Thứ Ba, 21/01/2025 03:50 SA
Nông dân online học trồng hoa, nuôi cá
Thứ Hai, 23/10/2006 09:21 SA

Lần đầu tiên, cổng thông tin hai chiều trên internet cho nông dân được thiết lập và vận hành hiệu quả, TS Trần Thị Thu Hương - Giám đốc Trung tâm Phát triển Bền vững (Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam) cho biết tại hội thảo vừa diễn ra ở HN.

061023-web-nong-dan.jpg

Cổng http://nguoinongdan.vietnamgateway.org giúp nông dân vững tin hơn trong cuộc cạnh tranh toàn cầu sau khi Việt Nam gia nhập WTO

Theo TS Trần Thị Thu Hương, sáng kiến cổng thông tin hai chiều được triển khai tại tỉnh Thái Bình và Ninh Bình. Với kinh phí 324 triệu đồng, sau 5 tháng thử nghiệm, 700 nông dân tại tám xã lần đầu tiên được hướng dẫn tìm tin trên internet.

Qua không gian ảo, ba lớp học về những chủ đề sát sườn như nuôi cá rô phi đơn tính, phòng chống bệnh cho cá được tổ chức cho 180 nông dân ở bốn xã thử nghiệm thuộc tỉnh Thái Bình.

Nhiều người nhắc đến thầy giáo Trần Văn Minh, trường THCS Quang Thiện (Kim Sơn, Ninh Bình) thoát nghèo nhờ internet.

Xem hướng dẫn kỹ thuật trồng hoa trên “chuyên trang dành cho nông dân”, vườn hoa nhà thầy giáo Minh và một số đồng nghiệp đã sinh lời, ông Bùi Văn Hải, Chủ tịch xã Ninh Giang (Ninh Bình) phấn khởi cho mua thêm hai máy tính phục vụ người dân. Có nơi thấy người dân đến đông nên đã sắm thêm máy tính và doanh số tăng đáng kể như ở xã Ninh Hòa.

Tuy nhiên, GS.VS Vũ Tuyên Hoàng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học & Kỹ thuật Việt Nam, cảnh báo hàng hóa thông tin chưa phong phú và sát thực dễ gây nản lòng những người nông dân vốn rất xa lạ với internet.

Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông, Vũ Đức Đam, cũng dè dặt khi thấy đường truyền internet về nông thôn quá chật hẹp trong khi lại mong làm phong phú thông tin.

“Internet về các xã vẫn chỉ là dial up (qua đường điện thoại) chứ không phải ADSL (tốc độ cao, băng thông rộng), khó chuyển tải được các chương trình khoa giáo từ tivi về người dân”.

Thứ trưởng Vũ Đức Đam cho biết, kinh phí cho mô hình đầy hứa hẹn này không thiếu nếu biết cách khai thác và lồng ghép. Ông đề cập đến khả năng tận dụng dự án phát triển chính phủ điện tử trị giá 100 triệu USD do Ngân hàng Thế giới tài trợ (87 triệu USD) cho Hà Nội, Đà Nẵng, và TP HCM, hay tiềm năng từ dự án phát triển công nghệ thông tin cho các tỉnh, trước hết thử nghiệm ở Hòa Bình trị giá 10 triệu USD, do JBIC hỗ trợ.

Lớn hơn nữa là Quỹ Viễn thông Công ích, vừa thành lập năm ngoái hiện đã có 800 tỷ đồng. Từ nay đến năm 2010, Quỹ này có nhiệm vụ thu hút mỗi năm thêm 1.000 tỷ đồng.

Vấn đề là nguồn quỹ được xem là lớn nhất trong tất cả các loại quỹ này chưa biết dùng vào việc gì. Cơ chế tiêu tiền quỹ chưa có trong khi thực tiễn như kiểu “cổng thông tin hai chiều cho nông dân” lại đang mỏi cổ chờ vốn - Một nhà khoa học phàn nàn.

Theo Q.D (TPO)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek