Sau gần 2 tháng xảy ra dịch bệnh viêm da nổi cục (VDNC) trên đàn bò, đến nay, huyện Phú Hòa đã không còn con gia súc nào mắc bệnh. Địa phương này đang tiếp tục thực hiện các biện pháp khống chế để dịch không tái phát trong thời gian tới.
Không còn gia súc mắc bệnh
Phú Hòa là địa phương xảy ra bệnh VDNC ở đàn bò khá sớm, từ đầu tháng 7, nhưng nhờ sự vào cuộc kịp thời của chính quyền địa phương và ngành chức năng nên dịch bệnh đã được khống chế, không lây lan rộng, giúp bảo toàn đàn gia súc. Đến nay, toàn bộ gia súc mắc bệnh trên địa bàn huyện đã được chữa khỏi, không còn dấu hiệu lây lan.
Ông Võ Tri ở thôn Phú Lộc, xã Hòa Thắng, cho biết: Giữa tháng 7, bệnh VDNC xuất hiện tại địa phương, thì vài ngày sau con bò nhà tôi bị nhiễm bệnh. Ban đầu bò sốt nhẹ, biếng ăn, sau đó trên mình xuất hiện các cục u ẩn dưới da. Tôi báo cán bộ thú y thì họ cho biết bò mắc bệnh VDNC. Đây là bệnh rất mới, nhưng nhờ được điều trị, chăm sóc sức khỏe kịp thời nên đến ngày 28/7, bò khỏe lại, các triệu chứng bệnh đã khỏi hẳn. Trong thời gian này, tôi phun khử trùng, vệ sinh môi trường chuồng nuôi sạch sẽ, và phun thuốc diệt côn trùng nên bệnh không lây lan sang các con khác.
Theo Chủ tịch UBND xã Hòa Thắng Đào Tấn Hữu, sau khi phát hiện dịch VDNC xảy ra trên địa bàn, xã đã khẩn trương triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh, tổ chức theo dõi chặt chẽ các hộ có bò bệnh. Nhờ vậy, dịch bệnh nhanh chóng được khống chế, toàn xã chỉ có 2 con bò của 2 hộ dân ở thôn Phú Lộc bị nhiễm bệnh. Cùng với đó, địa phương đã phun thuốc tiêu độc sát trùng môi trường khu vực chăn nuôi và đã phun 171 lít thuốc sát trùng. Xã cũng nhanh chóng triển khai tiêm phòng vắc xin VDNC cho đàn bò, đã tiêm được gần 1.300 liều vắc xin/tổng đàn có nguy cơ nhiễm bệnh là 2.244 con, chiếm khoảng 60%.
Tại thị trấn Phú Hòa, dịch bệnh phát ra từ ngày 3/7, làm 10 con bò bị bệnh. Nhờ được tích cực điều trị nên hiện toàn bộ số bò bệnh đã khỏi các triệu chứng lâm sàng, ăn uống bình thường trở lại. Theo ông Nguyễn Quang Thu ở khu phố Định Thọ 1, thị trấn Phú Hòa, một hộ có bò bệnh, VDNC là loại bệnh hoàn toàn mới, người dân không có kinh nghiệm điều trị. May nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình của cán bộ thú y và chính quyền địa phương nên con bò nhà ông đã khỏe trở lại. “Qua theo dõi, tôi thấy rất nhiều bò bị chết do bệnh này nên khi bò bị bệnh, cả nhà mất ăn mất ngủ. Giữa lúc dịch bệnh COVID-19 cả nhà không làm gì được, không có nguồn thu mà mất thêm con bò hơn 30 triệu đồng thì trắng tay”, ông Thu bộc bạch.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Hòa Nguyễn Ngọc Tường, qua theo dõi, thống kê, dịch bệnh VDNC đã xảy ra trên đàn bò của các xã Hòa Định Tây, Hòa Định Đông, Hòa Quang Bắc, Hòa Thắng và thị trấn Phú Hòa. Tuy nhiên, với sự vào cuộc mạnh mẽ, kịp thời của chính quyền địa phương và ngành Thú y nên dịch phát ra lẻ tẻ, toàn huyện có 18 con bò bị nhiễm bệnh, không có con nào chết. Đến nay toàn bộ đàn bò đã khỏe mạnh trở lại. Các xã Hòa Quang Bắc, Hòa Định Đông đã qua 30 ngày tính từ lúc con gia súc cuối cùng khỏi bệnh nên hoàn toàn hết dịch. Các xã Hòa Định Tây và Hòa Thắng đến ngày 8/9 là hết dịch theo quy định.
Không chủ quan
Mặc dù hiện nay, dịch VDNC đã cơ bản được khống chế trên địa bàn, tuy nhiên huyện Phú Hòa vẫn không chủ quan lơ là với dịch bệnh, tránh tình trạng bệnh tái bùng phát.
Theo bà Nguyễn Thị Tâm ở thôn Phong Niên, xã Hòa Thắng, toàn bộ đàn bò gồm 4 con của gia đình bà đều đã được tiêm phòng vắc xin VDNC, chi phí hết 200.000 đồng. Ngoài ra, cứ vài ngày bà lại phun thuốc diệt côn trùng một lần, đồng thời sử dụng rơm khô để hun khói đuổi muỗi mỗi đêm. Mặc dù khá tốn kém nhưng nếu để xảy ra bệnh, chi phí điều trị tốn gấp bội, nếu không may bò chết thì càng thiệt hại hơn.
Còn Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Quang Bắc Phan Thanh Đồng cho hay: Xã thành lập hẳn tổ tuyên truyền, phụ trách việc vận động người dân tiêm phòng vắc xin VDNC cho đàn bò, nhờ vậy công tác tiêm phòng đạt được kết quả khá tốt. Đến nay, cả xã đã tiêm được hơn 1.100 liều/tổng đàn 1.600 con, chiếm gần 70%. Ngoài ra, địa phương còn hướng dẫn, vận động bà con thực hiện các biện pháp tiêu diệt côn trùng, vật trung gian truyền bệnh để giảm nguy cơ lây nhiễm bệnh cho đàn trâu, bò.
Trong khi đó, từ nguồn thuốc sát trùng được cấp, thị trấn Phú Hòa vẫn tiếp tục triển khai phun tiêu độc sát trùng môi trường các vùng ổ dịch. Theo địa phương này, bên cạnh tiêm phòng, huyện còn kiểm soát chặt, sát trùng kỹ, tiêu diệt mầm bệnh trong môi trường khu vực các ổ dịch để góp phần kiểm soát dịch bệnh lây lan và tái phát.
Trong tình hình thời tiết nắng nóng lại thỉnh thoảng có mưa rải rác, bất chợt là điều kiện rất thuận lợi cho các loại vi rút gây bệnh và các loài trung gian truyền bệnh như ruồi, muỗi, ve… sinh sôi, phát triển gây hại đến vật nuôi. Để không tái phát dịch VDNC, địa phương tiếp tục đẩy mạnh việc tiêm phòng vắc xin. Đến nay, toàn huyện đã tiêm phòng được gần 5.000 liều vắc xin/tổng đàn trong diện tiêm khoảng 7.800 con, đạt khoảng 64%. Huyện phấn đấu nâng tỉ lệ tiêm này lên được 80% để đạt được tính bảo hộ cho đàn bò.
Trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Phú Hòa Nguyễn Tiến Hùng |
THỦY TIÊN