Thứ Sáu, 24/01/2025 04:46 SA
Nâng cao hiệu quả, giá trị sản phẩm chăn nuôi
Thứ Ba, 15/06/2021 07:00 SA

Từ chương trình hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ, chất lượng đàn bò của tỉnh được cải thiện. Ảnh: NGUYỄN CHƯƠNG

Sau 4 năm triển khai, Chương trình hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ đã góp phần cải tạo chất lượng giống vật nuôi, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tăng hiệu quả sản xuất, từ đó thúc đẩy phát triển ngành Chăn nuôi của tỉnh.

 

Trao đổi với Báo Phú Yên xung quanh việc triển khai chương trình nói trên, ông Đào Lý Nhĩ, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh cho biết:

 

- Chương trình hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ giai đoạn 2015-2020 được thực hiện dựa trên Quyết định 50/2014 của Thủ tướng Chính phủ và các Thông tư của Bộ NN-PTNT, Bộ Tài chính. Tại Phú Yên, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 04/2015/QĐ-UBND quy định về định mức hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2015-2020. Căn cứ vào các quy định, mức hỗ trợ của Chính phủ và UBND tỉnh, Sở NN-PTNT tham mưu cho UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện chi tiết của từng năm.

 

Tại tỉnh Phú Yên, chương trình này được triển khai trong 4 năm từ 2017-2020 với 6 danh mục hỗ trợ cho người chăn nuôi nhỏ lẻ, nông hộ gồm: Hỗ trợ tinh bò đực giống, tinh heo đực giống, hầm biogas, đệm lót sinh học, đào tạo dẫn tinh viên; đối với những vùng đặc biệt khó khăn còn được hỗ trợ bò giống, heo giống và gà, vịt giống. Đặc biệt, tại Phú Yên, để tạo thuận lợi trong quá trình triển khai, kinh phí được rót về cho các địa phương trực tiếp thực hiện. Sở NN-PTNT và Sở Tài chính kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện của các địa phương.

 

Ông Đào Lý Nhĩ

* Chương trình hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ đã làm được những gì, thưa ông?

 

- Sau 4 năm triển khai chương trình này, Phú Yên đã thực hiện tất cả các hạng mục hỗ trợ theo Quyết định 50 của Thủ tướng Chính phủ cho các nông hộ chăn nuôi với tổng kinh phí gần 12 tỉ đồng. Theo đó, người chăn nuôi trong tỉnh đã được hỗ trợ 15.000 liều tinh heo và phối giống cho gần 8.400 heo nái; hỗ trợ 51.000 liều tinh bò giống các loại như Brahman, BBB, Charolaise…, thực hiện phối giống cho hơn 38.300 con bò cái. Người chăn nuôi còn được hỗ trợ kinh phí mua 15 heo đực giống, 103 con bò đực giống và hơn 4.800 con gia cầm giống. Từ chương trình này, 33 dẫn tinh viên được đào tạo; 338 hầm biogas và 49 mô hình đệm lót sinh học được hỗ trợ đầu tư, xây dựng.

 

* Ông đánh giá như thế nào về hiệu quả mà chương trình này mang lại cho ngành Chăn nuôi của tỉnh?

 

- Bình quân mỗi năm ngân sách tỉnh chi gần 3 tỉ đồng để triển khai chương trình này. Trong đó đầu tư mạnh vào việc cải tạo chất lượng con giống và xử lý chất thải bằng việc cấp miễn phí tinh giống để thụ tinh nhân tạo cho vật nuôi, hỗ trợ mua con giống và xây dựng các công trình xử lý chất thải. Qua 4 năm thực hiện, tỉ lệ đàn bò lai và heo lai được nâng lên rõ rệt. Hiện tỉ lệ đàn bò lai đạt 74%, tăng 6% so với trước đó. Không chỉ tỉ lệ đàn lai tăng mà tỉ lệ máu lai trong các giống bò lai cũng tăng rất mạnh; từ 25% đã tăng lên 37,5%, cá biệt có những vùng tỉ lệ máu lai trên 50% như huyện Tuy An, Phú Hòa. Khi vật nuôi có tỉ lệ máu lai cao thì tốc độ phát triển, tăng trưởng, cho thịt của vật nuôi cũng tăng. Ngoài ra, chương trình còn hỗ trợ đào tạo được 33 dẫn tinh viên, nâng tổng số dẫn tinh viên của toàn tỉnh lên 80 người. Đây là lực lượng đóng vai trò quan trọng, góp phần tích cực trong quá trình lai tạo, nâng cao chất lượng đàn vật nuôi, tăng hiệu quả chăn nuôi.

 

* Vậy theo ông, chương trình này có nên tiếp tục thực hiện?

 

- Hiện nay, nông nghiệp là ngành kinh tế quan trọng của tỉnh ta với tỉ trọng giá trị sản phẩm nông, lâm, thủy sản chiếm hơn 26% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Trong khi đó, việc chăn nuôi quy mô tập trung của tỉnh còn hạn chế, người dân chủ yếu phát triển chăn nuôi quy mô nhỏ, nông hộ chiếm hơn 70%. Các sản phẩm được tạo ra từ chăn nuôi nông hộ đang cung cấp nguồn thực phẩm tại chỗ, chủ động cho người dân địa phương. Cùng với đó, hình thức chăn nuôi này cũng góp phần duy trì và phát triển các giống vật nuôi bản địa, đặc sản có tính cạnh tranh cao của địa phương. Lực lượng tham gia sản xuất chủ yếu là các hộ nông dân với nguồn lực đầu tư thấp và khả năng ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật còn hạn chế. Thông qua chương trình hỗ trợ này, người dân được tiếp cận với những tiến bộ mới, ứng dụng vào sản xuất, góp phần tăng hiệu quả và giá trị mang lại, giúp người chăn nuôi nhỏ lẻ từng bước tiến đến chăn nuôi chuyên nghiệp theo hướng hàng hóa.

 

Chính vì những tác động, hiệu quả to lớn mà chương trình đã và sẽ mang lại, Phú Yên đã đề nghị Bộ NN-PTNT tham mưu cho Chính phủ tiếp tục thực hiện chính sách này trong giai đoạn 2021-2025. Cùng với đó cần điều chỉnh những bất cập, bổ sung thêm những chính sách mới phù hợp với thực tế của các địa phương.

 

* Xin cảm ơn ông!

 

THỦY TIÊN (thực hiện)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek