Tiết kiệm chi phí, thời gian, giải quyết tình trạng thiếu nhân công mùa vụ… là những hiệu quả mà việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp mang lại cho bà con nông dân thời gian qua. Với những hiệu quả này, ngành Nông nghiệp tỉnh tiếp tục đẩy mạnh cơ giới hóa trong suốt quá trình canh tác.
Hiệu quả kinh tế
Những ngày cuối tháng 4, trên cánh đồng lúa rộng lớn dọc tuyến ĐH22 qua xã Hòa Quang Bắc (huyện Phú Hòa), lúa đông xuân đang kỳ chín rộ, dưới đồng nhiều máy gặt đập liên hợp đang tích cực thu hoạch để bà con hong phơi kịp nắng. Bà Nguyễn Thị Mỹ Lệ ở xã này cho biết: Nhiều năm nay rồi, toàn bộ khu đồng này không còn ai thu hoạch thủ công nữa, bà con đều thuê máy để thu vừa nhanh, vừa hiệu quả lại tiết kiệm chi phí. Vụ này gia đình tôi sản xuất 1,2 mẫu (1 mẫu: 5.000m2) chỉ thu hoạch trong một buổi sáng là xong, rồi đưa xe ra tận ruộng chở lúa về phơi. Còn lúc trước thu hoạch bằng tay thì phải mất mấy ngày, rồi phải tăng bo đưa lúa bó lên đường mới tuốt được.
Còn theo ông Trần Văn Chinh ở xã Hòa Quang Nam (huyện Phú Hòa), trước đây, muốn thu hoạch 1 sào lúa phải mất 3 công nhật (công ngày) cộng thêm gần 50.000 đồng tiền tuốt nữa, tổng chi phí thu hoạch mỗi sào lúa tốn khoảng 500.000 đồng. Còn giờ chi phí vừa cắt vừa tuốt bằng máy gặt đập liên hợp chỉ tốn 120.000 đồng/sào, tiết kiệm được rất nhiều, đây là lợi ích lớn nhất mà việc cơ giới hóa mang lại.
Ngoài khâu thu hoạch, hiện nay các công đoạn khác trong sản xuất lúa cũng đang được cơ giới như làm đất, gieo hạt, vận chuyển… Ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Hòa, cho biết: Tổng diện tích sản xuất lúa của huyện khoảng 5.500ha/vụ. Nhiều năm gần đây, nông dân địa phương đẩy mạnh cơ giới hóa trong các khâu sản xuất lúa. Hầu hết các công đoạn trong quá trình sản xuất đã được cơ giới hóa với tỉ lệ cao, khâu làm đất đạt 100%, khâu thu hoạch khoảng 98%, khâu gieo sạ khoảng 40%.
Không chỉ cây lúa, cơ giới còn được ứng dụng rộng rãi trong sản xuất các loại cây công nghiệp ngắn ngày, dài ngày, cây ăn quả, hoa màu… Ông Trương Thái Hòa ở xã Ea Chà Rang (huyện Sơn Hòa) cho hay: Lâu nay bà con trồng mía chỉ mới cơ giới hóa các khâu làm đất, bỏ phân, làm cỏ và vận chuyển mía. Riêng vụ mía này, Nhà máy đường KCP đã đưa máy thu hoạch về hỗ trợ thu mía cho bà con. So với chặt thủ công, thu hoạch bằng máy tiết kiệm nhiều chi phí. Cụ thể, mía thu bằng máy chỉ tốn 190.000 đồng/tấn, tiết kiệm được 60.000 đồng/tấn so với chặt tay, lại tăng năng suất thêm 3 tấn/ha (nhờ máy chặt mía sát gốc).
Tiến tới cơ giới hóa đồng bộ
Theo Sở NN-PTNT, ứng dụng cơ giới hóa bước đầu đã giúp giải phóng sức lao động của con người, đảm bảo đúng thời vụ, tiết kiệm thời gian và chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế. Tại Phú Yên, cơ giới hóa được ứng dụng ở một số khâu trong quá trình sản xuất và ở một số loại cây trồng trọng tâm như lúa, mía, sắn. Để tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất, ngành Nông nghiệp và các địa phương đã tích cực hỗ trợ nông dân trong việc giới thiệu các nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư máy móc cơ giới theo Quyết định 68/2013/QĐ-TTg.
Ngoài ra, các đơn vị, địa phương còn phối hợp với các công ty sản xuất, cung ứng máy nông nghiệp hỗ trợ nông dân mua máy móc, thiết bị cơ giới; trong đó, ưu tiên cho loại máy gặt đập liên hợp, máy kéo và giàn công tác phục vụ cơ giới hóa khâu làm đất, trồng sắn và mía.
Ông Lê Văn Trung ở xã Hòa Quang Bắc cho biết: Năm 2019, gia đình tôi vay 400 triệu đồng từ Ngân hàng NN-PTNT chi nhánh huyện Phú Hòa để mua 1 máy gặt đập liên hợp làm dịch vụ thu hoạch lúa. Hiện tôi tham gia cắt lúa ở hầu hết các cánh đồng của huyện và các địa bàn lân cận, đóng góp vào quá trình cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp của địa phương.
Cùng với đó, ngành Nông nghiệp tỉnh đã triển khai rất nhiều mô hình cơ giới hóa vào sản xuất như mô hình hỗ trợ máy cuốn rơm, mô hình ứng dụng cơ giới hóa từ khâu sản xuất đến thu hoạch ở cây mía, mô hình phun thuốc, bón phân bằng máy bay không người lái… Qua đó giúp người dân tiếp cận với nhiều loại thiết bị cơ giới hiện đại, hiệu quả để chuyển đổi phương thức canh tác, đẩy mạnh cơ giới hóa vào sản xuất ở tất cả các khâu.
Ông Phạm Ngọc Huệ ở xã Sơn Phước (huyện Sơn Hòa) cho biết: Vụ mía vừa rồi tôi tham gia mô hình ứng dụng cơ giới hóa từ khâu sản xuất đến thu hoạch ở cây mía, từ công đoạn đầu tiên đến khâu cuối cùng trong quá trình sản xuất đều được làm bằng máy móc cơ giới. Cụ thể, ban đầu chúng tôi sử dụng máy làm đất đa năng để cày đất, rạch hàng, xuống giống. Sau đó tiếp tục sử dụng máy này để làm cỏ. Mía cũng được tưới và bón phân bằng hệ thống tưới tự động, sau đó lại được thu hoạch bằng máy và vận chuyển về nhà máy bằng xe. Cơ giới hóa giúp giải phóng sức lao động, tiết kiệm thời gian và chi phí nên hiệu quả được nâng cao.
Thời gian tới, ngành Nông nghiệp tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa, tiến tới cơ giới hóa đồng bộ trong suốt quá trình sản xuất từ khâu gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch đến chế biến. Để làm được điều này, việc ưu tiên cần thực hiện đó là dồn điền đổi thửa tạo nên những cánh đồng mẫu lớn. Ngành sẽ tiếp tục kết nối để bà con có vốn đầu tư máy móc cơ giới; triển khai thêm nhiều dự án, mô hình cho người dân tham gia học tập; kêu gọi các nhà đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp để tạo đòn bẩy bứt phá cho ngành Nông nghiệp…
Ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN-PTNT |
THỦY TIÊN