Dự án chuyển đất rẫy sang trồng rừng phòng hộ, rừng sản xuất thuộc Chương trình trồng mới 5 triệu ha rừng của Chính phủ trên địa bàn Phú Yên bắt đầu thực hiện từ năm 2010, nhưng đến nay vẫn chưa được triển khai.
Dự án có quy mô trồng hơn 61 ha rừng phòng hộ và 915 ha rừng sản xuất với tổng mức đầu tư 28,35 tỉ đồng tại 16 xã thuộc bốn huyện Đồng Xuân, Sông Hinh, Sơn Hòa và Phú Hòa. Có 751 hộ với 3.719 dân là người đồng bào dân tộc thiểu số tại các địa phương tự nguyện chuyển đổi đất rẫy sang trồng rừng. Các hộ dân này được hỗ trợ vốn để trồng rừng và gạo theo định mức. Nếu gia đình nhiều người nhưng tham gia chuyển đổi diện tích đất rẫy ít thì mỗi ha được hưởng mức trợ cấp gạo 700 kg/năm. Đối với những hộ ít người nhưng có diện tích đất rẫy nhiều thì được hưởng mức trợ cấp 10 kg gạo/người/tháng. Việc hỗ trợ gạo được quy ra tiền theo giá gạo tẻ thường tại thời điểm quy đổi để cấp phát và được thực hiện trong vòng bảy năm.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp – Phát triển nông thôn Phú Yên, để thực hiện dự án, các hộ trên được hỗ trợ 2.572 tấn gạo, tương đương hơn 20,6 tỉ đồng và hỗ trợ trồng rừng gần 2,5 tỉ đồng. Việc thực hiện chuyển đổi đất rẫy sang trồng rừng phòng hộ, rừng sản xuất được bà con dân tộc và chính quyền địa phương ủng hộ. Thế nhưng, cho đến nay dự án vẫn chưa được triển khai. Nguyên nhân là do không rõ chủ đầu tư. Theo Thông báo số 507/2008 của UBND tỉnh về việc cho phép lập thủ tục chuẩn bị đầu tư dự án có ghi “Chủ đầu tư: Sở Nông nghiệp – Phát triển nông thôn (Chi cục Kiểm lâm Phú Yên)”. Tiếp đến, Quyết định số 197/2009 của UBND tỉnh về phê duyệt đề cương và tổng dự toán kinh phí dự án có ghi “Chủ đầu tư: Chi cục Kiểm lâm Phú Yên”. Tuy nhiên, ý kiến của Sở Kế hoạch - Đầu tư Phú Yên là chưa xác định rõ chủ đầu tư. Lúc là Sở Nông nghiệp – Phát triển nông thôn Phú Yên, lúc là Chi cục Kiểm lâm tỉnh nên đang chờ ý kiến của UBND tỉnh. Ông Nguyễn Đồng Tây, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư Phú Yên cho biết: “Cái này rất đơn giản, nhưng thông tin không đầy đủ nên chậm. Chủ trương của tỉnh là Sở Nông nghiệp – Phát triển nông thôn Phú Yên làm chủ đầu tư. Nếu sở này giao Chi cục Kiểm lâm làm chủ đầu tư thì phải có ý kiến để Sở Kế hoạch - Đầu tư trình UBND tỉnh quyết định thực hiện”. Trong khi đó, ông Phan Văn Công, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh lại cho biết: “Vốn đã có từ nguồn kinh phí 5 triệu ha rừng, nhưng đến nay đã gần tháng 5 rồi mà vẫn chưa triển khai được. Việc trồng rừng có mùa nên nếu triển khai chậm thì bà con dân tộc thiểu số sẽ trồng sắn, mía trên đất rẫy cũ, dẫn đến sẽ khó thực hiện dự án”.
Theo TTXVN