Thứ Tư, 15/01/2025 17:11 CH
Ðội tuyển Việt Nam thất bại trước Qatar:
Không bất ngờ, nhưng vẫn suy ngẫm
Thứ Ba, 26/07/2011 07:56 SA

Thất bại 0-3 trước Qatar không làm nhiều người hâm mộ bóng đá Việt Nam bất ngờ. Nhưng từ thất bại ấy trong suy nghĩ người hâm mộ chắc chắn sẽ hiện lên câu hỏi bao giờ bóng đá Việt Nam mới san bằng khoảng cách với các đội bóng ở khu vực khác.

 

HLV Goetz đã quyết định chơi canh bạc tất tay khi chấp nhận cất Thành Lương trên băng ghế dự bị, thay vào đó là cầu thủ người Nghệ An Đình Đồng. Cùng với quyết định này là một đội hình bố trí thấp, chủ yếu co cụm phòng thủ nhằm tìm kiếm một trận hòa hoặc một trận thua tối thiểu trước khi trở về sân Mỹ Đình làm điểm tựa. Nhưng những tính toán ấy không đủ sức ngăn cản sức mạnh của Qatar và chiến thắng của đội chủ nhà World Cup 2022 hoàn toàn xứng đáng.

 

sn110726.jpg

Bóng đá Việt Nam vẫn còn khoảng cách quá xa so với Qatar

 

SAN BẰNG KHOẢNG CÁCH, KHÔNG PHẢI DỄ

 

Thật tình cờ, thất bại của thầy trò HLV Goetz diễn ra chỉ ít ngày sau khi Phó Tổng thư ký Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) Phạm Ngọc Viễn báo cáo lên lãnh đạo ngành Thể thao, trực tiếp là Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch Hoàng Tuấn Anh về mục tiêu cụ thể của bóng đá Việt Nam trong vòng 10 năm tới. Theo đó, đội tuyển Việt Nam và U23 phải vô địch Đông Nam Á 2-3 lần và phấn đấu lọt vào top 10-12 của châu lục. Theo giới chuyên môn, bản dự thảo báo cáo của ông Phạm Ngọc Viễn không có gì mới so với các bản báo cáo trước đây của VFF và bản dự thảo ấy xét cho cùng cũng chỉ là mục tiêu phấn đấu, chứ khoảng cách từ lý thuyết đến thực tế là quá xa vời. Và trận thua 0-3 trước Qatar đã chỉ rõ năng lực thực tế của bóng đá Việt Nam.

 

Không ai có thể trách thầy trò HLV Goetz trong trận thua trên đất Tây Á, dù rằng trận thua ấy chủ yếu xuất phát từ những sai lầm của những cá nhân (cụ thể là thủ môn Mạnh Dũng đã để lại “dấu ấn” trong cả ba bàn thua của đội khách). Tuy nhiên, suy cho cùng đó là hệ quả tất yếu trong những lần hãm thành liên tục của Qatar, hay nói cách khác, thầy trò HLV Milovan Rajevac ở một đẳng cấp hoàn toàn khác so với bóng đá Việt Nam.

 

Tại sao phải nói đến đẳng cấp của Qatar, vì cách đây 4 năm, cũng gặp phần lớn những con người ấy và được dẫn dắt bởi vị HLV còn nổi tiếng hơn Milovan Rajevac bây giờ (HLV người Pháp Mestu) nhưng đội tuyển Việt Nam đã xuất sắc cầm hòa đội bóng đến từ Tây Á. Nhưng 4 năm trôi qua, trong khi Qatar đang cho thấy họ sẽ là thế lực mới của bóng đá châu Á, thì bóng đá Việt Nam đã làm được gì? Cũng xin nhắc lại là sau khi đội tuyển Việt Nam lọt đến trận tứ kết giải đấu châu lục năm 2007, rất nhiều người đã mơ mộng rằng lịch sử bóng đá Việt Nam sẽ sang trang. Nhưng với việc một lần lên ngôi ở sân chơi “vùng trũng” năm 2008 rồi liên tục phải dừng chân ở vòng ngoài ở các giải đấu châu lục và thế giới, phải chăng bóng đá Việt Nam đang chậm chân so quy luật phát triển chung của bóng đá toàn cầu?

 

Đa phần người hâm mộ bóng đá đang rất tự hào về sự “nhộn nhịp” của V-League - sân chơi hàng đầu của bóng đá Việt Nam, nhưng điều đó không hẳn đã tỉ lệ thuận với sự phát triển chung của các đội tuyển quốc gia Việt Nam. Việc dừng chân ở vòng đấu loại World Cup 2014 khu vực châu Á một lần nữa rung tiếng chuông cảnh báo cho những người hoạch định bóng đá nước nhà.

 

TIN AI VÀ NHƯ THẾ NÀO?

 

Trong thời gian này, tại thành phố biển Nha Trang (Khánh Hòa) đã diễn ra vòng chung kết U17 quốc gia, với sự góp mặt của những “lò” đào tạo bóng đá trẻ hàng đầu Việt Nam như Sông Lam Nghệ An, Đà Nẵng, Đồng Tháp, Thể Công (giờ là Viettel) và Hoàng Anh Gia Lai. Nói không ngoa đây sẽ là những niềm hy vọng của bóng đá Việt Nam và sẽ là những người trực tiếp thực hiện kế hoạch lọt vào tốp 10-12 bóng đá châu lục theo bản dự thảo báo cáo của VFF. Bên cạnh đó có thể kể qua lứa cầu thủ chất lượng của Học viện bóng đá Hoàng Anh Gia Lai - Arsenal - JMG chuẩn bị “xuất xưởng” trong nay mai, hay những lứa cầu thủ “nhí” được đào tạo bài bản của Quỹ Đầu tư và phát triển bóng đá Việt Nam (PVF). Rõ ràng bóng đá Việt Nam có điều kiện cần để vươn ra sân chơi châu lục trong thời gian tới. Nhưng để điều đó trở thành hiện thực đòi hỏi rất nhiều đến những tầm nhìn mang tính vĩ mô của VFF, cũng như sự chuyên nghiệp trong công tác quản lý của các CLB bóng đá Việt Nam. Trong quá khứ, bóng đá Việt Nam đã không ít lần chứng kiến những ngôi sao sớm tỏa sáng nhưng cũng chóng tắt. Đó là hệ quả của sự thiếu chuyên nghiệp của bản thân các cầu thủ, nhưng cũng không thể không nhắc đến trách nhiệm của những người làm công tác quản lý.

 

Hy vọng rằng trong thời gian sắp tới, những nhà hoạch định phát triển bóng đá Việt Nam sẽ tìm ra những phương án hiệu quả, nhanh chóng rút ngắn khoảng cách giữa bóng đá Việt Nam và bóng đá châu lục. Khi ấy tất nhiên sẽ không có chuyện Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ sẽ dùng câu cửa miệng quen thuộc là “cọ xát” để nói về mục tiêu của bóng đá Việt Nam trong các trận đấu loại World Cup và sân chơi châu lục.

 

NGÔ NHẬT

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Uruguay lập kỷ lục mới
Thứ Hai, 25/07/2011 17:00 CH
Hòa Hà Nội, Phú Yên khó đi tiếp
Thứ Hai, 25/07/2011 07:45 SA
Việt Nam thất bại trước Qatar
Thứ Hai, 25/07/2011 07:40 SA
Nơi tiềm năng phát triển
Chủ Nhật, 24/07/2011 11:00 SA
Cuộc đối đầu lịch sử
Chủ Nhật, 24/07/2011 08:47 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek