Tín dụng chính sách xã hội là một trong những giải pháp giúp người nghèo và các đối tượng chính sách khác vươn lên thoát nghèo bền vững. Trong đó, vai trò của tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn rất quan trọng. Đặc biệt, khi chính tổ trưởng từng là hộ vay, họ không chỉ nắm rõ tâm tư, nguyện vọng của người vay mà còn là cầu nối giúp chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước đến gần hơn với người dân.
Chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn
Bà Vũ Thị Thu Hằng ở thôn Ea Mkeng, xã Ea Bar, huyện Sông Hinh có gần 20 năm kinh nghiệm làm tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV). Trong ngần ấy năm, số tổ viên trong tổ đã tăng từ 27 lên 49 người, dư nợ tăng từ 962 triệu đồng lên hơn 4,1 tỉ đồng.
“Là tổ trưởng tổ TK&VV nhưng có thời điểm tôi cũng là hộ vay. Tôi từng vay vốn hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn; hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm để phát triển kinh tế gia đình. Ngoài ra, tôi còn vay vốn học sinh sinh viên cho con đi học. Nhờ vậy, tôi hiểu được tâm tư, nguyện vọng của tổ viên; hiểu rõ sự cần thiết của nguồn vốn tín dụng chính sách đối với đời sống người dân, nhất là ở vùng miền núi, vùng sâu vùng xa nên dễ dàng chia sẻ, giúp người dân tiếp cận với các chương trình cho vay ưu đãi phù hợp”, bà Hằng cho biết.
Đặc biệt, mặc dù có nhiều hộ vay với số vốn lớn nhưng tổ TK&VV do bà Hằng quản lý chưa bao giờ phát sinh nợ quá hạn, 100% tổ viên tham gia gửi tiết kiệm hàng tháng và chấp hành đúng quy ước của tổ cũng như các quy định của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH). Theo bà Hằng, thôn Ea Mkeng thuộc địa bàn miền núi, đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, thiên tai, giá cả nông sản không ổn định. Tuy vậy, các thành viên trong tổ luôn đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, mạnh dạn vay vốn phát triển sản xuất, chăn nuôi, đồng thời cùng giám sát nhau trong việc vay vốn, sử dụng vốn vay đúng mục đích và trả nợ ngân hàng đúng hạn.
Trước khi trở thành tổ trưởng tổ TK&VV, chị Văn Thị Chiến ở thôn Sơn Thọ, xã Hòa Kiến (TP Tuy Hòa) cũng là một hộ vay. Nhà ở nông thôn, kinh tế gia đình chị Chiến phụ thuộc hoàn toàn vào làm nông, thu nhập rất bấp bênh. Từ ngày được cán bộ hội phụ nữ tuyên truyền, hướng dẫn vay vốn tín dụng chính sách, gia đình chị có điều kiện phát triển mô hình nuôi bò cái sinh sản. Ngoài ra, chị còn chăn nuôi thêm heo, gà, vịt, cá để lấy ngắn nuôi dài. Sau nhiều năm vay vốn, làm ăn hiệu quả, chị Chiến được tín nhiệm bầu làm tổ trưởng tổ TK&VV.
“Từng là hộ vay, biết được những khó khăn của phụ nữ ở nông thôn nên khi làm tổ trưởng tổ TK&VV, tôi tích cực thăm hỏi, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của chị em trong thôn. Hộ nào khó khăn, có nhu cầu vay vốn thì tôi giúp họ làm hồ sơ vay; sau đó hướng dẫn chị em cách sản xuất hiệu quả, tiết kiệm định kỳ để giảm gánh nặng trả nợ khi khoản vay đến hạn”, chị Chiến chia sẻ.
Bạn đồng hành của hộ vay
Theo ông Hồ Văn Thục, Giám đốc NHCSXH Phú Yên, hiện toàn tỉnh có 2.251 tổ TK&VV ở khắp các thôn, buôn, khu phố trên địa bàn tỉnh với khoảng 93.000 hộ vay, dư nợ bình quân hơn 50 triệu đồng/hộ. Trong mỗi tổ TK&VV, tổ trưởng đóng vai trò quan trọng, không chỉ tuyên truyền, giải thích giúp tổ viên hiểu rõ các chủ trương, chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước mà còn đảm bảo nguồn vốn được sử dụng đúng mục đích, mang lại hiệu quả. Đối với các tổ trưởng từng là hộ vay vốn, từng trải qua những khó khăn trong cuộc sống, họ dễ dàng đồng cảm, chia sẻ và hỗ trợ hộ vay, trở thành bạn đồng hành của hộ vay trong suốt hành trình vượt khó.
Ông Trần Công Cung ở thôn Ea Mkeng, tổ viên ở tổ TK&VV do bà Vũ Thị Thu Hằng quản lý, cho biết: Được sự động viên, hướng dẫn của tổ trưởng tổ TK&VV, gia đình tôi đã mạnh dạn đăng ký vay vốn để phát triển sản xuất với mô hình kinh tế tổng hợp trên diện tích 5ha. Từ đó, chúng tôi mới có điều kiện từng bước cải thiện cuộc sống, nuôi dạy con nên người.
Nhờ sự tận tâm của những tổ trưởng tổ TK&VV, nguồn vốn tín dụng chính sách đã lan tỏa đến đông đảo hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh, không chỉ giúp người dân cải thiện kinh tế hộ gia đình mà còn giúp xây dựng cộng đồng đoàn kết cùng phát triển. “Định kỳ vào ngày 15 hàng tháng, tôi tổ chức họp tổ TK&VV. Tại cuộc họp, tôi tập trung tuyên truyền về chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước đến tổ viên; thực hiện bình xét công khai hộ đủ điều kiện vay vốn; thông báo, đôn đốc, nhắc nhở tổ viên khi nợ sắp đến hạn; vận động tổ viên tham gia gửi tiền tiết kiệm, tích lũy để dành... Bên cạnh đó, chúng tôi còn trao đổi kinh nghiệm, tương trợ giúp đỡ nhau trong làm ăn phát triển kinh tế”, bà Hằng nói.
Còn theo chị Văn Thị Chiến, là người từng được giúp đỡ, giờ đây chị muốn dùng kinh nghiệm của mình để giúp người khác. “Khi thấy bà con sử dụng vốn tốt, cuộc sống khấm khá hơn, tôi cảm thấy rất hạnh phúc”, chị Chiến chia sẻ.
Đối với các tổ trưởng từng là hộ vay vốn, từng trải qua những khó khăn trong cuộc sống, họ dễ dàng đồng cảm, chia sẻ và hỗ trợ hộ vay, trở thành bạn đồng hành của hộ vay trong suốt hành trình vượt khó.
Ông Hồ Văn Thục, Giám đốc NHCSXH Phú Yên |
LÊ HẢO