* Thưa ông, một người bình thường làm thế nào có thể biết được modem ADSL của mình đang nằm trong tình trạng nguy hiểm do vẫn sử dụng tài khoản quản trị Modem theo mặc định của nhà sản xuất?
Ông Nguyễn Tử Quảng
- Về cơ bản là nếu nhà cung cấp dịch vụ chưa có khuyến cáo gì về chuyện đấy, và mình cũng chưa tự làm bao giờ thì thuộc vào diện có nguy cơ. Theo tôi được biết thì hầu như các nhà cung cấp dịch vụ cũng chưa để ý đến vấn đề này. * Như vậy thì số lượng máy tính nằm trong diện có nguy cơ bị tấn công cao sẽ không nằm ở con số 1.400 máy tính? - Tất nhiên là như vậy. Trong số 10.000 thuê bao ADSL của 3 nhà cung cấp dịch vụ ADSL lớn nhất Việt Nam mà chúng tôi khảo sát thì có khoảng 1.400 thuê bao nằm trong tình trạng như vậy (chiếm khoảng 14%). Trên thực tế, tỷ lệ về số thuê bao ADSL có thể nằm trong tình trạng nguy hiểm có thể nhiều hơn vì chỉ mới những kiểm tra cơ bản thì con số đã như vậy. * Vậy với một người không am hiểu về kỹ thuật, làm thế nào để có thể tự chỉnh sửa các thông số, giúp máy tính của mình tránh được nguy cơ bị tấn công thông qua modem ADSL? - Tại Việt Nam có một số modem phổ biến, mỗi một modem sẽ có một cách chỉnh sửa khác nhau. Các bạn có thể xem hướng dẫn cụ thể về các thao tác cần thiết trên một số modem tại trang web www.bkav.com.vn. Nếu như modem mà các bạn đang sử dụng không có hướng dẫn tại đây, bạn phải liên hệ với nhà cung cấp dịch vụ để họ hướng dẫn. * Theo khảo sát của Bkis, đã có máy tính nào bị tấn công thông qua lỗ hổng là modem ADSL hay chưa? - Chúng tôi mới khảo sát và phát hiện ra lỗ hổng, thấy đây là một nguy cơ lớn nên đưa ra lời cảnh báo. Chúng tôi chưa có số liệu cụ thể về việc đã có máy tính bị tấn công qua lỗ hổng này. Tuy nhiên, chúng tôi tin chắc là có máy tính đã bị tấn công vì việc tấn công này hết sức dễ dàng nếu ai đó là một đối tượng bị người khác theo dõi. Một vấn đề khác là có thể có những máy tính đã bị tấn công nhưng không biết, vì họ bị đánh cắp (copy) dữ liệu chứ không phải bị xóa dữ liệu. Theo TNO