Sau 10 năm thực hiện dự án Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa các doanh nghiệp vừa và nhỏ tỉnh Phú Yên đến năm 2020, công tác hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng các mô hình, hệ thống quản lý chất lượng (HTQLCL) tiên tiến, tích hợp HTQLCL và công cụ cải tiến năng suất chất lượng đã được tăng cường thực hiện. Qua đó giúp doanh nghiệp tiết kiệm năng lượng, giảm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả hoạt động.
Hướng tới năng suất, chất lượng
Công ty TNHH Xây dựng và Quảng cáo Phương Tuấn là đơn vị sản xuất kết cấu thép, nhà thép tiền chế và các thiết bị an toàn giao thông như hộ lan mềm, biển báo, lan can cầu, sơn kẻ đường… Từ khi đi vào hoạt động cho đến nay, Phương Tuấn không ngừng cải tiến công nghệ, máy móc thiết bị, nhà xưởng; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hệ thống quản trị....
Bên cạnh đó, được sự hỗ trợ áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy, Phương Tuấn đã áp dụng HTQLCL ISO 9001 để đánh giá và cải tiến hoạt động của mình một cách toàn diện cũng như đưa ra các giải pháp khắc phục những thiếu sót trong quản lý và điều hành sản xuất, kinh doanh. Từ năm 2012 đến nay, Phương Tuấn được hỗ trợ tham gia Giải thưởng chất lượng quốc gia và nhiều năm liền đạt giải bạc.
Chia sẻ về việc doanh nghiệp tiếp cận các HTQLCL tiên tiến và tham gia Giải thưởng chất lượng quốc gia, ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng và Quảng cáo Phương Tuấn, cho biết: “Việc áp dụng các HTQLCL và tham gia giải thưởng này ban đầu gặp nhiều khó khăn, vì đòi hỏi hoạt động của doanh nghiệp phải tuân theo những quy trình chặt chẽ. Nhờ có sự đồng hành của Sở KH-CN, chúng tôi đã áp dụng nhanh hệ thống quản lý tiên tiến, tuân thủ nghiêm các quy định, đưa hoạt động của doanh nghiệp vào guồng máy ổn định từ đó ngày càng phát triển”.
Theo ông Dương Bình Phú, Giám đốc Sở KH-CN, sau 10 năm triển khai dự án Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa các doanh nghiệp vừa và nhỏ tỉnh Phú Yên đến năm 2020 (thuộc Chương trình quốc gia năng suất chất lượng), các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã ý thức được tầm quan trọng của việc xây dựng HTQLCL; đảm bảo chất lượng sản phẩm, dịch vụ, đáp ứng yêu cầu của khách hàng; tăng cường sức cạnh tranh của doanh nghiệp.
Những khó khăn cần giải quyết
Mục tiêu của dự án Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa các doanh nghiệp vừa và nhỏ tỉnh Phú Yên đến năm 2020 là hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất sản phẩm hàng hóa (thuộc ngành công nghiệp mũi nhọn, công nghiệp ưu tiên của tỉnh) xây dựng và áp dụng các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật và chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy; áp dụng các hệ thống quản lý tiên tiến; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đổi mới thiết bị, công nghệ nhằm tiết kiệm năng lượng, giảm chi phí sản xuất… Tuy nhiên, một số nội dung của dự án đến nay chưa thực hiện được.
Sau 10 năm thực hiện dự án nói trên, tỉnh tiếp tục triển khai dự án Đánh giá và đề xuất giải pháp nâng tỉ trọng đóng góp của năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) trong tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Sở KH-CN đã tổ chức hội nghị giới thiệu nội dung, chính sách của dự án và tuyên truyền nâng cao nhận thức về năng suất, chất lượng đến các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; đồng thời hỗ trợ 29 doanh nghiệp áp dụng các HTQLCL tiên tiến (ISO 9001, HACCP, Giải thưởng chất lượng quốc gia…).
Riêng nội dung hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hội, hiệp hội ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và đổi mới công nghệ thiết bị…, do vướng mắc trong việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật nên chưa thể triển khai.
Chia sẻ về những khó khăn trong quá trình hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, thiết bị để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, ông Dương Bình Phú cho biết, Sở KH-CN đã dự thảo quy định hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng, áp dụng công cụ cải tiến năng suất, chất lượng và mở các lớp đào tạo tập huấn thuộc dự án nhưng chưa được cấp trên phê duyệt. Do đó đến nay, một số nội dung của dự án không thể triển khai theo kế hoạch đề ra.
Mới đây, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021-2030. Theo đó, để việc thực hiện chương trình hiệu quả, UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị triển khai một số nhiệm vụ và giải pháp cụ thể như: hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng, công cụ hỗ trợ cho sản xuất thông minh, dịch vụ thông minh; tăng cường năng lực cho các tổ chức kiểm định, thử nghiệm, đánh giá chứng nhận nhằm đáp ứng yêu cầu đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của sản phẩm, hàng hóa trên địa bàn tỉnh; xây dựng chính sách khuyến khích hỗ trợ doanh nghiệp...
Theo Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021-2030, giai đoạn 2021-2030, mục tiêu số doanh nghiệp được hỗ trợ các giải pháp nâng cao năng suất và chất lượng hàng năm tăng từ 10-15%, trong đó, số giấy chứng nhận HTQLCL ISO 9001 và số giấy chứng nhận hệ thống quản lý môi trường ISO 14001 cấp cho doanh nghiệp tăng ít nhất 10% so với giai đoạn 2011-2020. Mục tiêu có ít nhất 100 doanh nghiệp được hướng dẫn áp dụng đồng bộ các giải pháp nâng cao năng suất chất lượng, trở thành mô hình điểm để chia sẻ, nhân rộng trên toàn quốc. |
THÁI HÀ