Tại bến cá Đông Tác (phường Phú Đông, TP Tuy Hòa), có hơn 50 người làm “nghề” khiêng cá. Họ là những phụ nữ không có nghề nghiệp ổn định, bỏ sức lao động kiếm tiền mưu sinh qua ngày...
Khiêng cá đến địa điểm thu mua - Ảnh: L.HẢO
“NGHỀ” NẶNG NHỌC
Những chiếc tàu đánh bắt cá ngừ đại dương còn chưa cập bến, nhưng dưới cái nắng như đổ lửa của trưa hè tháng 6, tại bến cá Đông Tác, hàng chục phụ nữ đã đứng đợi từ trước đó nhiều giờ. Một chiếc tàu vừa vào bến, mọi người ùa xuống, chiếm vị trí thuận lợi để chuẩn bị khiêng cá. Công việc đã quen thuộc, nên các chị nhanh chóng phân từng tốp nhỏ. Khi cá được đưa từ tàu lên bến, mỗi tốp bốn người dùng một băng ca khiêng con cá ngừ nặng gần 100kg đến địa điểm thu mua. Quãng đường cần di chuyển không xa, nhưng mọi người gần như chạy bởi tốp nào cũng muốn khiêng được nhiều cá hơn. Một chuyến, hai chuyến… cứ thế các tốp thay nhau khiêng đến khi tàu không còn cá. Vất vả là vậy, nhưng thu nhập chẳng được là bao. Mỗi lượt khiêng có bốn người, nhưng chủ tàu chỉ trả 5.000 đồng.
Khiêng cá là một công việc tương đối nặng nhọc, đòi hỏi có sức khỏe. Chị Trần Thị Tự (46 tuổi), có thâm niên khiêng cá ngừ hơn 6 năm, cho biết: - Làm công việc này cực lắm, phải có sức khỏe mới “trụ” được. Phụ nữ càng khổ hơn, vì phải sắp xếp việc nhà, tranh thủ ra bến từ sớm để chờ tàu về, có khi làm quần quật đến chiều tối. Những ngày thời tiết khắc nghiệt, nắng như đổ lửa, nhiều chị sức yếu, chịu không nổi nên lả người đi là chuyện thường. Chị Phạm Thị Trang tâm sự: Dù khổ, nhưng rất ít người bỏ nghề. Phần lớn gia đình vùng biển đều đông con, nếu chỉ phụ thuộc vào khoản thu nhập của chồng con đi bạn cho chủ tàu thì không đủ. Vì vậy, tụi tôi phải bươn chải kiếm thêm thu nhập.
Khi biển được mùa, mỗi ngày có thể kiếm được 50.000 đến 70.000 đồng/người. Thế nhưng khi biển mất mùa, chủ tàu để người nhà khiêng cá nên những người như chị Tự, chị Trang phải “bó gối” ngồi nhà chơi. Chị Nguyễn Thị Ngọc Yến cho hay: “Những ngày biển êm, làm còn có ăn. Đến mùa động hết việc, phải đi mượn tiền mua gạo hàng ngày. Còn những lúc đau ốm thì chỉ biết trông chờ vào sự giúp đỡ của bà con chòm xóm”.
MONG MUỐN CÓ VIỆC LÀM ỔN ĐỊNH
Mùa đánh bắt cá ngừ đại dương ở Phú Yên bắt đầu từ tháng giêng và kết thúc vào khoảng tháng 6 âm lịch. Hết mùa, ngư dân thường chuyển qua đi giã cào, câu mực, hoặc theo ghe đi bạn với những người có vốn lớn. Thời điểm không có cá ngừ, người khiêng cá cũng không có việc. Một số người chuyển sang buôn bán cá hoặc làm nông, chờ mùa sau. Tuy nhiên, phần lớn trong số họ không có vốn để kinh doanh, không có đất để sản xuất, đành chịu cảnh thất nghiệp. Chị Huỳnh Thị Hồng, một mình nuôi hai con nhỏ, bộc bạch: - Không khiêng cá thì biết làm nghề gì khác bây giờ. Tôi đã vay mượn hai bên nội ngoại để buôn bán nhỏ, nhưng vốn cứ “cụt” dần nên giờ chỉ biết trông chờ vào công việc này!
Không chỉ có chị Hồng, nhiều phụ nữ ở làng biển Đông Tác đều rơi vào hoàn cảnh tương tự. Không có nghề nghiệp ổn định, ít vốn nên nhiều chị đã rơi vào vòng lẩn quẩn túng trước hụt sau. Trong khi đó, địa phương chưa có biện pháp giúp họ tìm được việc làm ổn định để có thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống gia đình. Hiện chính quyền phường Phú Đông đang có phương án hỗ trợ vốn và tạo công ăn việc làm cho những lao động trong diện thất nghiệp, nhưng cũng đang rất lúng túng trong việc triển khai chủ trương này. Ông Huỳnh Quốc Trí, Phó Chủ tịch UBND phường Phú Đông, cho biết: “Thời gian tới, phường sẽ mở lớp dạy nghề nhằm giải quyết việc làm cho chị em phụ nữ miền biển. Trước mắt, mở các cơ sở chế biến thủy hải sản để thu hút lực lượng lao động nhàn rỗi này”.
LÊ HẢO