Đội bóng nhi đồng huyện Sông Hinh đang nỗ lực thực hiện mục tiêu có mặt ở vòng bán kết tại giải bóng đá nhi đồng tỉnh Phú Yên năm 2011.
Các cầu thủ “nhí” huyện Sông Hinh nỗ lực tập luyện cho giải bóng đá nhi đồng tỉnh Phú Yên năm 2011 - Ảnh: N.HUY
KHÔNG CHỈ LÀ CHUYỆN BÓNG ĐÁ
Trong suy nghĩ của mình, cầu thủ “nhí” Huỳnh Tấn Cường không nghĩ rằng năm 2011, mình sẽ có những ngày hè vui vẻ và nhiều ý nghĩa như vậy. Ba mất sớm, mẹ đi làm công nhân xa ở TP Hồ Chí Minh, Huỳnh Tấn Cường sống với người anh trai 15 tuổi trong căn nhà nhỏ ở thôn Chí Thán (xã Đức Bình Đông). Nhờ những đồng tiền dành dụm của người mẹ ở xa gởi về, sự mưu sinh của người anh và sự quan tâm của bà con hàng xóm, Huỳnh Tấn Cường may mắn có cái ăn, cái mặc và được đến trường. Đối với em, đó đã là cuộc sống đầy đủ. Thế nhưng niềm đam mê và khả năng chơi bóng đá đã giúp Cường lọt vào “mắt xanh” của các tuyển trạch viên Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện Sông Hinh. Từ đó, Cường có cơ hội giao lưu với bạn bè, mở ra cho em chân trời mới và nhiều suy nghĩ mới.
Không chỉ được vui đùa, chơi bóng trong những ngày hè, những ngày tập trung cùng với đội tuyển nhi đồng của huyện, Cường còn được các cô chú đang làm việc tại Trung tâm Văn hóa - Thể thao ân cần chăm sóc, lo từng miếng ăn, giấc ngủ. Đó như là sự bù đắp tình cảm sau những đêm dài thao thức nhớ mẹ và cuộc sống khó khăn của cậu bé mồ côi cha. Cường hồn nhiên tâm sự: “Được đi thành phố, đá bóng với các bạn, cháu vui lắm! Cháu thích được nhìn dòng xe tấp nập, điện đường sáng trưng và nhiều nhà cao tầng, điều mà ở quê cháu ít khi được nhìn thấy”.
Khác với gia cảnh của Huỳnh Tấn Cường, nhưng gia đình cầu thủ “nhí” người Ê Đê Y Tuân ở buôn Thung (xã Đức Bình Đông) cũng thuộc diện khó khăn. Không giống như những người bạn đồng trang lứa ở các thị tứ, nếu không tập trung cùng đội tuyển nhi đồng của huyện Sông Hình thì trong những ngày hè, công việc chủ yếu của Y Tuân là phụ giúp ba mẹ, chăm đàn bò, lo cho cái rẫy. Tuy nhiên, khi được tập trung cùng với các bạn tại đội tuyển bóng đá nhi đồng huyện Sông Hinh, Y Tuân đã được học thêm nhiều điều trong cuộc sống. Tiếng “dạ”, “thưa” trước khi trả lời một câu hỏi của người lớn cũng được các cô, chú tại Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện Sông Hinh dạy để trở thành một thói quen.
Ông Hoàng Ngọc Thục, Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện Sông Hinh, cho biết: “Mặc dù kinh phí để phục vụ các hoạt động văn hóa và thể thao của huyện trong những năm qua còn hạn chế, nhưng chúng tôi luôn cố gắng lo cho các cháu một cách tốt nhất. Bên cạnh việc tạo cho các cháu có được sân chơi bổ ích trong ngày hè, chúng tôi cũng hướng đến những giá trị nhân văn, điều đó càng trở nên ý nghĩa với lứa tuổi nhi đồng như các cháu”.
PHẤN ĐẤU CÓ MẶT TRONG TRẬN BÁN KẾT
Tại giải bóng đá nhi đồng tỉnh Phú Yên hàng năm, các đội bóng “nhí” của huyện thường để lại nhiều ấn tượng với người hâm mộ. Tuy thể hình không có sự đồng đều như các đội bóng khác, nhưng đã vào sân là các cầu thủ “nhí” của huyện Sông Hinh thi đấu hết mình và gây ấn tượng với khán giả bằng những pha xử lý bóng khéo léo. Với thành tích 2 lần là á quân (2007, 2009) và hai lần giành giải ba (2008, 2010), đội bóng “nhí” của huyện Sông Hinh đang quyết tâm có được kết quả tốt nhất tại giải năm nay, ít nhất là góp mặt trong trận bán kết.
Dưới sự hướng dẫn của hai HLV Nguyễn Tiến Long và Nguyễn Chí Lân, các cầu thủ “nhí” đang cho thấy sự hòa nhập cần thiết. Nhược điểm dễ nhận thấy ở đội bóng “nhí” của huyện Sông Hinh là không có được sự đồng đều giữa các cầu thủ, một phần do chế độ dinh dưỡng của gia đình các cầu thủ. Tuy nhiên, nếu quyết tâm và có được sự may mắn thì lọt vào vòng bán kết không phải là không thể với đội bóng đá nhi đồng huyện Sông Hinh.
HLV Nguyễn Tiến Long nói: “Phát huy thành tích của đội bóng nhi đồng huyện Sông Hinh trong những năm qua, chúng tôi đặt quyết tâm là ít nhất phải có mặt ở vòng bán kết. Tuy nhiên, trong bóng đá nhi đồng, mọi giá trị chỉ mang tính chất ước lượng. Vì thế, chúng tôi không muốn tạo áp lực cho các cháu mà chỉ muốn các cháu thi đấu hết mình vì sự thành công chung của giải”.
NHẬT HUY