Các hộ nông dân bị thiệt hại do bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá và bệnh sọc đen hại lúa gây ra được hỗ trợ 12 kg gạo/người/ tháng để cứu đói. Kinh phí mua gạo này do ngân sách địa phương đảm bảo với thời gian hỗ trợ tối đa là 6 tháng.
Thông tư 53/2010/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định cụ thể về chế độ tài chính thực hiện phòng trừ bệnh vàng lùn, lùn xoắn và bệnh lùn sọc đen hại lúa.
Hai đối tượng được hỗ trợ kinh phí
Hiện nay, bệnh lùn sọc đen hại lúa gây thiệt hại rất lớn cho nông dân - Ảnh minh họa: chinhphu.vn
Theo thông tư, ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí cho các hộ nông dân có diện tích lúa bị bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá và bệnh lùn sọc đen hại lúa phải phun thuốc bảo vệ thực vật, phải tiêu hủy theo quy định của Bộ NNPTNT.
Đối tượng thứ hai là các lực lượng tham gia phòng, trừ dập dịch và giám sát việc tiêu hủy diện tích lúa bị nhiễm bệnh.
Thời gian hỗ trợ được thực hiện từ ngày có quyết định công bố dịch đến khi có quyết định công bố hết dịch của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Hỗ trợ 4 triệu đồng/ha lúa bị tiêu hủy
Về mức chi, Thông tư quy định, các hộ nông dân có diện tích lúa bị bệnh phải tiêu hủy theo hướng dẫn của Bộ NNPTNT được hỗ trợ 4 triệu đồng/ha lúa bị tiêu hủy.
Diện tích lúa bị tiêu hủy phải có xác nhận của chính quyền cấp xã, cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ thực vật tại địa phương và các đơn vị liên quan làm căn cứ thanh toán hỗ trợ.
Bên cạnh đó, các hộ nông dân bị thiệt hại do bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá và bệnh lùn sọc đen hại lúa gây ra còn được hỗ trợ 12 kg gạo/người/ tháng để cứu đói trong thời gian tối đa là 6 tháng.
Đối tượng thứ hai, những người trực tiếp tham gia phòng, trừ dịch bệnh và giám sát việc tiêu hủy lúa bị nhiễm bệnh được bồi dưỡng tối đa 50.000 đồng/người/ngày đối với ngày làm việc và 100.000 đồng/người/ ngày đối với ngày nghỉ, ngày lễ. Căn cứ tình hình thực tế tại địa phương, chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định mức chi cụ thể phù hợp.
Theo chinhphu.vn