Thứ Hai, 03/02/2025 06:43 SA
Phòng bệnh cho đàn gia súc:
Kiểm soát đầu vào, siết chặt nguồn lây bệnh  
Thứ Bảy, 10/04/2021 09:51 SA

Hiện nay, bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò đang bùng phát, lây lan nhanh ở nhiều tỉnh thành trong cả nước. Báo Phú Yên trao đổi với ông Nguyễn Văn Lâm, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh xung quanh việc phòng ngừa dịch bệnh nguy hiểm này “tấn công” vào đàn gia súc của tỉnh. Ông Nguyễn Văn Lâm cho biết:

 

Ông Nguyễn Văn Lâm

- Bệnh viêm da nổi cục (VDNC) hay còn gọi là bệnh da sần là bệnh truyền nhiễm do một loại virus thuộc họ Poxviridae gây ra trên trâu, bò. Virus này không gây bệnh cho người. Trâu, bò mắc bệnh này thường có thời gian ủ bệnh từ 4-14 ngày; sau đó sẽ phát ra ngoài với các triệu chứng như: sốt cao có thể trên 410C, bỏ ăn, suy nhược và gầy yếu, viêm mũi, viêm kết mạc và tiết nhiều nước bọt, sưng hạch bạch huyết bề mặt.

 

Khoảng 48 giờ từ khi bị sốt, trên cơ thể vật nuôi sẽ xuất hiện các nốt sần hình tròn, đường kính từ 2-5cm, các nốt sần này cứng và nhô cao trên da, mô dưới da, tập trung nhiều ở da đầu, cổ, chân, bầu vú, cơ quan sinh dục… Trâu, bò mắc bệnh sẽ bị giảm khả năng sinh sản, giảm sữa, sẩy thai, tổn thương da, giảm tăng trọng và có thể chết, tỉ lệ mắc bệnh từ 10-20%, tỉ lệ gia súc chết khoảng 1-5%.

 

Bệnh VDNC trên trâu, bò xuất hiện ở nước ta từ tháng 10/2020. Đến ngày 1/4/2021, cả nước có 492 ổ dịch tại 95 huyện của 20 tỉnh chưa qua 21 ngày. Tại những địa phương này đã có 11.242 con trâu, bò bị nhiễm bệnh, trong đó buộc tiêu hủy 719 con.

 

* Đường lây truyền chính và cách tiêu diệt virus gây bệnh này là gì, thưa ông?

 

- Đường truyền lây bệnh VDNC chủ yếu qua côn trùng đốt như muỗi, ruồi, ve…; bệnh cũng có thể lây truyền do vận chuyển, sử dụng chung máng uống, khu vực cho ăn, sữa, tinh dịch và qua tiếp xúc trực tiếp vì các nốt sần, vảy da chứa một lượng virus VDNC tương đối cao. Dịch bệnh này thường xảy ra theo mùa, chủ yếu vào những tháng ấm, khi côn trùng hoạt động mạnh và phong phú nhất.

 

Hiện các hóa chất có thể tiêu diệt virus VDNC gồm: ether (20%), chloroform, formalin (1%), phenol (2% trong 15 phút), sodium hypochlorite (2-3%), hợp chất iodine (pha loãng 1:33), virkon (2%), hợp chất amoni bậc bốn (0,5%) và một số chất tẩy rửa như sodium dodecyl sulphate.

 

* Ngành chức năng đã triển khai những biện pháp gì để ngăn chặn dịch bệnh nguy hiểm này lây nhiễm vào tỉnh ta?

 

- Sau một thời gian ngắn bùng phát, bệnh VDNC đã lây lan ra rất nhiều tỉnh thành. Đặc biệt, bệnh đã xuất hiện tại một số tỉnh miền Trung như Quảng Nam, Quảng Ngãi nên nguy cơ lây nhiễm vào Phú Yên là rất lớn. Xác định đây là loại dịch bệnh nguy hiểm, nếu xảy ra sẽ gây thiệt hại lớn về kinh tế, vì vậy ngành Thú y đang tập trung kiểm soát chặt đầu vào, ngăn chặn không cho mầm bệnh từ bên ngoài lây nhiễm vào tỉnh.

 

Hiện chi cục tăng cường kiểm soát việc vận chuyển động vật và các sản phẩm động vật, đặc biệt là trâu, bò từ các tỉnh ngoài vào tại Trạm kiểm dịch động vật Hảo Sơn (TX Đông Hòa) và phối hợp các địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật lưu thông.

 

Riêng động vật, sản phẩm động vật tại các vùng đang có dịch bệnh VDNC hay các loại dịch bệnh khác sẽ không được nhập vào tỉnh. Gia súc nhập vào tỉnh phải có đầy đủ giấy tờ kiểm dịch, tiêm phòng… theo quy định và phải được nuôi nhốt cách ly để theo dõi. Nếu sau thời gian này, gia súc vẫn khỏe mạnh thì mới được nhập đàn. Ngoài ra, các địa phương cũng đã thực hiện tốt công tác phun thuốc tiêu độc, sát trùng môi trường khu vực chăn nuôi để tiêu diệt, hạn chế mầm bệnh phát sinh.

 

* Người chăn nuôi nên làm gì trong lúc này, thưa ông?

 

- Nếu dịch bệnh xảy ra, người chăn nuôi là đối tượng chịu thiệt hại đầu tiên, vì vậy bà con phải chủ động phòng ngừa, nâng cao ý thức cảnh giác với dịch bệnh, nhất là loại bệnh mới như VDNC. Trong tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp như hiện nay, bà con không nên tăng đàn, nhập giống từ ngoài tỉnh về vì nguy cơ phát sinh dịch bệnh rất cao; chủ động tiêm vắc xin phòng bệnh VDNC cho đàn trâu, bò (vắc xin có bán tại chi cục, các trạm chăn nuôi và thú y huyện, thị xã, thành phố).

 

Người chăn nuôi cũng nên thường xuyên vệ sinh, khử trùng chuồng trại, có thể sử dụng các loại hóa chất diệt ruồi, muỗi phun quanh khu vực chuồng trại để tiêu diệt vật trung gian truyền bệnh. Đồng thời, bà con cần quan tâm bổ sung dinh dưỡng cho gia súc để nâng cao sức khỏe, tăng sức đề kháng. Khi phát hiện gia súc bệnh, nghi mắc bệnh VDNC cũng như các bệnh nguy hiểm khác thì báo cáo kịp thời cho chính quyền, cơ quan thú y theo đúng quy định.

 

* Hiện nhiều người tiêu dùng e ngại với dịch bệnh nên quay lưng với thịt bò. Ông có ý kiến gì về việc này?

 

 

- Hiện nay đàn trâu, bò của tỉnh chưa xuất hiện bệnh VDNC, một số nhỏ đàn bò đang bị bệnh lở mồm long móng, tuy nhiên virus gây các bệnh này không lây nhiễm và không gây bệnh trên người. Cùng với đó, lúc này, ngành cũng đang kiểm soát chặt việc mua bán, vận chuyển và giết mổ gia súc trên địa bàn, không để xảy ra tình trạng giết mổ, đưa thịt gia súc bệnh ra thị trường nên người tiêu dùng có thể an tâm sử dụng các loại thực phẩm từ thịt bò. Bà con có thể chọn mua thịt đã được thú y kiểm dịch, bán tại các cửa hàng uy tín để đảm bảo chất lượng. 

 

* Xin cảm ơn ông! 

THỦY TIÊN (thực hiện)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek