“Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi (SXKDG), đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” là một trong ba phong trào lớn của tổ chức hội nông dân, đồng thời cũng là nội dung thi đua quan trọng, xuyên suốt trong quá trình hoạt động của hội.
Theo Hội Nông dân tỉnh, thời gian qua, phong trào đã thu hút đông đảo cán bộ, hội viên, nông dân tham gia, giúp nhiều hộ tăng mức thu nhập, làm giàu chính đáng, giảm nghèo, góp phần thay đổi diện mạo kinh tế - xã hội ở khu vực nông thôn.
Năng động phát triển kinh tế
Trong 5 năm qua, từ phong trào thi đua SXKDG đã có 190.031 lượt hộ đăng ký và có 120.059 lượt hộ đạt danh hiệu SXKDG các cấp; các cấp hội hỗ trợ vốn, cây, con giống giúp đỡ hơn 7.778 hộ nghèo, đã có 5.254 hộ vươn lên thoát nghèo, trong đó có 3.216 hộ vượt nghèo trở thành hộ SXKDG các cấp; xây dựng được 9 chi hội, 111 tổ hội nghề nghiệp và 3 tổ hợp tác. |
Có thể khẳng định phong trào đã góp phần nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của nông dân ở tất cả các địa phương trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Qua thực hiện phong trào, nhiều nông dân vươn lên làm giàu chính đáng.
Nhờ chính sách hỗ trợ vốn và khuyến khích phát triển sản xuất của Hội Nông dân tạo điều kiện, ông Lê Xuân Viện ở thôn Xuân Trung, xã An Xuân, huyện Tuy An nhiều lần được tham quan thực tế các mô hình trang trại nuôi heo, bò ở các địa phương trong tỉnh.
Năm 2013, ông quyết định vay vốn, đầu tư xây dựng chuồng trại nuôi 20 con heo rừng thương phẩm theo hướng liên kết, tận dụng quỹ đất có sẵn và nguồn phân heo dư thừa để đào ao nuôi cá và trồng cỏ nuôi 10 con bò cái giống. Bên cạnh chăn nuôi heo, bò, gia đình ông Viện còn đầu tư mua máy làm đất, máy bơm nước để làm hệ thống tưới nhỏ giọt cho 3ha cây ăn quả (2ha mít, bơ và 1ha sầu riêng).
Ngoài ra, ông Viện còn trồng 3ha mía, 5ha keo và xen canh dưa leo, bắp, các loại cà… để lấy ngắn nuôi dài. Hiện quy mô trang trại của gia đình ông Viện ngày càng phát triển, tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động và 10-15 lao động thời vụ, đều là người địa phương.
“Từ hai bàn tay trắng, được các cấp Hội Nông dân hỗ trợ và khuyến khích phát triển sản xuất nên vợ chồng tôi kết hợp vườn, ao, chuồng và trồng các cây ăn quả mang lại nguồn thu nhập mỗi năm trên 500 triệu đồng”, ông Viện cho biết.
Anh Kiều Văn Đức ở thôn Giai Sơn, xã An Mỹ, huyện Tuy An, tận dụng đất vườn xung quanh nhà để chăn nuôi và trồng trọt; năm 2013, gia đình anh xây và nuôi thử 4 hồ cá lóc, cá trê lai. Trong quá trình nuôi cá nước ngọt, anh Đức được tham gia các lớp tập huấn, trong đó có nuôi cá chình bông thương phẩm trong hồ xi măng.
Năm 2015, Hội Nông dân xã An Mỹ triển khai mô hình nuôi cá chình bông thương phẩm tại xã nên anh và các hộ trong thôn đăng ký tham gia. Những hộ tham gia mô hình được hỗ trợ 50% chi phí con giống và thức ăn…
“Gia đình tôi được hỗ trợ 400 con chình giống thả nuôi với diện tích 180m2. Sau 2 năm nuôi kết thúc, thấy mô hình nuôi chình bông đạt hiệu quả kinh tế cao nên tôi tiếp tục mở rộng. Hiện tại, cá chình được thương lái mua với giá từ 450.000-500.000 đồng/kg, bình quân thu lãi hơn 300 triệu đồng/năm.
Ngoài nuôi cá lóc, cá trê, tôi đang thả nuôi hơn 700 con chình bông. Hiện mô hình nuôi cá chình bông của gia đình tôi trở thành địa chỉ tin cậy để nhiều người tham quan, học tập kinh nghiệm và mua con giống…”, anh Đức nói.
Khích lệ phong trào
Ông Phan Đại Thắng, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nông dân tỉnh, cho biết: “Để phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất nông sản an toàn, bền vững, hàng năm, Hội Nông dân tỉnh đều xây dựng kế hoạch phát động phong trào. Đồng thời triển khai sâu rộng trong cán bộ, hội viên và nông dân; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hộ hội viên, nông dân đăng ký; ra sức thi đua lao động, sản xuất, quyết tâm giảm nghèo, vươn lên khá, giàu”.
Hội Nông dân tỉnh còn phối hợp với Sở NN-PTNT, các ban ngành liên quan tổ chức tập huấn khuyến nông, khuyến ngư, các mô hình trình diễn, tổ chức hướng dẫn, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật và công nghệ về chăn nuôi, trồng trọt, cách phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi; tập huấn về an toàn vệ sinh thực phẩm; tổ chức hội thảo về canh tác lúa trên cánh đồng lớn, hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, sử dụng phân vi sinh trong trồng trọt an toàn.
Đặc biệt từ năm 2020 đến nay, các cấp hội chú trọng hơn đến việc triển khai nhiều hình thức hỗ trợ nông dân. Thực hiện phương châm vận động đi đôi với hỗ trợ, từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân đã giải ngân 23 dự án cho 272 hộ vay với số tiền 10 tỉ đồng. Nhiều mô hình hiệu quả từ dự án được nhân rộng như: chăn nuôi bò vỗ béo, nuôi heo sinh sản, chăm sóc cây ăn quả, nuôi tôm càng xanh kết hợp trồng lúa…
“Thời gian tới, hội nông dân các cấp tiếp tục tuyên truyền, vận động hội viên xây dựng vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, gắn với xây dựng thương hiệu nông sản, thực phẩm an toàn; khuyến khích các mô hình kinh tế phát triển được tiềm năng, lợi thế của địa phương; tạo điều kiện về vốn vay để nông dân mạnh dạn triển khai những mô hình mới; phát huy vai trò là cầu nối giữa hội viên với doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm cho nông dân”, ông Thắng khẳng định.
NGỌC HÂN