Kể cả khi đang ngồi bóc lịch trong khám tại Ai cập, Alaa Abdel-Fattah vẫn miệt mài blogging mỗi ngày.
Blog do Abdel-Fattah, năm nay 24 tuổi, mở cùng với vợ anh là một trong những trang blog nổi tiếng nhất tại Ai Cập. Mặc dù bị bắt từ đầu tháng 5 do đi biểu tình trên đường phố Cairo, không gì có thể ngăn cản Abdel say sưa ghi lại những dòng blog đời thường của mình rồi đưa chúng lên mạng Internet.
"Chúng tôi vẽ đầy lên 4 bức tường giam những hình ảnh graffiti của tên mình, slogan và cả địa chỉ website nữa", có lần Abdel đã viết như vậy về anh và những người bạn tù của mình. "Chúng tôi ca hát với một tâm trạng tuyệt vời".
Thế nhưng một dòng nhật ký vào một ngày khác lại rất khác. "Tôi ngồi đây, lo sợ rằng họ sẽ chuyển tôi tới một nhà tù tệ hơn, hoặc cắt hẳn các chuyến thăm viếng".
Vợ chồng Abdel đặt tên cho blog của mình là Manalaa, ghép tên hai người. Được khai trương cách đây 2 năm và được viết bằng cả tiếng Anh lẫn Ả - rập, Manalaa thu thập những bài post từ hơn 1000 blog khác cũng của Ai Cập.
Chính vì thế, nó giống như một cái cổng, nơi từ một trang duy nhất, người xem có thể nắm được sơ bộ toàn cảnh thế giới blog tại xứ sở Kim tự tháp này.
Nhà báo công dân "kỳ lạ nhất"
"Thật là một cuộc cách mạng về Web tại Ai Cập - Họ đích thực là những nhà báo công dân", Salma Abdel - Fattah, bạn từ thời niên thiếu của Abdel nói. "Thay vì mở những website của Al-Jazeera hay BBC, chúng tôi vào blog Manalaa để theo dõi thời sự mỗi ngày".
Nhiều người khác thì cho rằng Abdel chính là blogger nổi tiếng nhất tại Ai Cập vào thời điểm hiện nay. "Khi bạn ở trong một tình cảnh như vậy, ngay cả một tiếng nói nhỏ nhoi cũng chất chứa một sức mạnh đáng kinh ngạc".
Manaa Hassan, vợ của Abdel cho biết "Chúng tôi chưa bao giờ xa nhau hơn một tuần. Đây là lần đầu tiên anh ấy phải rời xa hai tình yêu lớn nhất của đời mình là vợ và máy tính".
Kể từ khi bị bắt, Abdel đã post bài lên blog được tổng cộng 3 lần. Nhưng bằng cách nào anh đưa được thông điệp của mình ra ngoài thì vẫn còn là bí mật.
"Ở trong tù, anh ấy không có máy tính và cũng không được phép giao thư từ gì cho người thăm nếu không có sự đồng ý của quản giáo. Tôi chỉ có thể nói với các bạn là mọi thông điệp anh ấy đều viết tay mà thôi", Hassan cười đầy bí hiểm.
Tại Ai Cập, các quán Internet Cafe đã bắt đầu trở nên phổ biến, song việc sử dụng Internet vẫn còn ở mức thấp và chỉ giới hạn ở tầng lớp trung lưu trở lên. Đại bộ phận dân số 73 triệu của nước này vẫn còn đang sống trong cảnh đói nghèo.
Theo AP