Bảo tồn thiên nhiên, phòng hộ, phát triển kinh tế lâm nghiệp. Đó là mục tiêu chung cần giải quyết trong giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 được UBND tỉnh đề ra tại kế hoạch thực hiện chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 tỉnh Phú Yên.
Mục tiêu kinh tế của kế hoạch là quản lý, sử dụng hiệu quả diện tích đất rừng sản xuất của tỉnh, trong đó, đưa vào sử dụng hiệu quả khoảng 43.000ha đất trống chưa có rừng. Thực hiện hoàn thành việc giao rừng, cho thuê rừng và ổn định công tác quản lý, bảo vệ và tổ chức sản xuất theo đề án được duyệt (giao rừng, cho thuê rừng đối với tổ chức hơn 94.029ha; hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng hơn 112.627ha). Tỉ lệ diện tích rừng sản xuất quản lý bền vững có xác nhận năm 2025 đạt 30% và 50% vào năm 2030. Trồng rừng phòng hộ, đặc dụng 150ha/năm; phục hồi rừng phòng hộ, đặc dụng 1.000ha/năm; trồng rừng sản xuất 6.000 ha/năm. Đổi mới mô hình tăng trưởng từ dựa vào mở rộng diện tích và khối lượng sang tập trung vào nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng của sản phẩm lâm nghiệp, phấn đấu đến năm 2025 giá trị thu nhập từ rừng trồng sản xuất tăng 1,5 lần và đến năm 2030 tăng 2 lần/đơn vị diện tích so với năm 2020. Phát triển kinh tế lâm nghiệp với kim chỉ nam là phát triển rừng bền vững, trong đó tập trung mở rộng quy mô rừng gỗ lớn đạt khoảng 10% tổng diện tích rừng trồng bình quân hàng năm; sản lượng khai thác gỗ rừng trồng hàng năm đạt 200.000m3/năm; tăng sinh khối rừng trồng đạt bình quân 15-20 m3/ha/năm; phấn đấu đạt tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp từ 5-5,5%/năm. Đa dạng hóa nguồn thu từ rừng phù hợp với quy định của pháp luật: Phát triển mô hình liên doanh, liên kết thực hiện các đề án, dự án du lịch sinh thái rừng, trồng cây dược liệu dưới tán rừng tại các ban quản lý rừng; thí điểm thực hiện chi trả phí dịch vụ hấp thụ và lưu giữ carbon của rừng…
Mục tiêu về xã hội, phấn đấu đến năm 2030, 100% hộ gia đình miền núi được Nhà nước giao rừng, cho thuê rừng có thu nhập và cuộc sống ổn định từ hoạt động lâm nghiệp. Giảm dần số người vi phạm Luật Lâm nghiệp hàng năm khoảng 10%. Đến năm 2025, mức thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số làm lâm nghiệp tăng hơn 2 lần so với năm 2020; góp phần giảm tỉ lệ hộ nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số mỗi năm hơn 2%.
Mục tiêu về môi trường, tập trung huy động nguồn lực xây dựng và thực hiện các chương trình, đề án, dự án đầu tư lâm nghiệp để khôi phục, phát triển hệ thống rừng đặc dụng, phòng hộ đầu nguồn của tỉnh; đến năm 2025, xây dựng hoàn chỉnh các khu rừng đặc dụng, phòng hộ thuộc các ban quản lý rừng (khoảng 100.000ha rừng) nhằm đảm bảo an ninh môi trường, hạn chế thiên tai, thảm họa thiên nhiên; xây dựng nền tảng để duy trì ổn định cơ cấu phát triển ngành Lâm nghiệp của tỉnh đến năm 2030. Giảm thiểu tối đa các vụ phá rừng, cháy rừng nghiêm trọng gây ảnh hưởng lớn về môi trường sinh thái, đời sống, xã hội của cộng đồng và an ninh môi trường. Tỉ lệ che phủ rừng đến năm 2025 đạt và giữ ổn định 48% đến năm 2030.
(PYP)