Hiện dịch bệnh viêm da nổi cục (VDNC) diễn biến rất phức tạp, tốc độ lây lan đang tăng nhanh, nguy cơ bùng phát rộng, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và nguồn cung thực phẩm của cả nước. Bộ NN-PTNT vừa tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc để tìm ra những giải pháp phòng chống hiệu quả dịch bệnh này.
Báo Phú Yên ghi nhận những ý kiến góp ý của các bộ, ngành và người chăn nuôi về vấn đề nói trên.
THỨ TRƯỞNG BỘ NN-PTNT PHÙNG ĐỨC TIẾN:
Tập trung nguồn lực để chống dịch
Từ thực tế phòng, chống bệnh VDNC trong thời gian qua cho thấy, ở các địa phương thực hiện tốt việc tiêm vắc xin phòng bệnh VDNC, đảm bảo tỉ lệ tiêm phòng đạt tối thiểu trên 80% tổng đàn, có thể ngăn chặn dịch bệnh hiệu quả. Tiêu biểu như các tỉnh Sơn La, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh…, số ổ dịch đã giảm rõ rệt từ 30-60% và không phát sinh thêm gia súc mắc bệnh sau khi tổ chức tiêm phòng vắc xin VDNC.
Vì vậy, nhằm nhanh chóng khống chế, không để dịch bệnh VDNC tiếp tục bùng phát lây lan trong thời gian tới thì các địa phương phải tập trung nguồn lực để triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch theo quy định; có kế hoạch và bố trí kinh phí để tổ chức phòng, chống dịch bệnh VDNC bao gồm kinh phí mua vắc xin để tiêm phòng, đảm bảo tỉ lệ tiêm phòng đạt tối thiểu 80% gia súc thuộc diện tiêm; chi trả công tiêm vắc xin, kinh phí mua thuốc diệt côn trùng.
Bên cạnh đó, các địa phương cần tổ chức giám sát, phát hiện sớm, kịp thời cảnh báo và xử lý triệt để các ổ dịch mới phát sinh, không để lây lan ra diện rộng; hướng dẫn chủ chăn nuôi trâu, bò tăng cường áp dụng các biện pháp chủ động phòng dịch; tổ chức tổng vệ sinh, sát trùng, tiêu độc môi trường. Ngoài ra, các địa phương cần tổ chức giám sát chặt chẽ việc tập kết, buôn bán trâu, bò và các sản phẩm từ trâu bò; xử lý nghiêm đối với các trường hợp vận chuyển, buôn bán trâu, bò qua biên giới không rõ nguồn gốc.
ÔNG NGUYỄN VĂN LONG, PHÓ CỤC TRƯỞNG CỤC THÚ Y (BỘ NN-PTNT):
Dịch bệnh ngày càng phức tạp
Bệnh VDNC phát hiện lần đầu tiên ở Zambia vào năm 1929, sau đó lây lan và lưu hành ở khắp các châu lục. Từ tháng 10/2020, bệnh đã xuất hiện tại nước ta và chỉ trong vòng 7 tháng, bệnh VDNC đã lây lan ra hơn 2.300 xã thuộc 32 tỉnh, thành; khiến hơn 60.100 con gia súc mắc bệnh, trong đó đã chết và buộc tiêu hủy gần 10.000 con.
Đặc biệt, tỉ lệ gia súc chết và tiêu hủy do bệnh VDNC cách đây một tuần chỉ khoảng 10% gia súc mắc bệnh, nhưng đến nay đã là 16%. Những con số trên cho thấy tốc độ lây lan và gây hại của dịch bệnh đang tăng dần, nếu không có biện pháp phòng dịch hiệu quả thì dịch bệnh có nguy cơ bùng phát trên cả nước, ảnh hưởng lớn đến ngành chăn nuôi của nước ta và gây thiệt hại kinh tế vô cùng lớn đối với người chăn nuôi.
Điều kiện thời tiết chuyển mùa ở nhiều địa phương như hiện nay rất thuận lợi cho các vật chủ trung gian truyền bệnh (ruồi, muỗi, ve, mòng…) phát triển nên nguy cơ dịch bệnh VDNC tiếp tục phát sinh và lây lan rộng trong thời gian tới là rất cao. Để tạo thuận lợi cho việc chống dịch, Cục Thú y sẽ rà soát, bổ sung bệnh VDNC vào danh mục bệnh động vật phải công bố dịch và là đối tượng kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật.
Cùng với đó, các cán bộ từ cục sẽ tiếp tục có mặt ở các địa phương để hỗ trợ chống dịch; phối hợp cùng Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) cấp phát tờ rơi về tình hình và biện pháp phòng chống VDNC cho người chăn nuôi; kiểm nghiệm, khảo nghiệm để đánh giá hiệu lực và cho phép lưu hành các loại vắc xin phòng bệnh VDNC…
CHI CỤC TRƯỞNG CHI CỤC CHĂN NUÔI VÀ THÚ Y TỈNH NGUYỄN VĂN LÂM:
Chủ động phòng ngừa, không để lây lan vào địa bàn
Phú Yên là một trong những địa phương có đàn trâu, bò lớn trong khu vực với tổng đàn khoảng 172.000 con. Từ cuối năm ngoái đến nay, khi bệnh VDNC xảy ra ở nhiều tỉnh thành trong cả nước, chi cục đã triển khai nhiều giải pháp kiểm soát nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây nhiễm vào tỉnh. Hiện nay, dịch bệnh VDNC đang “áp sát” tỉnh ta khi Bình Định, Kon Tum, Quảng Ngãi lần lượt xuất hiện nhiều ổ dịch VDNC trên đàn bò nên nguy cơ dịch bệnh lây nhiễm vào tỉnh là rất cao.
Để tiếp tục duy trì trạng thái an toàn cho đàn vật nuôi như hiện nay, ngành Thú y Phú Yên tăng cường việc giám sát dịch bệnh thông qua hoạt động kiểm soát động vật và sản phẩm động vật nhập về tỉnh, không để nguồn bệnh lây nhiễm từ ngoài vào. Đồng thời, chi cục có văn bản trình Sở NN-PTNT để tham mưu UBND tỉnh cho phép thành lập 2 chốt kiểm dịch động vật tạm thời tại cầu Bình Phú (TX Sông Cầu) và xã Xuân Lãnh (huyện Đồng Xuân) nhằm kiểm soát việc vận chuyển động vật từ Bình Định về.
Ngoài ra, chi cục cũng đã chủ động nguồn vắc xin phòng VDNC và phân phối về cho các trạm Chăn nuôi và Thú y địa phương để cung cấp cho người chăn nuôi. Đến nay, người dân đã chủ động mua và tiêm phòng được gần 300 liều vắc xin VDNC.
Thời gian tới, các huyện, thị xã, thành phố cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân chủ động tiêm ngừa vắc xin VDNC để “bảo hộ” gia súc. Người chăn nuôi có thể sử dụng các loại hóa chất như Iodine, virkon… pha loãng để phun tiêu độc môi trường khu vực chăn nuôi định kỳ 2 lần/tuần. |
Ông Trần Hòa, xã Hòa An (huyện Phú Hòa):
Nghiêm túc thực hiện biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học
Tình hình dịch bệnh VDNC đang xảy ra tại các tỉnh lân cận khiến nhiều đàn gia súc phải tiêu hủy, làm cho người chăn nuôi vô cùng lo ngại bởi đây là lần đầu tiên chúng tôi nghe và biết đến bệnh VDNC ở trâu, bò. Hầu hết bà con đều không có kinh nghiệm nhận biết, phòng ngừa và chữa trị gia súc bị bệnh này nên nếu dịch bệnh xảy ra thì nguy cơ lây lan và thiệt hại sẽ rất lớn. Đối với những hộ làm nông như gia đình tôi thì đàn bò là toàn bộ gia sản, nếu có rủi ro gì coi như trắng tay, vì vậy hiện nay việc đảm bảo an toàn cho đàn vật nuôi được đặt lên hàng đầu.
Trong điều kiện của mình, gia đình đang thực hiện nghiêm túc các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học như thực hiện tốt việc vệ sinh môi trường, thu gom và xử lý chất thải, tiêu độc môi trường bằng vôi bột và hóa chất, tiêm phòng vắc xin, phun thuốc diệt ruồi, muỗi, ve, mòng, không chăn thả rông...
Rất may, đến nay tỉnh ta vẫn chưa xảy ra dịch bệnh VDNC này, đàn gia súc vẫn được an toàn. Thời gian tới, người chăn nuôi chúng tôi mong muốn các cơ quan chức năng có biện pháp lập “hàng rào” bảo vệ an toàn cho đàn vật nuôi của tỉnh, không để mầm bệnh VDNC từ các tỉnh, thành khác lây nhiễm vào, gây hại đến đàn trâu, bò của địa phương.
UBND tỉnh vừa có công văn yêu cầu các địa phương và đơn vị liên quan tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp kiểm soát phòng, chống bệnh VDNC trên trâu, bò. Theo đó, Sở NN-PTNT chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện tốt biện pháp phòng chống dịch bệnh VDNC. Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh tăng cường kiểm dịch động vật, chỉ tiếp nhận trâu, bò nhập vào tỉnh có nguồn gốc rõ ràng và xuất phát từ vùng chưa có dịch bệnh VDNC; chủ động giám sát, lấy mẫu xét nghiệm VDNC để có thể phát hiện sớm và xử lý dập ngay các ổ dịch (nếu có).
Các huyện, thị xã, thành phố phải tập trung kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh VDNC tại địa phương; khi nghi ngờ bò bệnh VDNC thì báo ngay cho cơ quan thú y để lấy mẫu xét nghiệm; đồng thời nhanh chóng củng cố, khôi phục tổ kiểm tra liên ngành để kiểm tra, xử lý các trường hợp vận chuyển, mua bán, giết mổ, tiêu thụ trâu, bò và sản phẩm không rõ nguồn gốc… |
THỦY TIÊN (ghi)