Sáng 16/7, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến chủ trì hội nghị trực tuyến bàn giải pháp phát triển ngành tôm năm 2021 và triển khai quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045. Tham dự hội nghị có đại diện các đơn vị trực thuộc Bộ NN-PTNT và 28 điểm cầu tại 28 tỉnh, thành phố ven biển. Tham dự tại điểm cầu Phú Yên có Giám đốc Sở NN-PTNT Nguyễn Trọng Tùng, các đơn vị trực thuộc Sở NN-PTNT và đại diện các hội, doanh nghiệp liên quan trên địa bàn tỉnh.
Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT), trong 6 tháng đầu năm 2021, sản lượng tôm nước lợ đạt 371.000 tấn, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2020; trong đó, sản lượng tôm sú 113.000 tấn, tôm thẻ chân trắng 258.000 tấn. Kim ngạch xuất khẩu tôm ước đạt khoảng 1,5 tỉ USD. Năm 2021, cả nước tiếp tục duy trì, phát triển ổn định diện tích nuôi tôm nước lợ khoảng 740.000ha, sản lượng tôm các loại đạt khoảng 980.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu tôm đạt 3,8-4 tỉ USD.
Tại Phú Yên, theo Sở NN-PTNT, diện tích nuôi tôm ao đìa 6 tháng đầu năm 2021 trên địa bàn tỉnh khoảng 1.570ha chủ yếu nuôi tôm nước lợ (tôm thẻ chân trắng và tôm sú). Tổng số lồng nuôi tôm hùm đến tháng 6/2021 ở Phú Yên khoảng 100.890 lồng, trong đó tôm hùm thịt khoảng 80.120 lồng, tôm hùm ương 20.770 lồng. Sản lượng nuôi trồng thủy sản 6 tháng đầu năm 2021 khoảng 5.525 tấn, tăng 5,3% so cùng kỳ năm trước; trong đó, tôm hùm khoảng 700 tấn, còn lại là sản lượng tôm nước lợ.
Sau khi nghe ý kiến của các đại biểu, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến yêu cầu các đơn vị trực thuộc tiếp tục ứng dụng và chuyển giao KH-CN mới cho địa phương nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; quản lý chặt chẽ chất lượng tôm giống, vật tư thủy sản. Thứ trưởng Bộ NN-PTNT cũng đề nghị các địa phương thực hiệt tốt kế hoạch sản xuất tôm nước lợ năm 2021; làm tốt công tác quan trắc, cảnh báo môi trường để kịp thời khuyến cáo cảnh báo cho người nuôi; hướng dẫn các biện pháp phòng chống dịch bệnh, giảm thiểu tối đa thiệt hại cho người nuôi. Địa phương cần tăng cường thông tin, tuyên truyền, chuyển giao khoa học kỹ thuật để nhân rộng các mô hình nuôi 2, 3 giai đoạn, nuôi sử dụng chế phẩm sinh học, nuôi tuần hoàn khép kín, nuôi tôm an toàn sinh học, nuôi công nghệ cao... và các mô hình liên kết sản xuất hiệu quả giúp người nuôi, doanh nghiệp giảm thiệt hại và chủ động sản xuất.
ANH NGỌC