Chủ Nhật, 19/01/2025 22:20 CH
Ứng dụng CNTT vào thư viện: Cần thêm sự đầu tư
Chủ Nhật, 08/10/2006 10:00 SA

Công nghệ thông tin (CNTT) đang phát huy tác dụng khi được ứng dụng trong công tác thư viện. Bạn đọc có thể làm thẻ, nhập lệnh mượn-trả sách báo, truy cứu một số thông tin theo mảng... Tuy nhiên, với xu thế hiện đại, người đọc cần một thư viện điện tử hoàn chỉnh thì Phú Yên chưa thể triển khai vì sự đầu tư chưa mạnh.

 

HIỆU QUẢ CỦA ỨNG DỤNG CNTT VÀO THƯ VIỆN

 

Giờ đây, chỉ cần một máy vi tính nối mạng và qua địa chỉ: thuvienhaiphu.com.vn, bạn đọc có thể ngồi ở bất cứ nơi đâu cũng có thể mượn được tài liệu ở thư viện với các hình thức như tra tìm tài liệu, đặt mượn tài liệu, theo dõi phiếu mượn, gia hạn tài liệu đang mượn. Bên cạnh đó, bạn đọc cũng có thể đọc sách điện tử, nghe nhạc… Qua website này, bạn đọc còn có điều kiện tiếp cận trên 2.700 trang web trên cả nước, trong đó có 19 địa chỉ website của tỉnh Phú Yên.

 

Một tiện ích nữa là bạn đọc không nhất thiết đến thư viện nhưng vẫn có thể đăng ký được thẻ. Các mục dành cho bạn đọc tham gia như: thăm dò tình hình sách xuất bản, bạn nghĩ gì về tình hình sách xuất bản hiện nay … Trong trang web của thư viện còn có mục thăm dò nội dung kho tài liệu, thăm dò thái độ phục vụ ở thư viện Phú Yên như thế nào? Ngoài ra, phần hoạt động chuyên môn có lịch làm việc của đơn vị để bạn đọc ai sẽ làm việc ở phòng nào vào ngày hôm đó để bạn đọc tiện liên hệ mượn hoặc trả sách…

 

061008-Thu--vien2.jpg

Bạn đọc của Thư viện Hải Phú đang đọc thông tin qua mạng thuvienhaiphu.com.vn - Ảnh: M.NGUYỆT

 

Bạn Phan Đắc Hoan, sinh viên Trường Đại học Hành chính quốc gia (TP Hồ Chí Minh) phấn khởi cho biết: “Tuy ở xa nhưng em vẫn có được những tài liệu quý giá về Phú Yên cũng như các thông tin cần thiết để nghiên cứu, học tập qua website của Thư viện Phú Yên”.

 

Có được những tiện ích cho bạn đọc cũng như đối với cán bộ thư viện như hiện nay, Thư viện Phú Yên đã nghiên cứu ứng dụng MARC 21 vào công tác quản lý và khai thác tài liệu ở thư viện. Mục tiêu của việc ứng dụng này nhằm xây dựng Ngân hàng dữ liệu điện tử, xây dựng nguồn tài nguyên thông tin và xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu (CSDL) công cộng theo chuyên ngành và thiết lập nên một môi trường thông tin tương tác giữa các tổ chức, đơn vị. Phương pháp này cho phép máy tính sắp xếp, lựa chọn dữ liệu biên mục để thư viện giúp người dùng truy cập CSDL theo hệ thống với nhiều cách thức khác nhau, thư viện in dữ liệu biên mục theo một số dạng thức khác nhau và người sử dụng mục lục có thể tìm thấy tất cả các tài liệu liên quan dưới cùng một tiêu đề.

 

Ngân hàng dữ liệu thư viện điện tử ở thư viện Phú Yên gồm: hình ảnh, đồ họa, văn bản, chương trình và dữ liệu máy tính. Xây dựng Ngân hàng dữ liệu điện tử nhằm giúp cho bạn đọc có điều kiện nghiên cứu, học tập và cũng có điều kiện tìm hiểu về đất nước và con người Phú Yên. Ngân hàng này được cập nhật thường xuyên, đủ sức khai thác và cung cấp mọi lĩnh vực thông tin cho người dùng.

 

Theo kế hoạch, thời gian đến, thư viện sẽ phân quyền truy cập tài nguyên cho từng đối tượng như học sinh, sinh viên, cán bộ, nông dân… để dễ dàng tìm tài liệu cho phù hợp hơn. Thư viện cũng sẽ mở lớp tập huấn cho bạn đọc sử dụng thư viện và tiến hành triển khai ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý và khai thác tài liệu ở thư viện.

 

CẦN ĐẨY NHANH ĐẦU TƯ ĐỂ SỚM RA ĐỜI THƯ VIỆN ĐIỆN TỬ

 

Ông Dương Thái Nhơn, Giám đốc Thư viện Phú Yên cho biết: “Khó khăn nhất hiện nay là việc chuẩn hoá về dữ liệu thông tin, bởi vì thói quen của cán bộ thư viện cũng như bạn đọc chưa nhất quán trong việc dùng chữ tắt trong các thuật ngữ hoặc có khi nhầm lẫn trong việc chọn các mục. Do vậy, thư viện phải xây dựng bản chuẩn về ngôn ngữ địa danh”.

 

Những khó khăn khác mà thư viện đang đối mặt là hệ thống máy tính trên mạng không đồng bộ nên còn gặp không ít khó khăn trong quá trình vận hành. Ngoài ra, các ban ngành chưa hoàn thiện chuẩn miêu tả thư mục quốc tế IXBD hoặc AACR2 và cách nhập liệu MARC 21. Ví dụ như cổng thông tin điện tử UBND tỉnh ra một văn bản, nếu sử dụng đúng chuẩn thì thư viện khỏi phải nhập lại. Nếu như mọi nơi đều áp dụng theo đúng chuẩn thư mục thì việc cộng tác với nhau sẽ rất thuận lợi.

 

Thư  viện Phú Yên nếu liên thông với thư viện của các huyện hoặc các trường thì ít ra các nơi đó phải có máy chủ, nối mạng để thực hiện giao thức Z39. 50, một giao thức cho phép mở rộng tìm kiếm tài liệu ở các thư viện trong và ngoài nước. Khi đã theo chuẩn như vậy thì việc quản lý dữ liệu ở thư viện sẽ rất chặt chẽ. Tuy nhiên, đội ngũ tin học của thư viện cần phải đào tạo chuyên sâu hơn nữa thì mới đảm đương được công việc.

 

Thêm nữa, theo Quyết định 691 của UBND tỉnh về việc duyệt thực hiện đầu tư dự án Nâng cấp mở rộng thư viện tỉnh Phú Yên giai đoạn 2 có phần: xây dựng bổ sung mạng LAN tại Thư viên Hải Phú gồm 2 máy chủ và 48 máy trạm có độ tin cậy cao, tạo khởi điểm cho sự hình thành thư viện điện tử. Tuy nhiên, các  thiết bị này nằm trong gói thầu chưa triển khai. Ông Nhơn quả quyết: “Nếu có 2 máy chủ và 48 máy trạm thì thư viện điện tử đã được khánh thành rồi”. Và ông cũng đang trăn trở một điều: “Khó khăn nhất hiện nay là thư viện chỉ có 1 máy chủ do Thư viện quốc gia cấp năm 2001. Máy này  hiện trong tình trạng quá tải và lưu hơn 6.000 biểu ghi, rất dễ bị hư, đó là chưa kể đến chuyện hacker tấn công.  Điều nguy hiểm nhất là nếu không triển khai thư viện điện tử, khối lượng dữ liệu số hóa bấy lâu (từ 1993 đến nay) sẽ bị mất sạch”.

 

MINH NGUYỆT

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek