V-League đi qua ba vòng nhưng đọng lại không phải là những pha bóng đẹp hay dấu ấn của các ngôi sao mà thay vào đó là tình trạng bạo lực sân cỏ lan tràn.
V-League 2011 quyết liệt trên mức cần thiết của một môn thể thao.
44 thẻ vàng và 4 thẻ đỏ là kết quả có được sau 8 trận đấu thuộc V-League vòng ba. Điều đáng nói ở đây là số thẻ vàng đã gấp đôi số bàn thắng được ghi (22 bàn). Những con số ấy thật sự đã chạm đến mức báo động. Chất lượng chuyên môn chẳng những không được nâng cao mà các trận đấu còn bị xé nát bởi những pha vào bóng và trả đũa thô bạo từ các cầu thủ, dẫu các trọng tài đã hoạt động “hết công suất”.
Khi trung vệ Ngọc Tú của Hòa Phát. HN “tung chưởng” vào giữa mặt tiền đạo trẻ Ngọc Anh của SLNA thì không thể lý giải rằng do sự quyết liệt của trận đấu được nữa. Pha phạm lỗi mang tính chất đòn thù giữa hai cầu thủ cùng xuất thân từ lò bóng đá xứ Nghệ cho thấy cầu thủ V-League bây giờ coi bạo lực như một kỹ năng cần có bên cạnh kỹ chiến thuật để vượt qua đối thủ và giành chiến thắng.
Không riêng các cầu thủ trẻ, đội trưởng B.Bình Dương, tuyển thủ quốc gia Quang Thanh cũng ném biên thẳng vào mặt một cầu thủ K.Khánh Hòa để rồi đánh mất sự bình tĩnh và nhận thẻ đỏ sau đó ít phút. Không chỉ nội binh, ngoại binh tiền đạo Tymothy của Hòa Phát. HN cũng bỏ bóng đánh người để rồi phải nhận thẻ đỏ rời sân, còn Leandro của B.Bình Dương thì trả đòn bằng cả cùi chỏ và đạp thẳng hai chân vào mặt cầu thủ đối phương khi bị phạm lỗi. Bạo lực đã mang tính hệ thống và thường trực.
Đi tìm lời giải cho tình trạng bạo lực lan tràn là việc không hề dễ dàng. Tuy nhiên, có thể nhận thấy các trận đấu ở V-league ngày càng căng thẳng và khốc liệt hơn bởi những cuộc chiến đượm mùi tiền bạc. Sự thực dụng đã thay thế cho những phút thăng hoa của cảm xúc để mang lại chiến thắng. Các cầu thủ thi đấu không còn để cống hiến cho khán giả những pha bóng đẹp mà để phục vụ cho tham vọng của những ông chủ chịu chơi và chịu chi ở phía sau. Con số khán giả đến sân mùa sau thấp hơn mùa trước. Riêng ở vòng ba này, con số ấy có lẽ thấp hơn rất nhiều lần thống kê VFF đưa ra (51.000 người).
Nhận thức của các cầu thủ còn kém, công tác trọng tài vẫn chưa thực sự nghiêm. Nhưng đã đến lúc không thể mãi đổ lỗi cho những lý do kiểu ai cũng biết rồi ấy. Nguyên nhân sâu xa hơn chính là tư duy của những người làm bóng đá, những nhà quản lý, hoạch định chiến lược và cả những ông bầu vẫn đổ tiền tỉ để nuôi đội bóng để hiện thực hóa những mong muốn rất riêng của mình.
V-League 2011 đánh dấu mốc quan trọng để bóng đá Việt
HÀ NGUYÊN