Hiện tượng máy tính tự khởi động lại mà không có thông báo lỗi là vấn đề “đau đầu” của nhiều người. Vậy phải làm sao? Bạn nên lần lượt thực hiện các “liệu pháp” sau đây:
KIỂM TRA PHẦN MỀM
Tiến hành kiểm tra phần mềm nếu hiện tượng này xảy ra sau khi bạn chỉnh sửa hệ thống, cài đặt hoặc gỡ bỏ ứng dụng, phần mềm... Vào Control Pannel\Administrative Tools\Event Viewew để xem thông báo lỗi. Đây là một trong những nơi cần tham khảo, tìm hiểu nguyên nhân để biết cách khắc phục.
Nếu nghi vấn driver sai hay quá cũ, bạn hãy lên trang web của nhà sản xuất thiết bị tải về bản driver mới nhất.
Thiết lập mặc định của Windows NT/2000/XP sẽ tự khởi động lại máy khi gặp lỗi liên quan đến hệ thống (kể cả trong quá trình shutdown). Giải pháp tạm thời là tắt tính năng này, thực hiện như sau:
Nhấn phải chuột trên My Computer, chọn Properties để vào System Properties, chọn Tab Advanced, trong mục Start and Recovery, chọn Settings, bỏ dấu tùy chọn mục “Automatically Restart”. Nhấn OK để xác nhận thay đổi và khởi động lại.
KIỂM TRA PHẦN CỨNG
Bạn không thể (hoặc không dám) can thiệp sâu vào phần cứng, chỉnh sửa hoặc thay đổi như phần mềm. Vì vậy, “thay và thử” là giải pháp được áp dụng nhằm xác định nguyên nhân. Trong trường hợp này, RAM và bộ nguồn là hai phần cứng bạn cần quan tâm đặc biệt.
Kinh nghiệm thực tế cho thấy, với máy PIII, RAM là phần cứng đầu tiên cần kiểm tra nhưng với các hệ thống PIV hiện nay, phần cứng đầu tiên cần kiểm tra là bộ nguồn.
RAM
Một số phần mềm sẽ giúp bạn kiểm tra RAM như Memtest86, Gold Memory, tuy nhiên, việc sử dụng phần mềm kiểm tra sẽ mất nhiều thời gian với những thanh RAM có dung lượng lớn (512MB hoặc 1GB). Vì vậy, “thay và thử” sẽ giúp bạn tránh khỏi cảnh “đợi chờ” nếu có sẵn RAM thay thế.
BỘ NGUỒN
Bộ nguồn là một thiết bị phần cứng quan trọng, cung cấp điện năng hoạt động cho toàn hệ thống. Tuy nhiên, việc lựa chọn bộ nguồn đã không được người dùng quan tâm trong một thời gian dài. Với hàng loạt công nghệ mới chạy đôi hoặc “2 trong 1” như RAM dual channel, đĩa cứng RAID, đồ họa SLI/CrossFire, CPU dual core... Bộ nguồn càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết bởi nó quyết định sự ổn định của hệ thống, tuổi thọ của các thiết bị phần cứng khác. Gánh nặng này đã vượt quá khả năng “chịu đựng” của những bộ nguồn không tên tuổi trên thị trường, kể cả những bộ nguồn được dán nhãn 600 - 700W.
Vì vậy, bạn đừng tiếc tiền khi đầu tư cho bộ nguồn của máy tính vì chúng tránh cho bạn những sự cố đáng tiếc khi xảy ra quá tải. Nếu có thể, bạn nên trang bị ổn áp hoặc tốt hơn là UPS.
PHÚ VINH