HLV Phan Thanh Hùng quả quyết chắc nịch, mục tiêu của Olympic Việt Nam là thủ hòa hoặc đánh bại Olympic Saudi Arabia ngay trên đất khách. Nhưng có điều sâu xa hơn được gửi gắm trong chuyến hành quân đến vùng đất dầu mỏ: học “sàng khôn” cho SEA Games 26.
|
Olympic Việt Nam từng hòa với Olympic Saudi Arabia năm 2007. |
ÐÁ VÌ KỲ TÍCH?
Bốn năm trước, Olympic Việt Nam đã làm nên điều kỳ diệu khi trở thành đội bóng Đông Nam Á duy nhất lọt đến vòng loại thứ 3 Olympic Bắc Kinh 2008. Khi ấy, chính Saudi Arabia là kẻ ngáng đường, ngăn bước của cặp bài trùng Riedl - Mai Đức Chung tiến sâu hơn ở vòng loại. Dẫu sao, đấy cũng là bước ngoặt, kỳ tích bất ngờ của bóng đá Việt Nam trên đấu trường châu lục.
Lần này, Olympic Việt Nam muốn đá vì kỳ tích? Cách tính của HLV Phan Thanh Hùng rất cụ thể, kiểu gì cũng phải có “điểm” ở Saudi Arabia (từ hòa đến thắng). Phép tính ấy không lạ, vì ông Hùng tin vào lực lượng mình có, cũng như sự bất ngờ của bóng đá trẻ.
Thêm vào đó, nếu thành công trên đất khách, Olympic Việt Nam hoàn toàn có thể tính cửa đi tiếp, một khi đội bóng của HLV Phan Thanh Hùng còn trận lượt về ngày 23/6 tới làm điểm tựa. Cũng vì thế, ông Hùng nói thẳng, ông muốn đưa trận đấu đi đến sự kịch tính và đòn quyết định được thực hiện ở Mỹ Đình.
Thực ra chuyện máu “ăn thua” là bình thường trong bóng đá. Chẳng phải ông Hùng muốn chứng tỏ, một ông thầy nội cầm quân với thời gian ngắn ngủi chuẩn bị, Olympic Việt Nam vẫn có thể thành công. Trong phát ngôn lẫn chuyên môn, ông Hùng luôn tôn trọng tân HLV trưởng Falko Goetz, dù rằng ông thầy người Đức chẳng hề “động tay” ở Olympic Việt Nam.
Điều quan trọng không phải là chuyện vị thuyền trưởng muốn chứng tỏ cái tôi. Vấn đề là nếu vượt qua được Saudi Arabia - ngưỡng cửa mà lâu nay, cấp độ đội Olympic Việt Nam chưa bao giờ thành công, dù đã có nhiều chiến thắng trước những đội bóng Tây Á - Olympic Việt Nam sẽ nhận được nhiều thứ: kỳ tích và sự tự tin. Điều đó là bản lề cho bóng đá trẻ Việt Nam thực tế và tự tin hơn trong những cuộc chinh phục phía trước.
HỌC SÀNG KHÔN
Có thể khẳng định, đội hình mà ông Hùng chọn và rèn giũa ở Mỹ Đình, gần như sẽ là đội hình xuất phát trong chuyến làm khách tại Tây Á. Hiển nhiên, trong một mục tiêu ngắn hạn, ông Hùng có thừa khôn ngoan để thức thời đưa ra những giải pháp tình huống hiệu quả nhất. Việc ông Hùng gạt 7 cầu thủ khỏi chuyến đi đến Saudi Arabia là một minh chứng. Trừ Văn Việt, Đức Tài dính chấn thương, 5 cầu thủ còn lại đều là những cầu thủ mới đôn lên từ đội U19 Việt Nam. Rõ ràng lứa Hải Huy, Hoàng Thịnh có thừa tiềm năng, nhưng trong chừng mực nhất định, họ chưa thể so sánh với Nguyên Sa, Văn Thắng, Văn Hiếu, Văn Bình… Thêm vào đó, nếu nhìn vào bộ khung mà ông Hùng lắp ghép, trừ vị trí thủ môn của Bửu Ngọc, hầu hết các vị trí khác đều có vai trò lớn, thường xuyên đá chính ở cấp CLB.
Với thực tế của Olympic Việt Nam lúc này, một khi lứa Thành Lương, Ngọc Anh, Đình Tùng… trở lại để chuẩn bị cho SEA Games 26, sự chật chội ở tuyến giữa, hàng tấn công mới càng trở nên khó thở. Như thế cũng đồng nghĩa, mấu chốt cho sự chuẩn bị tương lai là hàng thủ, khi mà Olympic Việt Nam phải làm mới gần như toàn bộ vị trí thủ môn, cặp trung vệ. Những vị trí then chốt của hàng thủ ấy đều rất trẻ, có thể hình khá lý tưởng, nhưng độ vững chãi thế nào thì cần bồi đắp, nhất là kinh nghiệm trận mạc. Đi Saudi Arabia là đi học sàng khôn, cho mục tiêu thiết thực SEA Games 26 chứ không hẳn là vì một kỳ tích nhất thời!
Theo SGGP