Nằm ở điểm đầu tiên trên mũi hình chữ S bản đồ Tổ quốc, bán đảo Trà Cổ (tỉnh Quảng Ninh) mang lại nhiều xúc cảm cho những người Việt trong lẫn ngoài nước khi lần đầu đặt chân đến đây. Bãi biển trữ tình và những di tích lịch sử, địa chỉ văn hóa độc đáo của Trà Cổ đã được nói đến nhiều, nhưng sự hình thành bán đảo, cộng đồng dân cư và những nhân vật gắn bó với vùng biên ải này vẫn còn chứa nhiều bất ngờ thú vị.
Sau nhiều lần lỡ hẹn, cuối cùng chúng tôi cũng đặt chân tới cột mốc 0km ở mũi Sa Vĩ, còn gọi mũi Gót của bán đảo Trà Cổ. Lúc bình minh mới chớm hửng, đoàn đã rời Thủ đô lên đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh vượt gần 320km lên Móng Cái nghỉ trưa, đầu giờ chiều tiếp tục đi khoảng 10km về phía đông đến Trà Cổ.
Kỹ sư xây dựng Đào Vinh Quang cầm lái rất rành tuyến đường này cho hay, trước đây đến Trà Cổ rất khó khăn vì đường xấu, nay ngoài đường cao tốc thì khách du lịch có thể đến Trà Cổ bằng tàu cánh ngầm đường biển. Nếu đi từ Hải Phòng thì hơn 200km, còn xuất phát từ Bãi Cháy thì khoảng 130km. Tàu cánh ngầm hoạt động 2 chuyến sáng và chiều mỗi ngày.
Trà Cổ sông, Trà Cổ đảo và… cầu
Cùng đi với chúng tôi còn có đại tá, nhà báo Nguyễn Quang Hoài mấy mươi năm trước đã từng công tác ở vùng Đông Bắc khá lâu. Đứng ở vành đai biên giới sát biển, ông chỉ tay các hướng cho biết, Trà Cổ là một doi đất dài chạy theo hướng đông bắc - tây nam, có mặt đông nam nhìn ra vịnh Bắc Bộ, góc đông bắc với mũi Gót này nhìn sang Trung Quốc, còn hướng tây bắc lại trông vào đất liền, góc tây nam ở chân núi Ngọc là mũi Ngọc hướng về đảo Vĩnh Thực. Trước đây Trà Cổ như một hải đảo, vì từ Móng Cái ra đây phải qua một đầm lầy giống như một eo biển nhỏ, mà người dân địa phương gọi là sông Trà Cổ.
Thực ra sông Trà Cổ không phải eo biển mà là một chi lưu của sông Ka Long, tức sông Ninh Dương như trong sách Đại Nam nhất thống chí có ghi. Bắt nguồn từ dãy Thập Vạn Đại Sơn bên Trung Quốc, sông Ka Long chảy đến giữa hai phường Ka Long và Trần Phú của TP Móng Cái thì chia làm hai nhánh. Một nhánh chảy theo hướng đông gọi là sông Bắc Luân, tiếp tục là đường biên giới Việt - Trung.
Còn nhánh chính vẫn gọi sông Ka Long chảy về hướng nam, xuyên qua TP Móng Cái, lại chia làm hai chi lưu. Một chi lưu chảy ngoằn ngoèo theo hướng tây nam rồi đông nam và đổ ra biển nơi giáp ranh giữa hai xã Hải Xuân và Vạn Ninh. Chi lưu còn lại chảy về hướng đông tạo nên sông Trà Cổ nay đã bị bồi lấp nhưng lại tạo nên một vùng đất tươi xanh, làng mạc trù phú và phố xá hiện đại đang mọc lên.
Trong khi đó, sông Bắc Luân hiện còn là ranh giới phía bắc của phường Trà Cổ với đất Trung Quốc. Trên sông Bắc Luân đã được xây dựng hai chiếc cầu Bắc Luân I và II nối TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh của Việt Nam với huyện Đông Hưng, tỉnh Quảng Tây của Trung Quốc. Nếu như cầu Bắc Luân II mới khánh thành ngày 19/3/2019, thì cầu Bắc Luân I được khởi công xây dựng từ cuối thế kỷ XIX, cụ thể là năm 1898, hoàn thành năm 1900, theo hiệp ước ký kết giữa Pháp với triều đình Mãn Thanh, Trung Quốc.
Chính quyền Pháp chịu trách nhiệm về kỹ thuật và cung cấp sắt thép, còn Trung Quốc lo phần kinh phí và nhân công để cùng hợp tác xây dựng. Qua hơn nửa thế kỷ, cầu Bắc Luân I bị xuống cấp nghiêm trọng. Đến năm 1957, hai nước Việt Nam và Trung Quốc hợp tác xây dựng lại cây cầu Hữu Nghị Bắc Luân và ngày 25/5/1958 thì khánh thành, nối hai cửa khẩu quốc tế Móng Cái và Đông Hưng.
Có thể nói Trà Cổ ngày nay được hình thành từ phù sa bồi đắp của hai dòng sông Trà Cổ và Bắc Luân. Dù đã biến mất nhưng ký ức, di sản của sông Trà Cổ vẫn còn mãi trong lòng người dân bán đảo này. Và hiện nay, Trà Cổ là một phường thuộc TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh với bãi cát dài 17km mặt hướng ra vịnh Bắc Bộ, có vị trí hết sức quan trọng đối với AN-QP và giao lưu đối ngoại, phát triển kinh tế, du lịch.
Sông Bắc Luân. Ảnh: PHAN PHÚ YÊN |
Người Trà Cổ tổ Đồ Sơn
Thiết kế thi công nhiều công trình ở Quảng Ninh nên kỹ sư Đào Vinh Quang am hiểu từng ngõ ngách, phong tục tập quán của vùng đất phên dậu này của Tổ quốc. Anh đưa chúng tôi đi thăm một số địa chỉ văn hóa và những gia đình gắn bó ở đây nhiều đời.
Người Trà Cổ tin rằng tổ tiên của họ từ Đồ Sơn nay thuộc TP Hải Phòng. Điều này không chỉ truyền miệng trong dân gian mà còn thể hiện qua gia phả, thư tịch, di sản văn hóa. Vào thời Hậu Lê có 12 gia đình ngư dân Đồ Sơn đánh cá ngoài biển gặp sóng to gió lớn đã dạt vào bờ. Bấy giờ đây còn là đảo hoang cách biệt đất liền qua vùng đầm lầy sông Trà Cổ. Khi biển yên sóng lặng, 6 gia đình tìm cách quay về Đồ Sơn, vì như câu ca còn truyền: “Ở đây ăn bổng lộc gì/ Lộc sim thì chát, lộc si thì già”. Tuy nhiên, 6 gia đình còn lại thì lạc quan, quyết tâm bám trụ: “Ở đây vui thú non tiên/ Tháng ngày lọc nước lấy tiền nuôi nhau”. Họ tìm thấy vẻ đẹp và nguồn sống từ vùng đất lành này.
Đánh cá. Lập làng. Con cháu ngư dân ngày càng đông đúc. Làng biển dần trở nên trù phú. Đình chùa mọc lên. Họ ghép tên hai làng cố hương để đặt tên cho quê mới. Đó là làng Trà Phương và làng Cổ Trai nổi tiếng của kinh đô Dương Kinh xưa, nơi phát tích Vương triều Mạc, nay thuộc huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng.
Đến năm 1461, dưới thời vua Lê Thánh Tông, ngôi đình Trà Cổ được xây dựng tại cửa biển với nét kiến trúc đặc trưng đình làng Bắc Bộ, để thờ cúng tưởng nhớ 6 vị tiên công đã có công khai khẩn lập làng. Xây theo hình thái chữ “đinh”, đình Trà Cổ quay về hướng nam, tiền đường gồm 5 gian 2 chái bái đường, hậu cung có 3 gian; mái lợp ngói vảy, bốn góc đao cong vút như con thuyền rẽ sóng biển khơi. Tại gian chính giữa đình hiện có đôi câu đối: “Đồ Sơn ngật nhĩ kinh hương địa/ Trà Cổ nguy nhiên kỷ niệm từ”. Có nghĩa: Đồ Sơn là đất cố hương/ Trà Cổ xây đình tưởng nhớ. Điều này là minh chứng thêm thuyết phục cho nguồn gốc “Người Trà Cổ tổ Đồ Sơn”!
Đình Trà Cổ được xây dựng nơi biên ải ngoài việc tưởng nhớ các bậc tiền nhân lập làng biển còn cho thấy đó là chiến lược của minh quân Lê Thánh Tông và triều đình bấy giờ. Ngôi đình cũng là cột mốc biên giới, cột mốc văn hóa vùng Đông Bắc. Vị hoàng đế được đánh giá là trị nước giỏi nhất trong lịch sử Đại Việt thời phong kiến luôn chú trọng đến cương thổ tổ tiên để lại. Như sách Đại Việt sử ký toàn thư đã chép, nhà vua thường căn dặn triều thần: “Ta phải giữ gìn cho cẩn thận, đừng để ai lấy mất một phân núi, một tấc sông do vua Thái Tổ để lại”.
Một điều thú vị nữa, Trà Cổ từng là nơi gắn bó với những nhân vật nổi tiếng như thủ lĩnh khởi nghĩa Nguyễn Hữu Cầu, chí sĩ Phan Bội Châu, nhà văn Nguyễn Công Hoan, nhà tình báo Hoàng Minh Đạo… và nhà giáo Nguyễn Công Bồng em ruột Nguyễn Công Hoan, về sau làm Phó Tổng giám đốc Nha Công an Trung ương. Hai anh em cùng ra Trà Cổ dạy học năm 1938 vào lúc tác phẩm Bước đường cùng được xuất bản, nhưng bấy giờ ở đây mọi người chỉ biết Nguyễn Công Hoan là thầy giáo chứ không ai biết ông còn là nhà văn nổi tiếng.
Dạy học ở Trà Cổ được 1 năm thì Nguyễn Công Hoan chuyển về dạy ở Thái Bình. Trong số học trò của nhà văn ở đây có ông Đoàn Trấn về sau nối nghiệp dạy học và cũng nghiên cứu lịch sử văn hóa địa phương. Cách đây nửa thế kỷ, vào ngày 17/3/1974, từ Hà Nội, nhà văn Nguyễn Công Hoan đã gửi cho ông Đoàn Trấn lá thư đầu tiên hẹn về thăm Trà Cổ.
Sau đó, nhà văn Nguyễn Công Hoan còn viết gửi cho học trò cũ mấy lá thư nữa mà gia đình ông Đoàn Trấn lưu giữ như báu vật. Nội dung các lá thư chủ yếu thể hiện mong muốn của nhà văn ra thăm lại trường xưa trò cũ, nhưng rồi vì tuổi cao sức yếu bệnh nặng cho đến khi qua đời vào ngày 6/6/1977, ước mong của tác giả Bước đường cùng không thể thực hiện.
Thời gian lý tưởng nhất để du lịch Trà Cổ là từ tháng 4-6 hằng năm. Khí hậu lúc này mát mẻ, nắng ấm, biển trong xanh. Ngoài việc tham quan các đình, chùa, nhà thờ cổ, bãi đá đen và tắm biển, du khách còn có thể đi mua sắm ở cửa khẩu quốc tế Móng Cái, thưởng thức các loại hải sản, đặc biệt là cù kỳ, sam, ngán… |
PHAN PHÚ YÊN