Hiện nay, đĩa CD-ROM là phương tiện rất thông dụng để lưu dữ liệu vì rẻ tiền, an toàn, dễ bảo quản và bền. Có khá nhiều chương trình phần mềm ghi đĩa (CD Recording software) phục vụ "thượng đế".
Trong bài này, chúng tôi chỉ giới thiệu ba chương trình ghi đĩa đang được sử dụng nhiều nhất.
Roxio WinOnCD 6.01 (www.roxio.co.uk/products/winoncd)
Với phiên bản 6.x, tương thích với mọi Windows, WinOnCD hoàn toàn lột xác: giao diện thay đổi, thêm nhiều chức năng thuận tiện cho người dùng (ghi nhiều đĩa một lúc, thêm mật khẩu bảo vệ cho CD...).
Bạn bấm chuột lên biểu tượng chương trình trên desktop là vào ngay giao diện chính, giống nhau cho mọi kiểu ghi từ dữ liệu, hình ảnh tới audio, video...
Giao diện này có phần trên là Windows Explorer (với hai cửa sổ quản lý thư mục/file) tương tự WinOnCD 5.03 nhưng có thêm các chức năng duyệt Web như Internet Explorer để trực tiếp ghi lại hình ảnh, video trong trang Web vào CD... HFS View (dành cho máy Macintosh), File View và Track View. Riêng trong menu Data có thêm các phần mới là:
- Encryption: Mã hóa và bảo vệ dữ liệu ghi lên CD bằng mật khẩu (password).
- DataOverspan và Catalog settings: Thiết lập chế độ ghi nhiều CD cùng lúc và tự phân chia ra nhiều đĩa khi dung lượng ghi vượt quá 680 hay 750MB.
- Autorun: Tạo đĩa CD tự chạy. Khi xóa đĩa CD-RW có thêm nút kiểm Eject After Erasing (đẩy đĩa ra sau khi xóa) và còn có thêm game để chơi trong lúc chờ đĩa ghi xong.
Phần dưới là phần chọn để ghi với hai cánh cửa sổ. Đầu tiên, bạn bấm phải chuột vào tên đĩa (là dãy số ngày, giờ, tháng, năm) chọn Volume Properties nhằm thay đổi tên đĩa CD theo ý mình. Trên thanh menu có thêm nút Bootable Properties (tạo CD tự boot), Encrypt (mã hóa dữ liệu). Ngoài ra, còn có mục Artwork cho ai muốn thiết kế nhãn đĩa CD.
Bạn bấm nút Record (ghi) khi "gắp" xong các dữ liệu cần ghi từ phần trên "bỏ" xuống dưới. Tuy nhiên, lúc này, bạn chỉ mới chuẩn bị chứ chưa ghi thật sự, còn phải thiết lập (settings) tiếp trong phần Destination như: tốc độ ghi, số bản ghi, Finalize (khóa đĩa, không ghi thêm được nữa), Multisession (có thể ghi nhiều lần trên đĩa). Chọn xong, bạn bấm vào biểu tượng ngọn lửa ở góc dưới bên phải để tiến hành ghi. Chú ý: nếu quá trình ghi bị ngắt nửa chừng, đĩa ghi sẽ bị hỏng. Khi hoàn tất, bạn có thể chọn đẩy đĩa ra hay cho đọc lại để kiểm tra (Verify Integrity).
WinOnCD 6.0 có chức năng ghi đĩa phim Super VCD.
Nhận xét chung: Đây là phần mềm ghi đĩa thuộc loại hàng hiệu, sử dụng hơi phức tạp, nhưng lại có giao diện đẹp nhất.
NTI CD-Maker 6.5 (www.broderbund.com/Product.asp?OID=4150401)
Trái với WinOnCD, NTI CD-Maker 6.5 ghi đĩa CD rất dễ dàng và đơn giản. Tuy giao diện có hơi màu mè nhưng cũng vui mắt. Muốn ghi dữ liệu, bạn chọn mục Data CD lúc mới khởi động.
Trong giao diện chính của chương trình, phần trên là Windows Explorer để giúp bạn chọn dữ liệu trên ổ đĩa cứng. Chỉ việc gắp từ cửa sổ trên thả vào cửa sổ dưới (Data track layout) để ghi. ở góc trên bên phải là nơi để bạn chọn cách ghi: ghi lên đĩa CD (chọn tên ổ ghi, thường để mặc định), hay ghi thành file hình ảnh lưu trên đĩa cứng (chọn chức năng NTI Disc Image Writer).
Sau khi chọn dữ liệu, bạn ấn nút phải vào icon CD nhỏ ở góc trái, chọn Disk Layout Properties để sửa tên (volume) đĩa và chọn cách ghi. Kế tiếp, bạn chọn Options trong menu Tools, chỉ định thư mục tạm, Preferences (chỉ định tốc độ ghi), Verify Disk (đọc lại để kiểm tra)... ấn vào nút màu đỏ để chuẩn bị ghi. Bạn có thể chọn tính năng EasySteps (bên trái) để được hướng dẫn qua từng bước (steps), trong bước 2, có phần chọn tốc độ ghi và số lượng bản ghi. Bạn ấn vào Start để tiến hành ghi ngay lập tức.
Nếu muốn xóa đĩa CD-RW, bạn bấm vào cục gôm nhỏ trên thanh toolbar.
Nero Burning ROM 6015 (www.nero.com)
Phần mềm ghi đĩa được cập nhật nhiều nhất, cứ khoảng hai tuần trên Internet đã thấy phiên bản Nero khác rồi. Cài đặt cũng dễ dàng, chọn Update hay cài mới chỉ vài giây là xong và "xài" được liền, không cần boot máy lại. Nero không nén file audio hay video mạnh bằng WinOnCD 6.x nên không được chuộng để làm đĩa nghe nhìn, nhưng lại có "khiếu" đặc biệt về chuyện ghi dữ liệu.
Ghi đĩa bằng chức năng Nero Express có giao diện đẹp nhưng lại khá rắc rối. Nên người ta thường chọn ghi với giao diện Nero cơ bản tương đối quen thuộc và dễ hơn với hai cửa sổ trái, phải.
Dù sử dụng bất cứ chương trình ghi đĩa nào, bạn cũng nên biết vài kinh nghiệm sau để tránh hiện tượng hư đĩa khi đang ghi nửa chừng (rớt đĩa): Phải xóa phân mảnh (defragment) thường xuyên cho ổ cứng, không chạy chương trình nào khác khi đang ghi đĩa, ghi ở tốc độ thấp hơn mức cho phép tối đa, ghi thành file hình ảnh (image) trước, sau mới ghi ra đĩa thật sự.
Hy vọng qua bài này, bạn sẽ chọn được cho mình phần mềm thích hợp nhất.
Theo Echip