ vẫn là mục tiêu lý tưởng cho tin tặc. Mạng cộng đồng có thể là xu thế chính của năm 2007, nhưng cũng có thể trở thành thảm họa bảo mật lớn nhất, đặc biệt là khi các chuyên gia đã cảnh báo khả năng xuất hiện virus trong file video.

Lỗi ZeroDay, sau khi trở thành một “hiện tượng” trong năm 2006 đã được Scansafe xếp ở vị trí thứ 5 trong số 8 xu hướng chính của bảo mật 2007.

Ngoài ra, mạng không dây và điện thoại internet đều được đánh giá là “đầy tiềm năng” đối với bọn tội phạm ảo. Điều đáng lo ngại là phần lớn các công ty và cá nhân sử dụng lại chưa trang bị các công cụ bảo mật phù hợp.

Sẽ thật thiếu sót nếu không nhắc tới Windows Vista và Internet Explorer 7.0. Các chuyên gia kì vọng hệ điều hành mới của Microsoft sẽ nhanh chóng được sử dụng rộng rãi trong năm nay nhưng phần lớn người sử dụng sẽ… tắt các tính năng bảo mật quan trọng.

Tóm lại, công cụ có mạnh mẽ tới đâu thì ý thức của người sử dụng vẫn giữ vai trò quyết định và trong cuộc chiến bảo mật thì không chỉ có các hãng bảo mật hay các hãng phần mềm phải chiến đấu.

Các nguy xu hướng của bảo mật 2007 (theo dự báo của Scansafe)

1. Hacker tấn công web 2.0, nhắm vào các mạng cộng động, RSS, video,…

2. E-mail kèm ảnh trở thành vũ khí chủ lực của spammer.

3. Phần mềm chat (Instant Message) trở thành công cụ phát tán phần mềm độc hại.

4. Các ISP nỗ lực xây dựng hệ thống lọc “tầng cao”.

5. Lỗi ZeroDay tiếp tục được khai thác.

6. Tấn công mạng không dây và thiết bị di động tăng mạnh.

7. Điện thoại internet (VoIP) là “mồi ngon” cho hacker.

8. Window Vista và Internet Explorer 7.0 sẽ phổ biến, nhưng phần lớn người sử dụng sẽ… tắt các tính năng bảo mật quan trọng.

Một số xu hướng khác

Theo các chuyên gia của SNS, thay đổi lớn nhất đối với công nghệ di động trong năm 2007 sẽ là việc NFC ra mắt dịch vụ thanh toán bằng… điện thoại di động tại Mỹ. Sự kiện nay sẽ bắt đầu cho xu hướng “mobile wallet” (ví tiền di động).

Quảng cáo trực tuyến sẽ tăng trưởng mạnh, có thể tới 30%. Cũng theo SNS, nguyên nhân chủ yếu là do các “đại gia” của giới công nghệ thông tin đẩy mạnh “khai thác” mạng cộng đồng.

Và cuối cùng là các hệ thống kiểm tra, nhận diện sẽ được áp dụng rộng rãi để đề phòng nguy cơ khủng bố. “Mọi người đều cần biết chắc chắn bạn đúng là người mà bạn nói.” Mark Anderson, chuyên gia của SNS phát biểu.

Theo TTO

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek