Thực hiện nghiêm quy định phòng dịch, hạn chế tối đa việc ra ngoài, khuyến khích mua bán thực phẩm online, giao hàng tận nhà... nên dịch vụ giao hàng nở rộ. Từ đó, hình ảnh những người giao hàng (shipper) cũng đã quen thuộc với nhiều người trong thời điểm này. Tuy nhiên, hoạt động giao hàng cũng cần được hướng dẫn, quản lý chặt chẽ.
Từ khi dịch COVID-19 bùng phát và diễn biến ngày càng phức tạp, hình ảnh shipper thường xuyên xuất hiện trên các tuyến phố, trước nhà người dân… Ngoài những shipper của các đơn vị kinh doanh dịch vụ giao hàng chuyên nghiệp thì còn rất nhiều người hành nghề bất đắc dĩ.
Nhiều shipper mới vào nghề
Gần 18 giờ 30, Nguyễn Xuân Cường, nhân viên giao hàng của một tiệm bán đồ ăn nhanh ở TP Tuy Hòa vẫn miệt mài làm việc. Cường có vẻ nhanh nhẹn, tuy chỉ mới bắt đầu công việc giao hàng chưa lâu. “Em giao hàng giúp người chị bán hàng được gần tháng nay. Chị em bán đồ ăn nhanh nhưng giờ không thể mở quán bán. Chị chỉ nhận đơn đặt online, sau đó nhờ em giao đến nhà người mua”, Cường vui vẻ nói.
Mặc áo khoác dài tay có mũ trùm đầu, bao găng tay, mang khẩu trang, thêm kính chắn giọt bắn, mới dừng xe, Trần Thanh Vũ lấy ngay chai xịt khuẩn trong túi áo ra xịt khử khuẩn tay rồi xách bì thực phẩm để trước nhà người mua hàng. Chờ người mua nhận hàng và để tiền ở đó xong, Vũ đến lấy, xịt khuẩn tiền rồi bỏ vào túi. Kết thúc công đoạn giao nhận hàng với khách, Vũ tiếp tục chuyển hàng đến cho hộ gia đình khác. Chia sẻ về công việc đang làm, chàng shipper trẻ tuổi này nói: Khi dịch bệnh chưa bùng phát, tôi làm nhân viên bán hàng cho một cửa hàng điện thoại di động. Hiện cửa hàng tạm đóng cửa, tôi xin làm shipper cho một hộ gia đình mua bán thực phẩm (phường Phú Lâm, TP Tuy Hòa). Mỗi ngày, nếu giao từ 7 giờ sáng đến 8 giờ tối, tôi nhận được từ 200.000-300.000 đồng tiền công. Thu nhập cũng ổn nên tôi tạm làm công việc này.
Để phục vụ cho việc bán thực phẩm online, giao hàng tận nhà, mỗi ngày chị Lê Thị Thùy Dung (chủ tài khoản facebook Dung Lê) đều phải chuẩn bị hàng từ rất sớm, gồm thịt, cá, tôm, rau, trái cây… được chị gom từ những hộ cung cấp khác. Chị Dung cho biết: Tôi bán bún riêu trên đường Nguyễn Tất Thành, phường 1, TP Tuy Hòa, nhưng nay nghỉ bán. Tôi chuyển sang gom thực phẩm tươi sống để phục vụ người dân có nhu cầu. Hôm nay, tôi đăng hình ảnh rau, thịt… lên facebook, ai đặt mua thì tôi lên đơn, xin số điện thoại, địa chỉ để sáng hôm sau bắt đầu giao sớm. Tháng trước, mỗi ngày tôi giao 25-30 đơn hàng, nhưng khi tỉnh thực hiện Chỉ thị 16 của Chính phủ, tôi chỉ còn 15-20 đơn, vì các điểm chốt chặn nhiều nên việc đi lại khó khăn.
Lắm nỗi lo
Theo số liệu báo cáo của ngành Y tế trong những ngày qua, số ca mắc COVID-19 phát hiện trong cộng đồng vẫn còn và nguy cơ lây lan dịch bệnh rất cao… Do đó, việc tiếp xúc giữa người với người thông qua hình thức giao hàng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ nếu không thực hiện giãn cách, không tự phòng vệ bằng trang thiết bị y tế.
Anh Trần Thanh Phong ở phường 7, TP Tuy Hòa, thổ lộ: Gia đình tôi bán trà sữa nên ai có nhu cầu thì chạy đi giao. Vì ngại tiếp xúc gần nên trong lúc giao hàng, cả tôi và người nhận đều phải giữ khoảng cách. Biết là không mấy an toàn nếu như ngày nào cũng phải giao hàng nhưng vì công việc, vì nhu cầu người dân nên tôi tiếp tục làm. Tôi cũng lưu ý trang bị những thứ cần thiết để tự bảo vệ bản thân.
Mặc dù có kinh nghiệm vì từng làm nhân viên giao hàng cho một cơ sở ở TP Tuy Hòa, nhưng anh Nguyễn Duy Phương ở phường Hòa Hiệp Bắc, TX Đông Hòa cũng không khỏi lo lắng khi anh nhận giao thực phẩm cho người dân khu vực TX Đông Hòa. “Công việc của shipper giữa lúc dịch diễn biến phức tạp luôn phải đối mặt với nhiều rủi ro, nguy cơ lây bệnh, thậm chí khó khăn nếu đi đường gặp lực lượng tuần tra, kiểm soát, nhưng tôi vẫn duy trì vì công việc này mang lại thu nhập để có thể lo cho bản thân và phụ giúp gia đình”, anh Phương bày tỏ.
Cũng lo ngại không kém người giao hàng, bà Nguyễn Thị Hồng Thắm ở xã Bình Biến, TP Tuy Hòa, chia sẻ: Tôi thường xuyên mua hàng online. Nhưng nhận thấy nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng còn cao nên gần đây, tôi cũng hạn chế bằng cách gom nhiều thứ rồi đặt hàng một lần, trong 1 tuần tôi thực hiện 1-2 đơn hàng.
Tuy cả shipper và khách hàng đều có ý thức đối với việc đeo khẩu trang, giữ khoảng cách khi giao tiếp, sát khuẩn tay và hàng hóa trước khi giao và nhận hàng…, nhưng trước tình hình dịch bệnh diễn biến khó lường thì nguy cơ mất an toàn vẫn luôn thường trực. Bởi thực tế, ngoài nhân viên giao hàng của các cơ sở có đăng ký hoạt động chuyển phát, thì còn nhiều shipper tự hành nghề, chưa có sự kiểm soát, chưa được hướng dẫn kỹ càng trong quá trình hoạt động. Theo nhiều người dân, giao nhận hàng hóa, thực phẩm trong điều kiện thực hiện giãn cách xã hội là rất cần thiết, tuy nhiên cần có sự quản lý, hướng dẫn cụ thể để hoạt động này diễn ra an toàn hơn.
Quản lý, hướng dẫn hoạt động
Được biết, với việc khuyến khích người dân thực hiện mua bán online, Sở Công thương đã hướng dẫn để các cơ sở kinh doanh thực phẩm, hàng hóa thiết yếu thực hiện các biện pháp phòng dịch, trong đó có cả khuyến cáo người dân nâng cao ý thức, tuân thủ quy định khi tham gia mua hàng. Đơn vị này cũng đã yêu cầu các cơ sở đảm bảo điều kiện hoạt động, test nhanh cho nhân viên phục vụ bán, giao hàng…
Ông Nguyễn Ngọc Huy, Phó Giám đốc Bưu điện tỉnh, cho biết: Bưu điện tỉnh hiện có 123 nhân viên bưu tá và phát xã. Mới đây, đơn vị đã bố trí thêm Đội shipper online phụ trách giao hàng cho các cơ sở mua bán thực phẩm online nhỏ lẻ trên địa bàn. Đối với lực lượng giao hàng, Bưu điện tỉnh đã tổ chức test nhanh, tiêm vắc xin mũi 1; trang bị dụng cụ y tế trong quá trình làm việc.
Còn theo ông Dương Văn Mạnh, Giám đốc Viettel Post, đơn vị có hơn 50 nhân viên giao, nhận hàng và các tài xế vận chuyển hàng qua các khu vực, hiện các tài xế đã được tiêm vắc xin và test nhanh 3 ngày/lần. Ngoài một số nhân viên đã được tiêm vắc xin, đơn vị cũng đã đăng ký danh sách và đặt mua thêm để tiếp tục tiêm vắc xin cho các nhân viên giao hàng còn lại. Cơ sở cũng hỗ trợ khẩu trang, nước sát khuẩn, quán triệt nhân viên tuân thủ khuyến cáo 5K; phun khử khuẩn đối với dụng cụ, thiết bị chứa, khu vực giao nhận hàng để đảm bảo công tác phòng dịch.
Theo quy định, các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ chuyển phát phải đăng ký hoạt động, được Sở KH-ĐT cấp giấy phép kinh doanh và được sự thống nhất của Sở TT-TT. Riêng các cá nhân, cơ sở kinh doanh quy mô nhỏ cũng phải đăng ký và do UBND địa phương cấp phép, quản lý. Tuy nhiên, hiện các địa phương đều chưa tiếp nhận yêu cầu, hay đề nghị xin phép kinh doanh của cá nhân, cơ sở nào. Theo Sở TT-TT, đến nay, đơn vị đã tiếp nhận thông báo hoạt động của 13 doanh nghiệp chuyển phát trên địa bàn. Đơn vị cũng đã kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở, có văn bản yêu cầu các cơ sở thực hiện nghiêm biện pháp phòng, chống dịch... Để đảm bảo hoạt động giao, nhận hàng diễn ra an toàn, đơn vị tiếp tục theo dõi, nhắc nhở, xử lý đối tượng vi phạm và phối hợp với các đơn vị hướng dẫn để tổ chức, cá nhân hoạt động theo đúng quy định.
Mới đây, UBND phường 7 đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính số tiền 3 triệu đồng đối với ông N.H.C (phường 7, TP Tuy Hòa) về việc không đăng ký thành lập hộ kinh doanh trong trường hợp phải đăng ký theo quy định. Ông N.H.C kinh doanh dịch vụ ship hàng, theo hình thức nhận hàng của các cơ sở kinh doanh rồi chuyển đến người nhận.
Ông Hà Bích Sơn, Chủ tịch UBND phường 7, TP Tuy Hòa |
VÕ PHÊ