Thứ Bảy, 18/01/2025 16:14 CH
Dư âm giải bóng đá tỉnh Phú Yên năm 2011:
Bao giờ có làn gió mới?
Thứ Bảy, 04/06/2011 09:00 SA

Giải bóng đá truyền thống của tỉnh Phú Yên đã diễn ra thành công, khi chất lượng chuyên môn và sự chuẩn bị của các đội bóng đã được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, vẫn có điều gì đó đáng lo hơn là đáng mừng cho bóng đá phong trào của tỉnh nhà.

 

baogio110604.jpg

Một trận tranh tài tại giải bóng đá tỉnh Phú Yên năm 2011. - Ảnh: N.HUY

 

SÔNG HINH HAY CÔNG TY TNHH PHÚ VIỆT?

 

Việc đội bóng đá của huyện Sông Hinh lần đầu tiên vô địch giải bóng đá cấp tỉnh là một tin vui đối với những người yêu mến trái bóng tròn ở địa phương này. Ở góc độ nào đó, đây có thể xem đó là một cú hích về tinh thần để các cơ quan chức năng của huyện Sông Hinh “tích cực” hơn với các hoạt động thể thao đặc biệt là môn bóng đá. Tuy nhiên, có điều gì đó hơi bất cập trong cách tiếp cận chức vô địch giải bóng đá cấp tỉnh của huyện Sông Hinh. Theo điều lệ của ban tổ chức giải bóng đá tỉnh Phú Yên năm 2011, các đội bóng doanh nghiệp không được phép tham gia thi đấu. Có nhiều lý do để giải thích cho điều lệ “tréo ngoe” này của ban tổ chức, nhưng vấn đề đặt ra, trong đội hình của đội tân vô địch Sông Hinh có bao nhiêu cầu thủ là người của địa phương này?

 

Trong trận chung kết của giải (huyện Sông Hinh và huyện Phú Hòa), những người có mặt trên SVĐ TP Tuy Hòa không biết nên cổ vũ cho huyện Sông Hinh hay Công ty TNHH Phú Việt, bởi hầu hết các cầu thủ trên sân đều thuộc “biên chế” của Công ty TNHH Phú Việt và đã quá quen thuộc với người hâm mộ bóng đá TP Tuy Hòa, ngoại trừ màu áo và đơn vị mà họ đang đại diện là Sông Hinh. Như vậy nếu xét ở mục đích và tiêu chí của giải bóng đá tỉnh Phú Yên là tạo sân chơi, đánh giá sự phát triển của bóng đá phong trào của từng địa phương, thì chức vô địch của huyện Sông Hinh không mang nhiều màu sắc, đơn giản đó chỉ là hình thức “thay tên đổi họ” của Công ty TNHH Phú Việt, chứ không phản ánh được thực trạng của bóng đá huyện Sông Hinh.

 

Anh Nguyễn Văn Tâm, một người hâm mộ bóng đá cho biết: “Nghe thông tin từ bạn bè kháo nhau năm nay huyện Sông Hinh đá rất hay nên tôi sắp xếp công việc đến xem và cổ vũ, nhưng khi tận mắt chứng kiến tôi nghĩ đó không phải là đội bóng của địa phương này, bởi hầu hết các cầu thủ trên sân đều là những gương mặt cũ của Công ty TNHH Phú Việt năm trước”. Tương tự huyện Sông Hinh là trường hợp của TP Tuy Hòa (thực chất là cầu thủ của Công ty TNHH H&Q), huyện Tuy An (thực chất là đội bóng tập hợp của các cầu thủ trên địa bàn TP Tuy Hòa).

 

NÊN XÃ HỘI HÓA THỂ THAO ÐÚNG NGHĨA

 

Nghị định số 73/1999/NĐ-CP về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động thể dục thể thao của Chính phủ đang chứng minh được giá trị thực tiễn. Tuy nhiên, ở trường hợp của huyện Sông Hinh và Công ty TNHH Phú Việt khó có thể gọi là xã hội hóa thể thao, đơn giản đó chỉ là giải pháp tình thế. Có thể hiểu, Công ty TNHH Phú Việt muốn “lách điều lệ” của giải (không cho doanh nghiệp tham gia), còn huyện Sông Hinh, một địa phương luôn khó khăn trong việc tìm kinh phí để hoạt động thể thao, việc có một đội bóng xuất hiện và đại diện cho địa phương thì còn gì bằng. Nói chính xác hơn, trong trường hợp Công ty TNHH Phú Việt và huyện Sông Hinh là “vì ta cần có nhau”.

 

Các cơ quan chức năng rất hoan nghênh sự chung tay của các doanh nghiệp vì sự nghiệp phát triển thể dục thể thao của tỉnh nhà. Nếu không có những sự kết hợp kiểu như Công ty TNHH Phú Việt và huyện Sông Hinh, rất có thể giải bóng đá truyền thống của tỉnh Phú Yên sẽ bị “vỡ” vì không có đủ số đội để tham gia. Nhưng giá như sự giúp đỡ của các doanh nghiệp có “chiều sâu” hơn, chẳng hạn như tài trợ cho giải bóng đá vô địch của huyện hay tài trợ kinh phí hoạt động cho một đội bóng đặc trưng của một địa phương nào đó, có lẽ giá trị của chính sách xã hội hóa thể thao mà Đảng và Nhà nước đang thực hiện sẽ tăng cao hơn rất nhiều.

 

ÐÃ ÐẾN LÚC THAY ÐỔI?

 

Ông Cao Tấn Quang, Trưởng Phòng Nghiệp vụ Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch Phú Yên, cho biết: “Nếu có được “Mạnh Thường Quân” phù hợp, sắp tới chúng tôi sẽ xây dựng một giải đấu dành riêng cho các đội bóng doanh nghiệp trong tỉnh, giúp họ có được sân chơi theo đúng nghĩa và mức độ đầu tư”. Đó là một sự thay đổi cần thiết nhằm giúp phong trào bóng đá địa phương có chỗ đứng tương xứng và góp phần xây dựng các tuyến bóng đá cơ sở phát triển trong tương lai. Tại giải bóng đá tỉnh Phú Yên năm 2011, Trường Trung học Y tế và TX Sông Cầu là hai đội bóng tuy không có được thành tích cao nhưng mỗi lần ra sân luôn nhận được sự động viên và cổ vũ của người hâm mộ. Quan trọng hơn, họ thi đấu nhiệt tình, vô tư theo đúng “màu cờ sắc áo”, tạo nên hình ảnh đẹp trong lòng khán giả. 

 

Giải bóng đá tỉnh Phú Yên năm 2011 là một giải đấu phong trào, giúp cho những người yêu mến môn thể thao vua có sân chơi để thi thố tài năng, kinh phí nuôi một đội bóng tham dự hết giải đấu đối với các địa phương là không hề nhỏ. Nói vậy không có nghĩa là các cơ quan chức năng không có giải pháp cụ thể, chỉ có thể thực hiện chính sách xã hội hóa thể thao mới giúp cho thể thao các địa phương thoát khỏi những khó khăn như hiện nay. Vấn đề là những người làm công tác thể thao tại địa phương có mặn mà với giải bóng đá hàng năm của tỉnh hay không và họ thực hiện như thế nào mà thôi.

 

NHẬT HUY

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Na Li viết tiếp giấc mơ vô địch
Thứ Sáu, 03/06/2011 11:00 SA
Sân chơi bổ ích trong dịp hè
Thứ Sáu, 03/06/2011 09:00 SA
Sông Hinh đoạt chức vô địch
Thứ Sáu, 03/06/2011 08:10 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek