Thời điểm này, hàng loạt nông sản đang vào mùa thu hoạch cao điểm trong khi dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, hoạt động giao thương bị đình trệ khiến nhiều nông dân ở các địa phương gặp khó khăn trong việc tiêu thụ nông sản. Trước thực trạng đó, các cấp hội nông dân trong tỉnh đã đẩy mạnh hoạt động kết nối, hỗ trợ tiêu thụ hàng trăm tấn nông sản giúp bà con nông dân.
Hơn 70 tấn nông sản được tiêu thụ
Tại huyện Tuy An, thời điểm này đang vào vụ thu hoạch chính của nhiều loại trái cây như: chuối, dưa hấu, dưa lê... Vì vậy, hơn một tuần qua, công việc của chị Nguyễn Thị Phượng, Chủ tịch Hội Nông dân xã An Lĩnh, là đến từng ruộng, nắm lại danh sách các hộ có dưa, chuối… đang thời kỳ thu hoạch. Sau khi thống kê sản lượng, thời điểm thu hoạch của từng hộ, chị Phượng báo cáo Hội Nông dân huyện để lên kế hoạch tiêu thụ nông sản từng địa bàn.
Anh Nguyễn Việt Dũng, trồng dưa hấu ở thôn Phong Thái, xã An Lĩnh cho biết, với lý do không xuất được hàng, nhiều thương lái ép giá nông sản. Cả tháng qua, giá dưa hấu ở vùng này chỉ quanh quẩn ở mức 2.000-2.500 đồng/kg. “Chúng tôi đang loay hoay không biết xử lý sao thì nhận được lời đề nghị “giải cứu” dưa hấu của Hội Nông dân xã. Đến giờ, gia đình tôi được hội hỗ trợ bán 15 tấn dưa hấu với giá 4.000 đồng/kg. Dù giá không cao nhưng như vậy cũng mừng vì ít nhiều thu hồi được một phần vốn đã bỏ ra”, anh Dũng nói.
Còn anh Lê Minh Ý, trồng chuối ở thôn Vĩnh Xuân, xã An Lĩnh cho hay: “Gia đình tôi có 2ha chuối đang vào mùa thu hoạch. Nhờ hội nông dân hỗ trợ tiêu thụ nên chúng tôi đã bán hơn 500kg chuối với giá trung bình 5.000 đồng/kg. Tình hình dịch bệnh như hiện nay mà bán được như vậy, tôi rất mừng”.
Theo ông Nguyễn Xuân Khiêm, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tuy An, dịch COVID-19 khiến giao thương đi lại khó khăn nên thương lái ép giá nông sản. Vì vậy, để tìm đầu ra an toàn, hỗ trợ nông dân thời điểm này, hội chọn giải pháp đứng ra làm đầu mối, thiết lập ở mỗi xã 2 điểm tập kết thu mua nông sản cho bà con. Sau hơn 20 ngày triển khai, toàn huyện đã giúp nông dân tiêu thụ hơn 70 tấn nông sản với giá cao hơn 40% so với giá tư thương mua của nông dân.
Chung tay chia sẻ
Theo Hội Nông dân tỉnh, trước tình hình nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh gặp khó khăn trong việc tiêu thụ nông sản, Ban Thường vụ Tỉnh hội đã kịp thời chỉ đạo các cấp hội và trực tiếp làm đầu mối phối hợp kết nối với các doanh nghiệp, nhà hảo tâm để hỗ trợ tiêu thụ nông sản an toàn, kịp thời cho nông dân trên cơ sở khảo sát, đăng ký nhu cầu tiêu thụ. “Nhờ sự vào cuộc tích cực của tổ chức hội, sự ủng hộ của người tiêu dùng, tính đến thời điểm hiện tại, các cấp hội đã hỗ trợ tiêu thụ hơn 150 tấn nông sản các loại trị giá gần 2 tỉ đồng. Ngoài ra, hưởng ứng lời kêu gọi ủng hộ phòng chống dịch COVID-19 của Ủy ban MTTQ tỉnh, Hội Nông dân tỉnh đã trực tiếp thu mua gần 3 tấn nông sản gồm dưa hấu, chuối, khổ qua… để hỗ trợ cho công tác phòng chống dịch trên địa bàn huyện Phú Hòa và TP Tuy Hòa”, ông Phan Đại Thắng, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nông dân tỉnh cho biết.
Ngoài các cấp hội, hiện nay, Siêu thị Co.opmart Tuy Hòa, Công ty CP Việt Thành, Quỹ Tâm Đức… cũng đứng ra thu mua, tiêu thụ hàng chục tấn nông sản giúp bà con nông dân. Khi biết những khu vực có nông sản cần được giải cứu, chị Đoàn Lâm Hân, đại diện Quỹ Tâm Đức đã chủ động liên lạc đến các cấp hội để mua ủng hộ. Những nông sản chị Hân mua không chỉ dành cho gia đình, người thân, hàng xóm, mà còn tặng những người có hoàn cảnh khó khăn ở các khu cách ly, phong tỏa. Chị Hân chia sẻ: “Tôi mong rằng, việc làm của nhóm mình có thể góp phần san sẻ khó khăn cho bà con nông dân, giúp họ vượt qua giai đoạn này, đồng thời lan tỏa ý nghĩa nhân văn của những hoạt động này đến với nhiều người hơn”.
Thời gian tới, nhiều chuyến nông sản sẽ tiếp tục được thu mua, tập kết và vận chuyển thông qua các cấp hội nông dân, qua đó kịp thời hỗ trợ người dân vùng dịch tiêu thụ nông sản trong lúc khó khăn. “Giúp nông dân tiêu thụ nông sản chính là giúp người dân có được nguồn thu nhập để tái sản xuất. Do đó, chúng tôi kêu gọi tất cả mọi người chung tay hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho người dân nhưng vẫn phải bảo đảm các yêu cầu về phòng, chống dịch. Hiện đã có danh sách từng hộ nông dân có nông sản cần phải thu hoạch trong thời gian tới với sản lượng hàng trăm tấn. Từ danh sách này, hội sẽ liên kết và vận động các đơn vị hỗ trợ tiêu thụ để bà con vừa có thể duy trì sản xuất, vừa đảm bảo đời sống giữa lúc dịch”, ông Phan Đại Thắng nói.
Hội Nông tỉnh xác định có 2 giải pháp “gỡ khó” để giúp bà con trong việc sản xuất và tiêu thụ nông sản. Cụ thể, đối với những vùng sản lượng nông sản ít, các cấp hội thực hiện theo phương châm 3 tại chỗ (sản xuất tại chỗ, con người hỗ trợ tại chỗ và tiêu thụ tại chỗ). Còn đối với những vùng có sản lượng nông sản lớn, không thể tiêu thụ hết, hội làm việc với Sở Công thương để kịp thời đưa thông tin, sản lượng, thời điểm thu hoạch, cũng như kết nối với các nhà hảo tâm tiêu thụ. |
NGỌC HÂN - THIÊN LÝ