Thời gian qua, Phú Yên đã huy động cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở để dồn toàn lực cho công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Song song với đó, tỉnh cũng triển khai nhiều giải pháp thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh COVID-19 vừa phục hồi phát triển kinh tế, ổn định đời sống nhân dân.
Khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh
Thời gian qua, dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất và đời sống của nông, ngư dân. Ngư dân Nguyễn Hữu Phát ở phường Phú Đông (TP Tuy Hòa) cho biết: Tình hình khai thác hải sản hiện nay gặp nhiều khó khăn do nguồn lợi thủy sản ngày càng suy giảm nên hiệu quả đánh bắt không cao. Hiện giá xăng dầu tăng cao nên chi phí của mỗi chuyến biển tăng thêm từ 15-20 triệu đồng, trong khi giá cá ngừ đại dương loại 1 chỉ trên dưới 100.000 đồng/kg nên nhiều ngư dân không có lãi, thậm chí còn lỗ phí tổn. Từ khi dịch COVID-19 bùng phát trên địa bàn tỉnh đến nay, tình hình tiêu thụ sản phẩm thủy sản khai thác bị ảnh hưởng, đa số chỉ tiêu thụ nội địa nên giá cả giảm đáng kể…
Không chỉ hoạt động sản xuất của ngư dân ở các địa phương ven biển gặp bất lợi mà việc tiêu thụ sản phẩm nông sản ở các địa phương miền núi cũng gặp không ít khó khăn. Hiện nay, nhiều diện tích cây ăn quả đang bước vào thời kỳ thu hoạch. Tuy nhiên, do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 nên khâu tiêu thụ gặp khó. Ông Nguyễn Khắc Sự, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Sông Hinh, cho biết: Trên địa bàn huyện hiện có khoảng 1.200ha trồng cây ăn quả, trong đó có nhiều diện tích bưởi, cam, bơ… đang bước vào thời kỳ thu hoạch, nhưng do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 nên khâu tiêu thụ gặp khó. Hiện trái cây đang thu hoạch có nhu cầu tiêu thụ như bơ, mít, cam, quýt, bưởi… khoảng 45 tấn. Đến đầu tháng 9/2021, sầu riêng cũng bắt đầu thu hoạch rộ với sản lượng khoảng 18 tấn. Các năm trước, đa số thương lái đến tận vườn để thu mua, nhưng năm nay do ảnh hưởng dịch COVID-19 nên thương lái chỉ mua với số lượng ít hoặc không thu mua vì lo sợ tiêu thụ không được. Phòng NN-PTNT huyện đang phối hợp với các xã, thị trấn nắm lại tình hình sản suất của người dân để xây dựng phương án hỗ trợ tiêu thụ nông sản.
Vận chuyển trái cây trồng ở huyện Sông Hinh đi tiêu thụ. Ảnh: ANH NGỌC |
Thúc đẩy tiêu thụ nông sản
Theo Sở NN-PTNT, để đảm bảo thuận lợi cho việc sản xuất, thu hoạch, vận chuyển và tiêu thụ sản phẩm nông sản của người dân trên địa bàn tỉnh trong điều kiện dịch bệnh COVID-19, đơn vị đã phối hợp với các địa phương xây dựng phương án hỗ trợ người dân. Cụ thể, Sở NN-PTNT chỉ đạo các đơn vị trực thuộc khẩn trương hướng dẫn nông, ngư dân trong khâu sản xuất, thông tin kịp thời đến các vùng trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản về tình hình dịch bệnh và thị trường tiêu thụ, đặc biệt là những khó khăn trong vấn đề tiêu thụ hiện nay; khuyến cáo người dân nuôi, trồng rải vụ để tránh thu hoạch cùng lúc. Các đơn vị đang tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến và chỉ đạo phòng trừ kịp thời các loại vi sinh vật gây hại trên cây trồng, vật nuôi; kiểm tra chặt chẽ các vùng trồng, cơ sở nuôi…
Ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN-PTNT, cho biết: Sở đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân sản xuất kinh doanh nông sản về quy trình, kỹ thuật sơ chế, chế biến, bảo quản nông sản đảm bảo an toàn thực phẩm; thống kê khả năng dự trữ của các kho cấp đông, trữ lạnh, bảo quản nông sản, thủy sản của các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, phân phối nông sản trên địa bàn tỉnh để sẵn sàng sử dụng hoặc huy động các tỉnh khác hỗ trợ khi cần thiết. Sở NN-PTNT đang phối hợp với Sở Công thương triển khai các hoạt động kết nối, thúc đẩy tiêu thụ nông sản mùa vụ của tỉnh và từ các tỉnh khác. Các địa phương cần sớm tổng hợp, báo cáo, đề xuất các hoạt động cụ thể để Sở NN-PTNT tham mưu UBND tỉnh tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tiêu thụ, vận chuyển nông sản trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 hiện nay.
Liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hữu Thế đã chỉ đạo các sở, ngành khẩn trương phối hợp với các địa phương tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tiêu thụ, vận chuyển nông sản trên địa bàn tỉnh. Sở NN-PTNT khẩn trương phối hợp với các địa phương và cơ quan liên quan thực hiện tốt công tác dự tính, dự báo và phòng, chống kịp thời dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi. Sở NN-PTNT cũng cần thường xuyên rà soát, cập nhật danh mục các mặt hàng vật tư nông nghiệp thiết yếu gồm giống, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, thức ăn chăn nuôi, vắc xin thú y, thuốc thú y, thủy sản, nguyên liệu, vật liệu, phụ liệu, trang thiết bị... để phục vụ kịp thời cho sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, lâm nghiệp và chế biến nông sản. UBND tỉnh đề nghị Sở NN-PTNT tăng cường thanh tra chuyên ngành về buôn bán vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm trong sản xuất và chế biến, không để xảy ra tình trạng lợi dụng chống dịch COVID-19 để tăng giá hoặc bán hàng không đảm bảo chất lượng, mất an toàn thực phẩm; kiểm dịch động thực vật, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y…
Tỉnh xác định nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu hiện nay là tập trung phòng chống dịch COVID-19, kiên trì và linh hoạt thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh COVID-19 hiệu quả, vừa phục hồi phát triển kinh tế, ổn định đời sống nhân dân trên địa bàn.
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hữu Thế |
ANH NGỌC