Mưa lũ vừa qua làm nhiều diện tích lúa vụ mùa ngập úng. Sau khi nước rút, nông dân chăm sóc lúa bị muối bùn. Những nơi gieo sạ sớm lúa chín đỏ đuôi, bà con khẩn trương thu hoạch.
Thu hoạch lúa “muối bùn”
Nhiều diện tích lúa vụ mùa ở xã Sơn Hà (huyện Sơn Hòa) lúa chín đỏ đuôi ngã rạp, bùn nằm trên lúa. Ông Bùi Văn Long ở xã Sơn Hà, gánh đôi gióng lúa chất lên bậc thềm, nói: Vùng này nông dân đầu vụ gieo sạ lúa canh qua 23/10 âm lịch thu hoạch. Đợt lũ lụt vừa qua, lúa mới chín đỏ đuôi (chín phần cuối gié lúa), bị nước lũ trôi theo rều rác “bè” ngã. Có đám nằm gần “họng” suối, đất đá trôi ra nằm trên lúa. Sau lũ, tôi tranh thủ vớt được bó nào mừng bó nấy.
Còn ông Nguyễn Văn Long ở xã Sơn Nguyên (huyện Sơn Hòa) cho hay: Lúa nhà tôi vừa chín, mới cắt được nửa đám thì mưa to ập xuống, lũ tràn về. Người dân ở đây nhà nào cũng dẹp bàn ghế phòng khách qua một bên để dành chỗ phơi lúa vì sợ ẩm mốc, rơm thì tủ đống. Mấy ngày nay, trời nắng, tranh thủ phơi rơm, phơi lúa hột.
Tại xã Xuân Quang 2 (huyện Đồng Xuân), những ngày này, nông dân các thôn tập trung ra ruộng cắt lúa, người gánh, người gùi lúa bó về nhà. Ông Ma Lâm ở thôn Kỳ Đu (xã Xuân Quang 2) đang phơi lúa, nói: Đám lúa nhà tôi gần sông Kỳ Lộ, mưa lũ nước dâng cao. Nước lũ rút, cắt gánh về tuốt bằng máy, tranh thủ công nhà tự túc thì cắt đến đâu gánh đến đấy về chất ở hàng ba rồi đạp lấy rơm cho bò ăn.
Nông dân ở xã Xuân Quang 1 (huyện Đồng Xuân) cũng tranh thủ trời nắng tập trung ra ruộng cắt lúa, phơi rơm rạ. Ông Thái Văn Sơn ở xã Xuân Quang 1, phơi lúa trên tấm bạt trước sân nhà, cho hay: Lúa vụ mùa năm nay từ khi làm đòng đến khi chín gặp mưa liên tục. Sau lũ lụt, không có mưa dội bùn nên lúa dính đầy bùn đất, cắt gánh về nhà phải dựng đứng lúa bó cho ráo rồi ra sức đạp chân vì lúa ướt mẹp không thể phun bằng máy được.
Theo ông Huỳnh Tuấn Ân, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Đồng Xuân, toàn huyện có 40ha lúa mùa bị ngã đổ thiệt hại từ 30-70% trở lên, tập trung ở xã Xuân Long, Xuân Quang 1, Xuân Quang 2 và thị trấn La Hai. Sau lũ, Phòng NN-PTNT đề nghị các địa phương tập trung chăm sóc cây trồng cạn, khẩn trương thu hoạch lúa vụ mùa.
Chủ động thoát nước
Sản xuất lúa vụ mùa phụ thuộc vào nước trời; tùy theo vùng, xứ đồng, nông dân gieo sạ vào những tháng mùa mưa. Lúa vụ mùa năm nay, nông dân gieo sạ từ tháng 8-10 nên có nơi lúa chín thu hoạch, có nơi lúa còn mạ non.
Dọc theo vùng gò đồi từ xã An Thạch, An Nghiệp, An Cư và xã An Lĩnh (huyện Tuy An), những đám lúa vụ mùa gần bờ suối đơm lên màu xanh. Bà Tạ Thị Hương ở xã An Cư chia sẻ: Ở đây không ngập nhưng đám lúa nhà tôi nằm kề bên suối nên mưa to, nước suối tràn bờ chảy vào ruộng. Sau lụt, tôi cào cỏ sục bùn cho lá lúa trôi hết bùn đất, sau đó vãi phân cho lúa mau “ăn” phân lên xanh.
Ông Phan Tấn Thảo cũng ở xã An Cư đang ra đám ruộng đắp bờ, bẹo chuột, cho hay: Xung quanh đây là vùng gò đồi đèo Quán Cau, một số đám cao xuống giống sớm lúa đang chín, ruộng thấp hơn còn xanh, chuột ẩn nấp nhiều nên phòng trừ chuột cắn lúa. Đối với người dân khu vực này, lúa vụ mùa sau khi thu hoạch để ăn giáp hạt cho đến sau tết.
Theo ông Nguyễn Trọng Hùng, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Tuy An, lúa vụ mùa, toàn huyện gieo sạ 1.680,5ha, năng suất ước đạt 41 tạ/ha. Đối với lúa vụ mùa, nông dân vãi lúa trên đất khô rồi cày vùi lấp, chứ không ngâm ủ giống sạ; tranh thủ đợt mưa, nông dân cày bừa gieo giống nên cây lúa xuống giống không đồng đều. Thế nhưng, nhờ diện tích lúa vụ mùa, nông dân ở các vùng gò đồi chủ động được lương thực tại chỗ.
Những ngày qua, nông dân các xã Hòa Kiến, An Phú (TP Tuy Hòa) cũng tập trung chăm sóc lúa vụ mùa. “Lúa vụ mùa năm nay từ khi gieo sạ đến khi mạ non thời tiết thuận lợi, cây lúa lên xanh. Vừa qua lụt lớn, nước suối tràn vào ruộng chảy mạnh làm lúa ngã, đối với đám lúa còn mạ thì nông dân khui trổ ruộng thoát nước cho trôi bùn trên lá, còn đám lúa đang trổ đòng thì phun thuốc dưỡng cây để lúa trổ, đề phòng đen lép hạt”, ông Trần Văn Tiến ở xã Hòa Kiến cho biết.
Theo UBND TP Tuy Hòa, mưa lũ làm hư hại 52ha lúa tại xã Hòa Kiến. “Thành phố đã chỉ đạo UBND các xã, phường, các đơn vị huy động lực lượng tổng dọn vệ sinh, khắc phục sự cố hư hỏng công trình sau lũ; khơi thông dòng chảy tắc nghẽn, kiểm tra khu dân cư ven sông suối, kịp thời thoát nước ruộng lúa, đất trồng hoa màu, để ổn định đời sống và sản xuất của nhân dân”, ông Cao Đình Huy, Chủ tịch UBND TP Tuy Hòa cho biết.
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, lúa vụ mùa năm nay, toàn tỉnh gieo sạ 3.907,2ha. Đến nay, nông dân thu hoạch 1.440ha, năng suất ước đạt 37,3 tạ/ha. Hiện bệnh đen lép hạt gây hại diện tích 1ha lúa chín sữa tại huyện Tuy An. Ngoài ra còn có sâu cuốn lá nhỏ, bệnh khô vằn... gây hại rải rác trên lúa chín sữa tại một số địa phương trong tỉnh.
Mưa lũ làm 470ha lúa vụ mùa bị ngập nước, ngã đổ; một số diện tích lúa có thể bị mất trắng, cây trồng bị cuốn trôi. Các địa phương cần hướng dẫn nông dân thu hoạch lúa vụ mùa đã chín, số diện tích còn lại chủ động thoát nước hạn chế bị ngập úng kéo dài. Đồng thời tiếp tục điều tra, theo dõi các đối tượng thường phát sinh gây hại như chuột, sâu đục thân, sâu cuốn lá, bệnh đen lép hạt… để có biện pháp xử lý kịp thời.
Ông Đào Lý Nhĩ, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT |
MẠNH LÊ TRÂM