Thời gian qua, các địa phương trong tỉnh triển khai mô hình VietGAP, sản xuất theo hướng hữu cơ, liên kết sản xuất lúa chất lượng; mô hình IPM, “3 giảm, 3 tăng”... nhằm giảm số lần phun thuốc bảo vệ thực vật, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
“Cầm tay chỉ việc” cho nông dân
Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Đồng Xuân mở lớp IPM (chương trình quản lý dịch hại tổng hợp) tại xã Xuân Quang 3 cho cán bộ hợp tác xã, hội phụ nữ, nông dân. Từ khi ngâm ủ giống đến khi gieo sạ, chăm sóc, 30 học viên tham gia lớp học được giảng viên hướng dẫn phương pháp chăm sóc lúa trên ruộng mô hình trình diễn, đến cuối vụ tổ chức tổng kết, đánh giá nhân rộng mô hình.
Ông Trịnh Kỳ Phương (65 tuổi) ở xã Xuân Quang 3 chia sẻ: Tôi đi học cách trồng lúa không phun thuốc sâu. Cụ thể, qua các buổi học lý thuyết và thực hành, chúng tôi có thể nhận biết chính xác các đối tượng sâu bệnh gây hại trên đồng ruộng và đối tượng nào là thiên địch của sâu bệnh này. Từ đó tự chủ động áp dụng các biện pháp để phòng trừ sâu bệnh. Khi chưa học lớp này, ra đồng thấy sâu là tôi mua thuốc về phun.
Theo bà Trần Thị Nguyệt, nông dân xã Xuân Quang 3, học lớp này bà mới biết nhện, bọ đuôi kìm, bọ rùa là thiên địch của sâu. Vì vậy, thay vì cuốc dạt bờ cỏ trước khi cày sạ, bà để bờ cỏ nuôi thiên địch. Khi lúa sạ ra lá non xuất hiện sâu hại thì có thiên địch tấn công, nông dân không phun thuốc sâu, chỉ phun thuốc cỏ tiền nảy mầm. “Việc học lớp IPM đã thay đổi nhận thức của nông dân trong sản xuất lúa. Chúng tôi thấu hiểu đối tượng sâu bệnh nào nên phun thuốc và mật độ sâu bao nhiêu thì phun. Từ đó giảm đáng kể số lần phun thuốc bảo vệ thực vật, giúp bảo vệ môi trường, hệ sinh thái, nhất là bảo vệ thiên địch trên đồng ruộng”, bà Nguyệt nói.
Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Tuy An thì mở lớp hướng dẫn nông dân trồng rau theo hướng hữu cơ tại xã An Hòa Hải. Nông dân tham gia nắm bắt được kỹ thuật trồng rau xanh dùng chế phẩm sinh học phòng trừ sâu hại. Đối với khổ qua, dưa leo thì “nuôi” trái bên trong vỏ bao bì, ngăn không cho ong chích vòi làm nũng trái. Từ đó tiết kiệm tiền mua thuốc trừ sâu, nhân công phun, đảm bảo sức khỏe con người.
Sau khi tham gia lớp trồng rau nói trên, nông dân về áp dụng trồng rau sạch trên diện tích 70ha/năm, năng suất đạt từ 155-165 tạ/ha, hiệu quả kinh tế trên 30 triệu đồng/ha. Ông Nguyễn Tấn Luân, Trưởng trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Tuy An, cho hay: Tôi làm giảng viên nhiều lớp trồng rau theo chương trình VietGAP, giảm lượng phun thuốc sâu trên luống rau, nông dân áp dụng thành công. Đối với cây lúa, bắp, huyện Tuy An cũng triển khai nhiều lớp IPM. Nhờ áp dụng IPM trên cây lúa, nông dân tiết kiệm được chi phí thuốc bảo vệ thực vật, nhân công, tăng lợi nhuận trong sản xuất.
Sạ thưa lúa ít sâu bệnh
Năm qua, huyện Tây Hòa triển khai nhiều mô hình sử dụng giống cấp xác nhận, giảm lượng giống gieo sạ với diện tích 710ha. Trong đó liên kết sản xuất lúa hữu cơ chất lượng cao là 200ha, liên kết sản xuất giống là 50ha, sản xuất giống nông hộ là 60ha, mô hình giảm lượng giống gieo sạ là 400ha. Các mô hình này đều áp dụng IPM. Cùng với việc giảm lượng giống gieo sạ từ 10kg/sào xuống còn 5kg/sào, nông dân tiết kiệm khoảng 30% chi phí giống, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật.
Ông Đào Văn Roa, Phó Trưởng phòng NN-PTNT huyện Tây Hòa, cho biết: Người dân đã thay đổi lối canh tác. Khi xảy ra sâu bệnh, cán bộ nông nghiệp và HTX đi thăm đồng kiểm tra và đưa ra biện pháp khuyến cáo phù hợp, chứ bà con không tự ý phun thuốc. Bên cạnh đó, từ khi áp dụng IPM, toàn bộ ruộng lúa sạ thưa ít xảy ra sâu bệnh vì bảo vệ được thiên địch. Năm qua, năng suất lúa của huyện đạt bình quân 70 tạ/ha, có mô hình lên đến 80 tạ/ha”.
Huyện Phú Hòa triển khai mô hình sản xuất giống mới, áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất lúa với diện tích 1.071ha. Cùng với đó, mô hình liên kết sản xuất lúa giống, tiêu thụ sản phẩm với diện tích 990ha. Cuối vụ, năng suất bình quân trên 85 tạ/ha. Các mô hình này áp dụng “3 giảm, 3 tăng” (giảm lượng giống gieo sạ, giảm lượng thuốc trừ sâu bệnh, giảm lượng phân đạm; tăng năng suất lúa, tăng chất lượng lúa gạo, tăng hiệu quả kinh tế), nông dân thu lãi cao hơn so với sản xuất lúa truyền thống trên 10 triệu đồng/ha.
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Phú Yên, năm 2020, diện tích sạ thưa đạt 47,3% diện tích lúa cả năm. Việc giảm mật độ gieo sạ dẫn đến ruộng lúa ít ăn phân, áp dụng IPM ruộng ít sâu bệnh gây hại, nông dân giảm phun thuốc trừ sâu. Ông Nguyễn Lê Lanh Đa, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Phú Yên, cho biết: Những năm qua, nông dân trong tỉnh áp dụng khá rộng rãi các chương trình, mô hình sản xuất VietGAP, sản xuất theo hướng hữu cơ, áp dụng tiến bộ kỹ thuật như IPM, “3 giảm, 3 tăng”. Nhờ vậy, những năm gần đây, năng suất lúa của tỉnh hàng năm đều tăng từ 0,1-0,3 tạ/ha. Trong đó, năm 2020, năng suất bình quân đạt 71,1 tạ/ha, tăng 0,3 tạ/ha so với năm trước.
Với lợi ích và hiệu quả của chương trình IPM, Sở NN-PTNT chỉ đạo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật phối hợp các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn nông dân nhân rộng mô hình. Thời gian đến, sở tiếp tục đề nghị các địa phương triển khai sản xuất vụ hè thu và vụ mùa năm 2021 đạt hiệu quả.
Ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN-PTNT |
MẠNH LÊ TRÂM