Ngày 11/11, tại Hà Nội, Bộ NN-PTNT tổ chức hội nghị trực tuyến tham vấn đề án Nâng cao giá trị sản xuất và chế biến muối giai đoạn 2021-2025, dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam. Tại điểm cầu Phú Yên, đồng chí Trần Hữu Thế, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện các sở, ngành và UBND TX Sông Cầu dự hội nghị.
Theo báo cáo của Bộ NN-PTNT, nghề muối tại Việt Nam là nghề truyền thống, có tầm quan trọng đối với phát triển kinh tế của đất nước. Nhu cầu sử dụng muối của nước ta hiện nay từ 1,5-1,6 triệu tấn/năm; sản lượng muối bình quân những năm gần đây của Việt Nam chỉ đạt xấp xỉ 1 triệu tấn/năm, nên mỗi năm phải nhập khẩu từ 400.000-600.000 tấn muối để đáp ứng nhu cầu trong nước.
Nhiều năm qua, cơ sở hạ tầng đồng muối không được đầu tư nâng cấp, sửa chữa nên xuống cấp trầm trọng, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng muối sản xuất, khiến giá bán thấp, không cạnh tranh được với muối nhập khẩu. Thực tế đã có nhiều diêm dân bỏ ruộng, bỏ nghề chuyển sang công việc khác có thu nhập cao hơn, dẫn đến nhiều đồng muối có nguy cơ bỏ hoang. Mặt khác, sản xuất, kinh doanh muối ở nước ta cơ bản là sản xuất muối thô, sản phẩm chưa đa dạng, giá trị gia tăng thấp. Vì vậy, Bộ NN-PTNT phối hợp với các địa phương xây dựng đề án Nâng cao giá trị sản xuất và chế biến muối giai đoạn 2021-2025 tại 7 tỉnh: Nam Định, Thái Bình, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bến Tre, Bạc Liêu.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam cho biết: Đề án là tập hợp các giải pháp toàn diện để phát triển ngành Muối ở địa phương, xây dựng các mô hình sản xuất, chế biến mang lại thu nhập cho diêm dân. Đề án đa dạng hóa và nâng cao giá trị sản phẩm nghề muối thông qua liên kết chuỗi từ sản xuất, bảo quản, chế biến, tạo ra sản phẩm muối có năng suất, chất lượng tốt.
Hội nghị thảo luận đưa ra các giải pháp, đề nghị các địa phương tại các điểm cầu nghiên cứu kỹ nội dung đề án, đặc biệt là kinh phí thực hiện của các bên: Trung ương, địa phương, doanh nghiệp…
Tại Phú Yên, vùng làm muối Sông Cầu có gần 180ha. Sản xuất muối ở Phú Yên theo phương pháp thủ công là chính, sản lượng không ổn định, sử dụng nhiều lao động thủ công nên giá thành cao, khả năng cạnh tranh kém so với muối các tỉnh khác và muối nhập khẩu từ Campuchia, Trung Quốc… Hạ tầng vùng kỹ thuật sản xuất muối như giao thông, thủy lợi, kho bãi, kênh mương chưa được đầu tư đúng mức, dẫn đến thường hư hỏng vào mùa mưa, đầu tư tốn kém làm tăng chi phí, ảnh hương đến giá thành sản phẩm.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Trần Hữu Thế mong Trung ương sớm đầu tư triển khai thực hiện đề án, quan tâm hệ thống dẫn nước từ biển vào để sản xuất muối sạch, đảm bảo yêu cầu trong khâu chế biến, tiêu thụ. Tỉnh cam kết thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình để thực hiện đề án…
MẠNH LÊ TRÂM