* Doanh nghiệp vẫn chật vật với các quy định hậu Brexit
Liên đoàn Công nghiệp Anh (CBI) cảnh báo “tương lai màu xám” của nền kinh tế nước này khi các doanh nghiệp dự báo sự sụt giảm mạnh hoạt động kinh doanh trong năm tới.
Qua khảo sát chỉ số tăng trưởng nhóm ngành công nghiệp đối với 899 công ty từ ngày 25/11-12/12 năm nay, CBI chỉ ra rằng các công ty tư nhân dự kiến cắt giảm tuyển dụng, giảm sản lượng, từ đó khiến giá cả đội lên trong ba tháng đầu năm 2025.
Một trong những nguyên nhân chính được các doanh nghiệp chỉ ra là quyết định tăng đóng góp bảo hiểm quốc gia (NIC) của người sử dụng lao động, một biện pháp được Bộ trưởng Tài chính Rachel Reeves đưa ra. Mức tăng này ước tính khoảng 25 tỉ bảng Anh mỗi năm (hơn 31,4 tỉ USD).
Mặc dù thừa nhận rằng quyết định này sẽ gây khó khăn cho các doanh nghiệp, Bộ trưởng Tài chính Rachel Reeves nhấn mạnh rằng trong cuộc tổng tuyển cử, Chính phủ Anh đã cam kết không tăng thuế đối với người lao động.
Quyền Phó Giám đốc kinh tế của CBI Alpesh Paleja nhấn mạnh các cuộc khảo sát mới nhất của liên đoàn này cho thấy nền kinh tế Anh đang đi theo chiều hướng ảm đạm chưa từng thấy ở nước này. Ông kêu gọi chính phủ có những động thái tích cực để khôi phục niềm tin của doanh nghiệp và thúc đẩy đầu tư, chẳng hạn như hỗ trợ sức khỏe của lực lượng lao động thông qua việc tăng cường các ưu đãi về sức khỏe nghề nghiệp hay cải cách thuế kinh doanh.
Cuộc thăm dò của CBI cũng cho thấy kỳ vọng về tăng trưởng kinh tế ở mức yếu nhất kể từ tháng 11/2022, sau khi bà Liz Truss từ chức thủ tướng.
Theo số liệu của Văn phòng Thống kê Quốc gia (ONS), xu hướng trên được ghi nhận trong bối cảnh nền kinh tế Anh giảm 0,1% vào tháng 10, đánh dấu tháng thứ hai liên tiếp nền kinh tế suy giảm.
* Trong khi đó, Phòng Thương mại Anh (BCC) cho biết nhiều nhà xuất khẩu vẫn đang gặp khó khăn với các quy định thương mại sau Brexit. Tổ chức này kêu gọi chính phủ thúc đẩy việc "tái thiết lập" mối quan hệ với Liên minh châu Âu (EU) trong năm mới.
Trong một cuộc khảo sát với hơn 1.000 công ty thành viên, BCC phát hiện chỉ có 15% doanh nghiệp cho rằng thỏa thuận hợp tác và thương mại (TCA) với EU, do ông Boris Johnson ký vào đêm Giáng sinh năm 2020, đã giúp họ tăng doanh số bán hàng với EU. Trong khi đó, có đến 40% doanh nghiệp cho rằng thỏa thuận trên không mang lại lợi ích trong việc tăng doanh số bán hàng với khối này.
Khi được hỏi về những thay đổi mà họ mong muốn, phần lớn các doanh nghiệp (46%) cho biết họ muốn chính phủ tạo điều kiện dễ dàng hơn để các doanh nghiệp Anh có thể cử nhân viên sang làm việc tại EU.
Bà Shevaun Haviland, Tổng giám đốc của BCC, nhận định rằng, mối quan hệ chặt chẽ hơn với EU và việc giải quyết một số rào cản thương mại, có thể giúp bù đắp tác động của việc tăng thuế trong kế hoạch ngân sách mùa Thu được Bộ trưởng Tài chính Rachel Reeves công bố hồi tháng 10/2024.
Bà Haviland cho rằng, chính phủ đã nói nhiều về một kỷ nguyên mới trong quan hệ thương mại với EU. Tuy nhiên, các doanh nghiệp hiện đang phải vật lộn với chi phí ngày càng tăng sau ngân sách mùa thu, và sự thay đổi này cần diễn ra càng sớm càng tốt.
Theo TTXVN/Vietnam+