Thứ Năm, 16/01/2025 02:35 SA
Rượu Quảng Đế – làng nghề được hồi sinh
Thứ Ba, 11/05/2010 19:00 CH

Một sản phẩm gắn với làng nghề không chỉ được nghe kể mà còn nổi tiếng từ thời xa xưa ở Sông Cầu. Đó là rượu Quảng Đế. “Rượu ngon là rượu Quảng Đế. Cá ngon là cá đầm Cù Mông”. Tương truyền, đã một thời rượu Quảng Đế được làm vật phẩm đưa vào cung để tiến vua. Sau một thời gian dài tưởng chừng thất truyền, nhưng nay nghề nấu rượu mang thương hiệu Quảng Đế ở TX Sông Cầu vẫn được nhiều gia đình gìn giữ như một nghề gia truyền, mặc dù chỉ ở quy mô nhỏ lẻ. TX Sông Cầu đang có hướng khôi phục và phát triển sản phẩm này trở thành đặc sản...

 

Ruou-100511.jpg

Nơi nấu rượu của gia đình bà Tăng Thị Thu Thủy ở thôn Diêm Trường, xã Xuân Lộc, TX Sông Cầu. - Ảnh: A.NGỌC

 

Nếu so với các làng nấu rượu hiện nay trong tỉnh thì làng nghề nấu rượu truyền thống mang thương hiệu Quảng Đế có số hộ làm nghề ít hơn, quy mô sản xuất nhỏ lẻ hơn và được tập trung trên địa bàn hai xã Xuân Lộc và Xuân Bình (TX Sông Cầu). Riêng xã Xuân Lộc, hiện có 62 hộ ở 5/7 thôn, trong đó có hai thôn Chánh Lộc và Thạch Khê mỗi thôn có 15 hộ còn duy trì nghề nấu rượu truyền thống này. Trải qua bao đời, sản phẩm rượu Quảng Đế vẫn còn giữ nguyên những nét đặc trưng riêng của nó. Giới sành rượu cho biết, so với các loại rượu gạo khác, rượu Quảng Đế có nồng độ cao hơn nhiều, thường từ 40 – 50 độ và có mùi thơm đặc trưng. Thời xưa, trong những dịp lễ người ta dùng rượu Quảng Đế hòa với nước dừa xiêm vừa hái xuống tại vườn để cho ra một thức uống nhẹ, dịu ngọt, hơi nồng nồng để thết đãi chị em phụ nữ…

 

Nói về kỹ thuật để tạo ra hương vị đặc biệt của rượu Quảng Đế, bà Tăng Thị Thu Thủy, một người chuyên nấu rượu ở thôn Diêm Trường, xã Xuân Lộc, cho biết: “Rượu đạt tiêu chuẩn là khi nấu ra đạt từ 40 – 50 độ, rượu không trong lắm mà hơi đục, khi uống phải thơm mùi đặc trưng của gạo. Nhưng muốn đạt được như vậy là không phải dễ, mà phụ thuộc rất nhiều yếu tố. Gạo dùng để nấu rượu phải chọn những loại giống lúa tốt đem xay lức, khi nấu cơm không bị khê khét, hạt cơm phải có độ mềm dẻo, không bị nhão. Cách ngâm ủ cũng theo công thức truyền thống, tỉ lệ men, gạo… phải phù hợp. Nồi dùng để nấu rượu cũng góp phần cho ra rượu ngon, tốt nhất là sử dụng nồi đồng và lửa khi đun không được mạnh quá nhưng cũng không yếu. Nhưng quyết định hơn hết để cho ra rượu ngon là do nguồn nước, nước ở đây rất phù hợp để nấu rượu…”. Mỗi bộ dụng cụ dùng để nấu rượu khoảng 7kg gạo/mỗi lần nấu, đặt hàng cho người ta làm hiện nay có giá từ 3 – 4 triệu đồng. Ông Nguyễn Thanh Hùng, ở thôn Thạch Khê, xã Xuân Lộc, cho biết: “Nghề nấu rượu ở vùng này không biết có từ bao giờ, chỉ biết ông bà tổ tiên mình truyền lại từ đời này qua đời khác. Hơn 20 năm nay, gia đình tôi vẫn tiếp tục duy trì nghề truyền thống này. Hầu hết các hộ nấu rượu ở đây đều kết hợp và tận dụng hèm để nuôi heo. Riêng gia đình tôi, mỗi năm nuôi từ 3 – 4 lứa heo thịt, lứa này đang nuôi khoảng 170 con heo thịt được 2 tháng tuổi và 20 con heo nái. Nhờ nuôi nhiều heo nên nguồn chất đốt từ hầm biogas đủ cung cấp cho gia đình, hợp vệ sinh và không còn mùi hôi thúi. Mỗi năm thu nhập từ nấu rượu và nuôi heo khoảng từ 300 – 500 triệu đồng…”.

