Tuy đầu tư nhiều về chất lượng xe, dịch vụ cũng như chế độ chăm sóc khách hàng nhưng các cơ sở cho thuê xe du lịch, taxi đều đang trong tình trạng khó khăn do dịch bệnh.
Giảm hơn 50% hoạt động
Trên địa bàn tỉnh hiện có 674 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh vận tải hành khách và cho thuê ô tô, chưa kể những trường hợp kinh doanh dịch vụ của các hộ gia đình khác. Trong điều kiện Phú Yên phát triển du lịch, đây là các dịch vụ ăn nên làm ra, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân và du khách. Tuy nhiên, khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, các dịch vụ này đã và đang gặp không ít khó khăn.
Ông Trần Lưu Văn, đại diện hãng Lado Taxi Phú Yên, cho biết: Chúng tôi có 85 ô tô 4, 5, 7 chỗ ngồi phục vụ chạy taxi tại Phú Yên. Từ khi dịch bệnh bùng phát đến nay, nhu cầu đi taxi của khách hàng giảm hơn 50%. Vì không có khách du lịch ở các tỉnh khác nên hiện các xe phục vụ người dân địa phương là chủ yếu, nhưng với tần suất giảm nhiều so với những năm trước.
Ông Nguyễn Thành Danh, Giám đốc Công ty CP Du lịch lữ hành Phú Yên (Phú Yên Travel) chia sẻ: Thời điểm dịch vụ cho thuê xe du lịch đắt khách nhất trong năm là tháng 2, 3 (tết) và khoảng từ tháng 5-8 dương lịch, vì đây là mùa du lịch. Những tháng này, xe của công ty chạy liên tục trong ngày, có hôm không còn chiếc nào để nhà. Nhưng thời điểm hiện nay, người dân, du khách đều hạn chế đi lại do dịch bệnh nên các xe rơi vào tình cảnh nằm không. Chúng tôi phải cho tài xế nghỉ, khi nào có chuyến mới gọi chạy lại.
Còn theo ông Đặng Thái Phong, nhân viên điều hành nhà xe du lịch Hồng Phong (TP Tuy Hòa), nhà xe này bắt đầu kinh doanh từ năm 2007. Nếu bình thường thì ngoài các xe đã đầu tư, đơn vị còn huy động thêm xe của các cá nhân khác để phục vụ nhu cầu thuê xe của người dân. Tuy nhiên, từ khi xảy ra dịch COVID-19, dịch vụ cho thuê xe của cơ sở rơi vào tình trạng khó khăn. Nhiều khách hàng hủy hợp đồng hoặc nhà xe chủ động hủy hợp đồng để đảm bảo an toàn trong mùa dịch. Các xe nhà thì không chạy được, còn một số xe của các chủ khác kêu bán nhưng cũng không ai mua.
Quen với việc thuê xe đi du lịch, chị Lê Thị Mỹ Nga ở xã Bình Kiến, TP Tuy Hòa bày tỏ: Nếu không xảy ra dịch COVID-19, mùa hè này, gia đình tôi đã có một vài chuyến du lịch ngoài tỉnh. Còn với tình hình dịch bệnh bùng phát phức tạp, một số dịch vụ phải dừng hoạt động, thì kể cả thuê xe đi đến các điểm vui chơi trong tỉnh gia đình tôi cũng không dám. Mọi hoạt động của gia đình đa phần thực hiện tại nhà.
Cố cầm cự, chờ qua dịch
Có thể nói, cho thuê xe du lịch, taxi là những dịch vụ tiện ích, góp phần hỗ trợ phát triển du lịch, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân. Trong bối cảnh cả nước chung tay phòng chống dịch, các cơ sở kinh doanh dịch vụ này chấp nhận hoạt động cầm chừng. Theo ông Đặng Thái Phong, trước đây, nhà xe có 4 tài xế phụ trách chạy thường xuyên với mức lương khoảng 10 triệu đồng/tháng. Còn hiện tại, đơn vị chỉ bố trí được công việc cho 2 tài chạy vận tải, 2 tài khác phải tạm nghỉ. Xe không hoạt động nhưng nhà xe vẫn phải đóng các chi phí như thuế, phí đường bộ, bảo trì, bảo dưỡng xe định kỳ… nên rất khó khăn. Dù vậy, cơ sở vẫn cố gắng duy trì, chờ đến lúc dịch bệnh được khống chế, hoạt động của người dân trở lại bình thường.
Trong tình trạng khó khăn tương tự, bà Nguyễn Thị Thu Thúy, chủ cơ sở cho thuê xe du lịch Lý Anh Tuấn (TP Tuy Hòa) chia sẻ: Dù khó nhưng vì điều kiện bắt buộc của ngành nên chúng tôi vẫn thực hiện đúng quy định như sắp tới phải lắp camera hành trình, thiết bị thu phí tự động… Chúng tôi cũng bảo dưỡng xe liên tục, tìm cách xây dựng, nâng cao chất lượng dịch vụ để sẵn sàng phục vụ khách khi có nhu cầu. Đối với nhân viên, cơ sở đã tạm thời cho nghỉ đến khi dịch vụ hoạt động trở lại.
Qua khảo sát, hiện các hãng taxi trên địa bàn vẫn tiếp tục hoạt động nhằm duy trì việc làm cho nhân viên, giúp nhân viên có thu nhập, trang trải cuộc sống. Các cơ sở cũng thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 theo đúng quy định, trong đó có cơ sở đã tiêm vắc xin cho nhân viên, tài xế trực tiếp điều khiển xe để đề phòng lây nhiễm dịch bệnh.
KHANG ANH