Xác định chương trình việc làm là một trong những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Thời gian qua, huyện Sơn Hòa luôn chú trọng, tạo điều kiện cho người lao động (NLĐ) có được việc làm ổn định, tăng nguồn thu nhập, góp phần đẩy mạnh công tác xóa đói giảm nghèo, bảo đảm cho sự phát triển kinh tế bền vững và ổn định xã hội.
Để thực hiện hiệu quả công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, huyện Sơn Hòa tập trung đẩy mạnh tuyên truyền về đào tạo nghề, định hướng nghề nghiệp bằng nhiều hình thức như: Tập huấn, tuyên truyền, tư vấn học nghề, khảo sát, điều tra nhu cầu học nghề lao động nông thôn trên địa bàn…
Hỗ trợ việc làm, nâng cao tay nghề
Ông Phạm Đình Phụng, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa, cho biết: Trong 5 năm qua, được sự quan tâm chỉ đạo của UBND tỉnh, cùng sự phối hợp giữa các sở, ban ngành và các tổ chức hội đoàn thể, công tác giải quyết việc làm của huyện Sơn Hòa được triển khai đồng bộ và đạt được nhiều kết quả tích cực trong nhiều lĩnh vực.
Các chính sách như: cho vay hỗ trợ giải quyết việc làm; dự án hỗ trợ đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; dự án phát triển thị trường lao động; công tác tư vấn giới thiệu việc làm, dạy nghề cho lao động nông thôn… đã hỗ trợ trực tiếp và tạo điều kiện thuận lợi cho hàng ngàn lao động có cơ hội tìm kiếm, giải quyết việc làm; góp phần chuyển dịch nhanh cơ cấu lao động.
Theo Phòng LĐ-TB-XH huyện Sơn Hòa, qua 5 năm triển khai chương trình việc làm, toàn huyện có 8.560 lao động được giải quyết việc làm mới. Công tác giải quyết việc làm hàng năm trên địa bàn huyện luôn đạt và vượt chỉ tiêu đề ra. Bình quân mỗi năm có 1.712 lao động được giải quyết việc làm. Nhiều lao động sau khi có nghề còn có cơ hội tìm kiếm việc làm phù hợp ở các công ty trong tỉnh và ngoài tỉnh.
Anh Y Nam ở thôn Nguyên Xuân, xã Sơn Nguyên có 3ha mía nhưng năng suất mỗi vụ thường bấp bênh. Sau khi được tham gia học nghề kỹ thuật trồng trọt, anh đã áp dụng kiến thức vào thực tiễn canh tác, cũng 3ha mía ấy nhưng cho năng suất cao hơn hẳn những năm trước đó. Anh Nam nói: “Gia đình tôi trồng 3ha mía, trước đây thu nhập khoảng 25 triệu đồng/vụ, còn nay 30-40 triệu đồng/vụ. Năng suất đạt cao là nhờ tôi áp dụng đồng bộ các phương pháp canh tác hợp lý từ giống, nước, phân bón, phòng trừ sâu bệnh đến thu hoạch”.
Còn chị H’Trấc ở buôn Học, xã Krông Pa, chia sẻ: “Trước kia gia đình tôi chỉ nuôi vài con bò cỏ nên thu nhập chẳng là bao, đời sống bấp bênh, thường xuyên đói giáp hạt. Sau đó, nhờ nguồn vốn vay tín dụng xóa đói giảm nghèo, gia đình tôi được vay ba đợt tổng cộng 80 triệu đồng đầu tư nuôi bò lai thay bò cỏ, vì bò lai có giá trị cao hơn. Hiện tại, đàn bò lai của gia đình tôi có 6 con, trị giá hơn trăm triệu đồng. Ngoài ra, tôi còn nuôi gà, trồng sắn, lúa nước… tạo thêm thu nhập. Đợi bò được giá, tôi sẽ bán bớt vài con để trang trải trong sinh hoạt, nâng cao đời sống của gia đình”.
Tăng cường xuất khẩu lao động
Cũng theo ông Phạm Đình Phụng, đạt được kết quả trong công tác giải quyết việc làm như trên là nhờ hàng năm, UBND huyện tích cực chỉ đạo, phối hợp cùng các cấp, ngành, doanh nghiệp trong và ngoài huyện có nhu cầu tuyển dụng lao động, có chức năng đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài; tổ chức tư vấn giới thiệu việc làm trực tiếp tạo điều kiện thuận lợi cho NLĐ có cơ hội tiếp cận với thị trường lao động, tìm việc làm.
Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện, Sơn Hòa vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Là huyện miền núi nên việc hình thành và phát triển các nhà máy, xí nghiệp trong những năm qua còn nhiều hạn chế; lao động tìm việc làm và định hướng giải quyết việc làm ở địa phương còn nhiều khó khăn.
Huyện Sơn Hòa có trên 1/3 lao động là người đồng bào dân tộc thiểu số, mặt bằng dân trí thấp, điều kiện kinh tế hộ gia đình còn nhiều khó khăn, việc làm của người lao động chủ yếu là ở các lĩnh vực nông - lâm nghiệp, có nguồn thu nhập hàng năm thấp; lực lượng lao động trong độ tuổi lao động toàn huyện tuy dồi dào, nhưng chủ yếu lao động phổ thông, không có trình độ tay nghề, do vậy phần lớn lao động có nhu cầu đăng ký đi xuất khẩu lao động nhưng không đủ điều kiện để tham gia ở các thị trường có yêu cầu trình độ cao.
Để công tác giải quyết việc làm cho NLĐ trong thời gian tới đạt được kết quả cao, ông Phạm Đình Phụng cho biết, huyện sẽ tăng cường tuyên truyền về giải quyết việc làm bằng nhiều hình thức, đặc biệt là về xuất khẩu lao động. Đồng thời đẩy mạnh kiểm tra, giám sát đánh giá tình hình thực hiện đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn và nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ sở dạy nghề lao động nông thôn, gắn đào tạo nghề với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp và đào tạo theo nhu cầu của NLĐ.
Sơn Hòa cũng chú trọng thực hiện tốt chính sách hỗ trợ cho NLĐ về vốn vay, học nghề ngắn hạn, học ngoại ngữ… để NLĐ có điều kiện đăng ký đi xuất khẩu lao động, đặc biệt là những lao động thuộc diện chính sách ưu đãi, người có công với cách mạng, hộ nghèo, người dân tộc thiểu số… nhằm thúc đẩy mạnh công tác xuất khẩu lao động. Phấn đấu hàng năm đạt 100% chỉ tiêu kế hoạch xuất khẩu lao động đề ra.
Qua 5 năm triển khai chương trình việc làm, huyện Sơn Hòa có 8.560 lao động được giải quyết việc làm mới. Công tác giải quyết việc làm hàng năm trên địa bàn huyện luôn đạt và vượt chỉ tiêu đề ra. Bình quân mỗi năm có 1.712 lao động được giải quyết việc làm. Nhiều lao động sau khi có nghề còn có cơ hội tìm kiếm việc làm phù hợp ở các công ty trong tỉnh và ngoài tỉnh. |
KIM CHI