 

Chính sự đặc trưng về nguồn nước, kỹ thuật chưng cất gia truyền đã tạo nên sự đặc biệt của rượu Quảng Đế. Tương truyền rượu Quảng Đế đã từng là một trong những vật phẩm được đưa vào cung để tiến vua. Ngày xưa, trên đường thiên lý Bắc Nam người ta dựng lên những quán rượu ven đường mang thương hiệu Quảng Đế để bán cho du khách. Tuy nhiên cho đến nay, vì nhiều lý do khác nhau, sản phẩm rượu Quảng Đế vẫn chưa được biết đến nhiều và chỉ tiêu thụ trong phạm vi hẹp trên địa bàn TX Sông Cầu. Hầu hết các hộ sản xuất ở quy mô nhỏ lẻ, từ 30 – 50kg gạo mỗi ngày và thường kết hợp với chăn nuôi heo để tăng thu nhập. Mỗi lứa rượu khoảng 7kg gạo, nếu gặp lúc gạo rẻ, người nấu kiếm khoảng 10.000 – 20.000 đồng tiền lời, gặp lúc gạo lên giá, rượu tiêu thụ chậm thì người nấu chỉ đổi công lấy hèm rượu nuôi heo. Để phát triển sản phẩm này, hiện nay TX Sông Cầu đang có chủ trương khôi phục lại nghề truyền thống này để rượu Quảng Đế trở thành một sản phẩm truyền thống đặc trưng của địa phương. Ông Nguyễn Hồng Hải, Chủ tịch UBND xã Xuân Lộc, cho biết: “Xã đã thống kê đầy đủ số hộ hiện nay còn giữ lại và duy trì nghề truyền thống nấu rượu này. Đồng thời, xã đang làm thủ tục đầu tư để duy trì và phát triển làng nghề, nhằm tạo điều kiện thuận lợi để bà con được vay vốn đầu tư sản xuất, kết hợp đưa công nghệ hiện đại vào sản xuất quy mô lớn…”.

 

Sông Cầu, đô thị năng động ở phía bắc tỉnh Phú Yên đang chuyển mình mạnh mẽ để phát triển thành đô thị du lịch và dịch vụ trong tương lai. Hiện nay với nỗ lực để xây dựng thương hiệu rượu Quảng Đế trở thành một sản phẩm đặc trưng gắn với vùng đất này, Sông Cầu đang mong muốn đưa rượu Quảng Đế sánh ngang với Bầu Đá, Làng Vân, Hồng Đào, Gò Đen… Khi nói đến TX Sông Cầu, du khách nghĩ ngay đến cảnh đẹp nên thơ, những loại hải sản biển tươi ngon và đặc sản nước mắm, nhưng thật thiếu sót nếu không nhắc đến hơi men đượm nồng của rượu Quảng Đế. Với việc hoàn tất các thủ tục để đề nghị công nhận làng nghề truyền thống, Sông Cầu đang tính đến việc đầu tư phát triển làng nghề và xây dựng thương hiệu rượu Quảng Đế, kết hợp dùng loại rượu này để ngâm với các loại thủy đặc sản ở vùng biển Sông Cầu tạo thành rượu dược liệu, phục vụ du khách. Ông Lương Công Tuấn, Trưởng phòng Kinh tế TX Sông Cầu, cho biết: “Sông Cầu sẽ triển khai xây dựng công nghệ và quy mô làng nghề theo trình tự quy định của Chính phủ. Phòng Kinh tế đã tiến hành điều tra, khảo sát và thiết lập những văn bản có liên quan, đồng thời nghiên cứu và có hướng đề xuất để tham mưu với các cấp trình UBND tỉnh ra quyết định công nhận làng nghề. Sau khi được công nhận làng nghề, thị xã tiếp tục có chính sách đầu tư cụ thể và được phân bổ kinh phí hàng năm để xây dựng cơ sở hạ tầng cho làng nghề. Trên cơ sở thiết lập danh mục cần thiết để đầu tư làng nghề mang tính bền vững, đặc biệt chất lượng phải đáp ứng cho nhu cầu sử dụng. Đồng thời, bằng mọi giá phải xây dựng thương hiệu đặc trưng, ví dụ như rượu cá ngựa hoặc một vài loại rượu ngâm hải đặc sản khác mang tính dược liệu, nhưng sự đồng nhất của chất lượng rượu Quảng Đế phải là nền tảng…”.

 

A.NGỌC – L.BIẾT

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek