Thứ Sáu, 17/01/2025 16:52 CH
Đảm bảo cho doanh nghiệp sản xuất an toàn, ổn định
Thứ Hai, 30/08/2021 07:00 SA

Một doanh nghiệp tại KCN Hòa Hiệp (TX Đông Hòa) nỗ lực duy trì ổn định sản xuất trong thời gian dịch bệnh. Ảnh: NGÔ XUÂN

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, nhất là khi trên địa bàn tỉnh ghi nhận nhiều trường hợp F0 là công nhân lao động tại các doanh nghiệp trong khu công nghiệp (KCN), Ban quản lý Khu kinh tế (BQLKKT) Phú Yên đã triển khai nhiều giải pháp nhằm đảm bảo cho các doanh nghiệp sản xuất an toàn, ổn định. Báo Phú Yên phỏng vấn ông Nguyễn Xuân Hùng, Trưởng BQLKKT xung quanh vấn đề này.

 

* Tình hình hoạt động của các doanh nghiệp tại các KCN hiện nay như thế nào, thưa ông?

 

- Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 5 KCN tập trung, với 71 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh; tổng số lao động hơn 9.000 người. Ngày 26/6 ghi nhận ca bệnh đầu tiên là người lao động đang làm việc tại doanh nghiệp FDI trong KCN An Phú. Đây là một doanh nghiệp nước ngoài, có khoảng 1.200 công nhân lao động.

 

Nhận định tình hình dịch bệnh COVID-19 có nguy cơ lây lan và khảnăng hình thành ổ dịch phức tạp tại các KCN là rất lớn, BQLKKT cùng các doanh nghiệp đồng loạt kích hoạt cấp độ cao các phương án phòng chống dịch bệnh; triển khai nhanh các biện pháp, kế hoạch ứng phó. Các doanh nghiệp đều ký cam kết với BQLKKT để vừa đảm bảo an toàn phòng chống dịch, vừa duy trì thực hiện được mục tiêu kép theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

 

Đến thời điểm này, các doanh nghiệp và người lao động trong các KCN đều có ý thức rất cao trong công tác phòng chống dịch. Các doanh nghiệp đã thành lập ban chỉ đạo phòng chống dịch; yêu cầu 100% người lao động đeo khẩu trang, cài đặt phần mềm ứng dụng Bluezone, khai báo y tế điện tử bằng mã QR; trang bị máy đo thân nhiệt, dung dịch rửa tay sát khuẩn; bố trí phòng cách ly tạm thời khi có trường hợp nghi nhiễm... Các khu vực sản xuất, ăn uống, nghỉ ngơi của công nhân đều được bố trí giãn cách tối đa để đảm bảo phòng, chống dịch…

 

Về cơ bản, BQLKKT đã phối hợp với các doanh nghiệp ngăn chặn và kiểm soát dịch bệnh kịp thời; góp phần thực hiện được mục tiêu kép, vừa chống dịch, vừa duy trì sản xuất ổn định. Đến nay đã ghi nhận 22 ca F0 tại 2 KCN. Hầu hết các ca F0 này có nguồn lây nhiễm từ cộng đồng; chỉ có 5 ca lây nhiễm trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp.

 

* Để đảm bảo an toàn sản xuất khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, các doanh nghiệp được khuyến khích thực hiện phương án “ba tại chỗ”: làm việc tại chỗ, ăn ở tại chỗ và phòng dịch tại chỗ. Việc triển khai mô hình này tại các KCN có những khó khăn gì không, thưa ông?

 

- Hiện nay, để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định trong tình hình dịch bệnh diễn biến rất phức tạp, các doanh nghiệp trong các KCN đã phải tăng rất nhiều khoản chi phí nhằm giữ được các đơn hàng; đồng thời tránh đứt gãy, gián đoạn hoạt động sản xuất, kinh doanh, đặc biệt làcác doanh nghiệp xuất khẩu. Do vậy, để đảm bảo mục tiêu vừa chống dịch, vừa duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, BQLKKT luôn khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp thực hiện mô hình “ba tại chỗ”.

 

Tuy nhiên, đa phần doanh nghiệp trong các KCN đều có quy mô vừa vànhỏ, với tiềm lực tài chính hạn chế; cơ sở vật chất không đáp ứng được việc tổ chức ăn, ở tại chỗ… nên rất khó thực hiện. Từ khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát, tại các KCN có 8 doanh nghiệp thực hiện mô hình “ba tại chỗ”, nhưng đến nay chỉ còn 4 doanh nghiệp duy trì được mô hình này.

 

* Như vậy, BQLKKT và các doanh nghiệp có giải pháp nào để vừa ổn định sản xuất, vừa đảm bảo công tác phòng chống dịch, tránh tình trạng lây nhiễm dịch bệnh từ ngoài cộng đồng vào doanh nghiệp, thưa ông?

 

- Trong điều kiện đặc thùcủa doanh nghiệp trong các KCN PhúYên, người lao động vẫn thường xuyên đi - về mỗi ngày do không thực hiện được mô hình “3 tại chỗ”. Đểduy trì hoạt động sản xuất ổn định, các doanh nghiệp vẫn phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo khuyến cáo 5K của Bộ Y tế. Đồng thời, mỗi doanh nghiệp phải tự đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh tại đơn vị; nếu thấy không đảm bảo an toàn phòng, chống dịch thì ngay lập tức phải dừng hoạt động.

 

Trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp phải thực hiện nghiêm việc khai báo y tế bắt buộc đối với tất cả người lao động đang làm việc tại doanh nghiệp và những người liên quan như người cung cấp, vận chuyển vật tư, hàng hóa, suất ăn…; triển khai test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 định kỳ 5-7 ngày/lần cho toàn bộ người lao động. Doanh nghiệp phải thường xuyên theo dõi, cập nhật; chủ động nắm bắt tình hình diễn biến dịch bệnh để có phương án xử lý phù hợp, kịp thời, hiệu quả.

 

Bên cạnh những giải pháp trên, việc phổ cập tiêm vắc xin cho người lao động là giải pháp cần thiết và hiệu quả nhất. Đến thời điểm này, tại các KCN đã có 6.342/9.000 lao động được tiêm vắc xin mũi 1, đạt 70%. Trong đó, KCN Hòa Hiệp có 3.232 lao động, KCN An Phú có 1.900 lao động, KCN Đông Bắc Sông Cầu 1.210 lao động đã được tiêm vắc xin. Chúng tôi đang tiếp tục đề xuất để 100% người lao động tại các KCN được tiêm vắc xin, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vàngười lao động yên tâm sản xuất, kinh doanh.

 

* Thưa ông, trong tình hình mới, BQLKKT cũng như các doanh nghiệp sẽ duy trì hoạt động của mình ra sao để đảm bảo thực hiện mục tiêu kép đã đề ra?

 

- Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, để thực hiện được mục tiêu kép, các doanh nghiệp trong các KCN phải thực hiện đồng thời 2 nhiệm vụ để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.

 

Cụthể, đối với nhiệm vụphòng, chống dịch COVID-19, các doanh nghiệp luôn xác định tinh thần “chống dịch như chống giặc”; các hoạt động sản xuất, kinh doanh phải được đặt trong trạng thái phòng chống dịch cao nhất; đồng thời linh hoạt triển khai các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống dịch, với quyết tâm cao nhất làkhông đểdịch bệnh xâm nhập từ cộng đồng vào doanh nghiệp.

 

Đối với nhiệm vụ duy trì hoạt động trong tình hình mới, các doanh nghiệp đã chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh cụ thể, để ứng phó với từng cấp độ dịch bệnh; đảm bảo đơn hàng đã ký kết với đối tác, ổn định việc làm, thu nhập cho người lao động; đồng thời tránh đứt gãy, gián đoạn hoạt động sản xuất, kinh doanh; đặc biệt làcác doanh nghiệp đã nhận đơn hàng xuất khẩu.

 

Đểtạo điều kiện cho các doanh nghiệp, BQLKKT đã phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tổ chức lấy mẫu xét nghiệm PCR được 9.000 mẫu cho người lao động tại các KCN để chủ động tầm soát dịch bệnh. UBND tỉnh cũng đã triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn trong các KCN do dịch COVID-19.

 

Thời gian tới, BQLKKT sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, địa phương tạo mọi điều kiện thuận lợi đểcác doanh nghiệp duy trì được hoạt động sản xuất kinh doanh, vượt qua giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh.

 

* Xin cảm ơn ông!

 

Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp, hoạt động của doanh nghiệp trong các KCN cơ bản vẫn duy trì ổn định; kết quả sản xuất kinh doanh 7 tháng đầu năm khá khả quan. Tổng doanh thu 7 tháng là 3.350 tỉ đồng, đạt 112% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu thực hiện 65,2 triệu USD, đạt 120% so với cùng kỳ. Các doanh nghiệp đã nộp ngân sách 66 tỉ đồng, đạt 109% so với cùng kỳ. Các doanh nghiệp trong các KCN và KKT Nam Phú Yên đã đóng góp tiền và hiện vật cho công tác phòng chống dịch của tỉnh với tổng giá trị khoảng 6,68 tỉ đồng.

 

NGÔ XUÂN (thực hiện)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek