Ngày 1/6 tới đây, HLV Falko Goetz sẽ nhận nhiệm vụ tại đội tuyển bóng đá Việt Nam và Olympic Việt Nam. Nếu căn cứ vào nhiệm vụ mà tổ chức cao nhất bóng đá Việt Nam giao cho HLV người Ðức, rất nhiều người đang đặt câu hỏi, phải chăng VFF đang mâu thuẫn với chính mình.
|
HLV Falko Goetz sẽ giúp U23 Việt Nam đoạt HCV SEA Games 26? |
BÀI HỌC TỪ HLV CALISTO
Bóng đá Việt Nam lâu nay rất chuộng việc có thành tích. Cũng dễ hiểu, bởi có thành tích người ta mới đánh giá được hiệu quả công việc một HLV, của một tập thể và xét cho cùng thành tích là điều tất cả người hâm mộ đều mong muốn có được, chứ không riêng gì những người chịu trách nhiệm hoạch định bóng đá Việt Nam. Sau hai thất bại liên tiếp tại SEA Games 25 và AFF Cúp 2010, giới chuyên môn bóng đá Việt Nam bằng nhiều cách khác nhau đã lờ đi những gì mà HLV Calisto đã gầy dựng cho bóng đá Việt Nam trong nhiệm kỳ thứ hai mà ông “nhiếp chính”. Không ai nghi ngờ tài năng của HLV Bồ Đào Nha, nhưng xét cho cùng ông cũng chỉ là một nhà cầm quân có lúc thắng, lúc thua và cũng có lúc sai lầm trong việc sử dụng từ chiến thuật cho đến con người trên sân. Tuy nhiên, với bóng đá Việt Nam nếu không có thành tích mọi chuyện chỉ là con số 0. Còn nhớ, chính Phó Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng đã “lệnh” cho HLV Calisto hoặc là HLV SEA Games 26 hoặc là không còn gì nữa. Tự ái, HLV người Bồ đã khăn gói ra đi và để lại một khoảng trống mênh mông cho bóng đá Việt Nam, mà chưa chắc thời gian có thể bù đắp được. Chính cách làm việc “ngắn hạn” của VFF và một phần là những sự đòi hỏi nhất thời của một bộ phận người hâm mộ đã khiến cho mục tiêu của bóng đá Việt Nam lâu nay chỉ quanh quẩn tại hai giải đấu SEA Games và AFF Cúp. Khoảng cách giữa bóng đá Việt Nam và Thái Lan đã được rút ngắn đáng kể theo thời gian, nhưng vì sao người Thái dám mơ mộng ra đấu trường châu lục và xa hơn là sân chơi đẳng cấp thế giới? Hãy nhìn cách mà Liên đoàn bóng đá Thái Lan đối xử với HLV Bryan Robson, người đã thất bại ê chề cùng với đội tuyển Thái Lan tại AFF Cup 2010, nhưng vẫn được trọng dụng. Điều gì quan trọng với bóng đá Thái Lan hơn? Chiếc cúp vô địch AFF Cúp hay cách làm bóng đá chuyên nghiệp và một chiến lược dài hơi của cựu tiền đạo M.U? Câu trả lời tất nhiên đã được giải đáp và đó cũng là khác biệt lớn nhất giữa bóng đá Việt Nam và Thái Lan hiện nay.
SÁU THÁNG THỬ THÁCH CHO HLV FALKO GOETZ
Mục tiêu lớn nhất của bóng đá Việt Nam trong năm 2011 không gì khác là chiếc HCV SEA Games 26 trên đất Indonesia cuối năm nay và đó được xem là bài test năng lực mà VFF đưa ra cho cựu HLV Hertha Berlin. Nếu không thực hiện được nhiệm vụ trên rất có thể vị HLV người Đức sẽ ra đi, bất chấp hợp đồng của ông vẫn còn đến năm 2013. Sáu tháng liệu có đủ để HLV Falko Goetz đặt dấu ấn về phong cách huấn luyện của ông và có thể giúp U23 Việt Nam xưng “vương” ở đấu trường khu vực? Có thể nhưng rất khó. Khác với môi trường CLB, nơi HLV có thể tiếp xúc thường xuyên với cầu thủ và biết tường tận những điểm mạnh, điểm yếu của từng vị trí thông qua các trận đấu tại giải vô địch quốc gia hàng tuần, môi trường đội tuyển không có được điều đó và những gì mà HLV Falko Goetz tiếp cận bóng đá Việt Nam chắc chắn sẽ thông qua hai người trợ lý Phan Thanh Hùng và Mai Đức Chung. Nếu chọn HLV Falko Goetz cho mục tiêu nâng tầm bóng đá Việt Nam, tại sao lại phải “áp” HCV SEA Games 26 như một điều khoản bắt buộc trong bản hợp đồng 2 năm với HLV người Đức. Mâu thuẫn là ở chỗ đó!
Tài năng của HLV Falko Goetz và sự thích nghi của ông thầy người Đức với bóng đá Việt Nam vẫn đang là một ẩn số. Nếu thành công với mục tiêu lớn nhất trong năm, người hâm mộ bóng đá Việt Nam sẽ ngợi ca HLV Falko Goetz như những gì đã từng làm với HLV Calisto, nhưng nếu không thành công rất có thể bóng đá Việt Nam lại tiếp tục những “canh bạc” mang tên “tuyển chọn HLV” và cái vòng lẩn quẩn giữa thành tích nhất thời và chiến lược dài hơi.
NGÔ NHẬT