Thứ Bảy, 21/09/2024 02:19 SA
Thủ tướng phê duyệt Chiến lược phát triển thông tin đến 2010
Thứ Sáu, 16/09/2005 11:14 SA

Thủ tướng Chính phủ đã chính thức ra quyết định số 219/2005/QĐ-TTg, phê duyệt "Chiến lược phát triển thông tin đến năm 2010" vào ngày 9/9 vừa qua. Quyết định sẽ có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày đăng công báo.

Những vấn đề cần và cấp thiết hiện nay trong sự phát triển thông tin của đất nước đã được bản chiến lược đề cập tới, trên cơ sở nhấn mạnh: Chiến lược phát triển thông tin là một bộ phận quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội của quốc gia, thông tin là công cụ cung cấp tri thức, dự báo sự phát triển và là động lực thúc đẩy sự phát triển xã hội.

Bộ Văn hóa thông tin sẽ có trách nhiệm chủ trì và phối hợp với các Bộ: Kế hoạch Đầu tư, Tài chính, Công an, Quốc phòng, các ngành liên quan, các Ủy ban nhân dân tỉnh để triển khai thực hiện kế hoạch này. Các nội dung lớn như: Xây dựng và tổ chức thực hiện các quy hoạch phát triển thông tin 5 năm, hàng năm; Xây dựng mô hình đạo tạo nghiệp vụ về thông tin; Xây dựng và thẩm định các dự án phát triển thông tin; Xác định tỷ lệ ngân sách hàng năm cho sự nghiệp phát triển thông tin; Xây dựng kế hoạch phát triển sự nghiệp báo chí; Thực hiện đảm bảo an ninh thông tin trong nước và đối ngoại... cũng được Chính phủ quy định rõ ràng nhiệm vụ cho từng Bộ, ngành.

Hiện trạng thông tin: vừa thiếu hụt vừa chồng chéo!

Đánh giá về thực trạng thông tin của VN trong những năm qua, bên cạnh những tác dụng tích cực về tích chất, nội dung, hình thức và loại hình của thông tin nói chung, bản kế hoạch cũng vạch ra những hạn chế tồn tại trong sự phát triển thông tin của VN, đó là: tình trạng thiếu cân đối, vừa có sự chồng chéo về nội dung và phân bố lại vừa có sự thiếu hụt ở một số lĩnh vực và địa bàn. Nhu cầu thông tin của một bộ phận nhân dân chưa được đáp ứng đầy đủ, mức độ thụ hưởng thông tin của các tầng lớp nhân dân không đồng đều. Thông tin còn nặng tính phổ biến, chưa phát huy được tính hai chiều, còn nhiều loại thông tin sai sự thật, giật gân,... Đặc biệt, các thông tin về khoa học, kỹ thuật, phát luật chưa được chú trọng và phổ biến đến nhân dân vùng sâu vùng xa. Đó cũng là do công tác quản lý của các cấp lãnh đạo còn yếu kém, thiếu sót.

Đưa ra các giải pháp khắc phục, bản kế hoạch này chỉ rõ cơ chế phối hợp và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cơ quan quản lý nhà nước, gồm các Bộ ngành chủ quản như: Bộ Văn hóa thông tin, Bộ Bưu chính Viễn thông, Bộ Khoa học công nghệ, phải hoàn thành nhiệm vụ quản lý, hoàn chỉnh các văn bản pháp luật liên quan và đưa ra các giải pháp cụ thể về chính sách tài chính, nguồn nhân lực...

Cần nhất CHẤT LƯỢNG của thông tin

Tất cả các loại hình thông tin bao gồm: Thông tin bằng chữ viết (thông tin qua báo chí in, thông tin qua sách), Thông tin bằng tiếng nói (thông tin qua phát thanh, thông tin tuyên truyền miệng), Thông tin bằng hình ảnh (thông tin qua truyền hình, thông tin qua điện ảnh), Thông tin trên Internet Các hãng tin tức đều cần nhất một mục tiêu: chất lượng cao.

Internet ngày càng cần thiết đối với nhu cầu cộng đồng - Ảnh: VNN

Chẳng hạn, thông tin qua báo chí in phải phát triển toàn diện theo mạng lưới trong cả nước, không trùng chéo về tôn chỉ mục đích, không thương mại hóa, phải nâng cao chất lượng chính trị, chất lượng văn hóa, chất lượng khoa học, chất lượng nghiệp vụ... Thông tin qua sách phải được cải tiến về loại hình sách, hình thức nội dung xuất bản phẩm...

Thông tin qua phát thanh phải được mở rộng diện phủ sóng, chất lượng phủ sóng, đổi mới công nghệ sản xuất chương trình, số hóa phát thanh,... Các phương án đề nghị phát triển chi tiết hơn cho Đài Tiếng nói VN và các đài địa phương cũng được đưa ra như: xây dựng các chương trình phát thanh phủ rộng hơn, nhiều kênh hơn, đa dạng thể loại hơn.

Chất lượng thông tin truyền hình sẽ đảm bảo tự sản xuất 80% chương trình, chỉ khai thác các nguồn khác 20%, hoàn thiện phủ sóng cả nước. Cụ thể hơn, giai đoạn 2006-2010: chương trình của VTV sẽ phát trên 8 kênh với tổng thời lượng 168,5 giờ/ngày. Ba kênh mới là VTV 6: kênh thể thao, VTV 7: kênh thanh thiếu niên, dạy học, VTV 8: kênh tiếng Anh, truyền hình Internet.

Thông tin trên Internet được xác định là sẽ phát triển vượt bậc. Hiện tại, VN có 6 nhà cung cấp dịch vụ kết nối Internet (IXP), khoảng 20 nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP), hơn 50 nhà cung cấp thông tin Internet (ICP) và khoảng 2.500 trang tin điện tử đang hoạt động náo nhiệt và những con số này không ngừng tăng lên theo từng ngày. Thông tin trên Internet được nhấn mạnh là sẽ phải phát triển trên cả 3 phương diện: Khoa học công nghệ, nguồn nhân lực và hạ tầng kỹ thuật. Mục tiêu đến năm 2010, dịch vụ Internet được cung cấp tới 100% các trường đại học, cao đẳng, trung học, mật độ thuê bao Internet là 8,4 thuê bao/100 dân, tỷ lệ số dân sử dụng Internet là 30 - 40%, tỷ lệ người có máy tính cá nhân khoảng 10-15 máy/100 dân.

Bản chiến lược này cũng đưa ra 8 giải pháp để thực thi những mục tiêu đưa ra và chỉ ra những công việc cụ thể từ nay đến năm 2010 cho từng cơ quan Bộ ngành, tỉnh thành, với yêu cầu khẩn thiết cho sự nghiệp phát triển thông tin quốc gia trong thời đại ngày nay.

(Theo VNN)

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek