Hơn một tháng nay, tại vùng nuôi thủy sản Bến Đình ở đầm Cù Mông, thuộc thôn Diêm Trường (xã Xuân Lộc, TX Sông Cầu) xảy ra hiện tượng cua, cá nuôi... bị chết hàng loạt, khiến người nuôi điêu đứng...
Người nuôi vớt cá mú chết (ảnh lớn) và loại hóa chất bị nghi là gây ra cái chết cho cua, cá ở đầm Cù Mông (ảnh nhỏ) - Ảnh: N.CHUNG
Theo UBND xã Xuân Lộc, hiện địa phương này có 144 ha ao đìa nuôi cua, tôm và gần 200 lồng nuôi cá mú. Gần một tháng nay, nhất là 20 ngày trở lại đây cua, cá mú nuôi trong nhiều ao đìa và lồng của người dân bị chết hàng loạt mà không rõ nguyên nhân. Theo người dân địa phương, hiện tượng cá mú và cua nuôi chết rất lạ, vì các năm trước nếu có dịch xảy ra cá, cua chết lai rai, cá có hiện tượng lở loét trước chết, còn nay thì ngược lại. Ông Trần Nam Trung, ở thôn Diêm Trường, xã Xuân Lộc nuôi 600 con cá mú được 7 tháng, trọng lượng 0,6 đến 0,7 kg/con, giờ đã chết gần hết. Ông Trung cho biết: “Trung bình mỗi ngày có 20 đến 30 con chết, thậm chí có ngày số cá chết lên đến 50 con. Cá chết bên ngoài không lở loét, gan có màu xanh, vỡ mật, nổ mắt”. Cùng tình cảnh như ông Trung, ông Trần Văn Mốt ở cùng thôn, nuôi 500 cá mú, nay chỉ còn khoảng 80 con. Ông Nguyễn Văn Hào nuôi 450 cá mú gần 10 tháng, trọng lượng 0,7 đến 0,9 kg/con, giờ trắng tay vì cá chết nhanh, bán không kịp…
Ông Nguyễn Chung Thịnh, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Lộc, cho biết: “Cá mú và cua chết hàng loạt như bà con phản ánh là có thật. Xã đã báo cáo cấp trên, các cơ quan chức năng cũng đã về lấy mẫu nước và mẫu bệnh phẩm xét nghiệm, thế nhưng đến nay đã gần 20 ngày vẫn chưa có kết quả”. Trong khi đó, ông Nguyễn Thành Hiệp, cán bộ phụ trách khuyến nông – lâm – ngư xã Xuân Lộc cho hay: Cua, cá chết có hiện tượng lạ hơn các vụ nuôi trước, có khả năng do thời tiết, và cũng chỉ có 3 hộ bị thiệt hại?.
Cũng từ nguồn tin của người dân, chúng tôi được biết, một thời gian dài (từ trước Tết Nguyên đán đến nay), trên địa bàn xã Xuân Lộc một số người dùng một loại hóa chất để đánh bắt cá. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, việc đánh cá bằng hóa chất là có thật. Để minh chứng rõ hơn, chúng tôi nhờ một người dân địa phương tên Dũng (tên nhân vật đã được thay đổi) và phải qua hai trung gian nữa mới mua được loại hóa chất mà người dân gọi là “thuốc gây mê” dùng để đánh bắt cá. Nhưng cũng chỉ mua được 6 viên, kích cỡ mỗi viên to bằng quả bóng bàn, màu trắng, giá 15.000 đồng/viên. Trong số 6 viên thuốc này chia thành ba loại, mỗi loại có sức hủy diệt khác nhau và giá cả cũng khác nhau. Chúng tôi thật sự sửng sốt khi nghe ông Dũng cho biết về công hiệu và tính hủy diệt của ba loại thuốc này. Mỗi viên có tầm sát hại, hủy diệt khoảng 6 đến 7 m3 nước. Vùng bị nhiễm thuốc không có một loài cá, tôm, cua… nào có thể sống sót. Điều đáng nói là sự việc đã xảy ra thời gian dài thế nhưng địa phương hầu như không hề hay biết. Theo ông Dũng, hiện nay ở thôn Diêm Trường có 40 đến 50 người sử dụng loại hóa chất này để đánh bắt cá. Tìm hiểu thêm thì biết nguồn cung cấp thuốc này là do một người ở địa phương, có tên là Du. Ông Du mua lại từ một người bà con ở Vạn Giã (huyệnVạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa).
Ông Nguyễn Chung Thịnh, Phó chủ tịch UBND xã Xuân Lộc, cho biết: “Xã có nghe người dân nói việc đánh bắt bằng hóa chất và đã cử lực lượng công an, dân quân xác minh làm rõ. Việc đánh bắt cá bằng hóa chất là có thật, nhưng không bắt được quả tang. Những người này ở thôn Diêm Trường của xã Xuân Bình? (hai xã Xuân Lộc và Xuân Bình đều có thôn Diêm Trưởng). Hiện chính quyền xã Xuân Lộc đang phối hợp với chính quyền xã Xuân Bình điều tra làm rõ”.
Tình trạng cá, cua chết hàng loạt đã khiến người dân xã Xuân Lộc lâm vào cảnh nợ nần. Dư luận đặt câu hỏi, liệu có phải kiểu đánh bắt cá bằng ba loại hóa chất nêu trên là thủ phạm gây ra hiện tượng cá, cua nuôi chết hàng loạt ở vùng nuôi đàm Cù Mông không?. Đã đến lúc cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ.
ANH NGỌC – PHƯƠNG