Tiền là gì, làm thế nào để kiếm tiền khi còn nhỏ, làm thế nào để có thể tiết kiệm được tiền… Những câu hỏi này được các giảng viên, sinh viên của Học viện Ngân hàng - Phân viện Phú Yên đưa ra tại chương trình “Giáo dục tài chính cá nhân cho trẻ em nông thôn” được tổ chức mới đây tại xã Hòa Kiến, TP Tuy Hòa.
Chương trình nói trên nhằm giúp các em nhỏ hiểu rõ hơn về giá trị của tiền và biết lập kế hoạch chi tiêu, sử dụng, tiết kiệm tiền hợp lý để nuôi dưỡng ước mơ trong tương lai.
Tiền là gì?
Chương trình “Giáo dục tài chính cá nhân cho trẻ em nông thôn” được Đoàn Học viện Ngân hàng - Phân viện Phú Yên tổ chức mới đây tại xã Hòa Kiến, thu hút 80 trẻ em tham gia. Trong thời gian 3 buổi, các em được giảng viên, sinh viên của Học viện Ngân hàng - Phân viện Phú Yên cung cấp những kiến thức cơ bản về tiền và cách sử dụng tiền hợp lý.
Bên cạnh đó, thông qua các trò chơi mang tính giáo dục như: Tiền là gì, làm thế nào để kiếm tiền khi còn nhỏ, làm thế nào để có thể tiết kiệm được tiền… các em sẽ hiểu rõ hơn về giá trị của tiền và biết lập kế hoạch chi tiêu, sử dụng, tiết kiệm tiền.
Hào hứng tham gia các trò chơi và thay mặt nhóm của mình thuyết trình về kế hoạch sử dụng tiền, em Võ Lê Minh Hào ở thôn Xuân Hòa, xã Hòa Kiến cho hay: Trước đây, em chỉ biết mình thích gì thì xin tiền ba mẹ mua cái đó; còn sau khi học qua chương trình này, em biết chi tiêu có kế hoạch hơn, biết sắp xếp theo thứ tự cái gì rất cần, cần, không cần. Theo đó, cái gì rất cần mới mua, cái gì cần thì có thể để hôm sau mua, còn không cần thì dù có thích vẫn không mua.
Còn em Phạm Tấn Vinh ở thôn Minh Đức, xã Hòa Kiến, chia sẻ: Lâu nay có tiền thì em sẽ mua bánh kẹo hoặc thứ mình thích; còn nay, mỗi khi có tiền em chỉ tiêu một ít thôi, còn lại để dành nhét heo đất.
Đồng hành cùng con trong suốt thời gian diễn ra chương trình, chị Đỗ Thị Hồng Linh ở thôn Minh Đức bộc bạch: Chương trình như thế này rất hay, giúp các cháu biết chi tiêu hợp lý, tiết kiệm tiền cho những khi cần thiết. Tôi hy vọng khi có được những kiến thức về tiền, sau này các cháu lớn lên sẽ không chi tiêu hoang phí.
Được biết trước đây, Học viện Ngân hàng - Phân viện Phú Yên đã tổ chức rất nhiều lớp giáo dục tài chính cho các đối tượng như học sinh THPT, phụ nữ nông thôn, nông dân. Đây là lần đầu tiên đơn vị này mở lớp giáo dục tài chính cho trẻ em vùng nông thôn.
“Tiền gắn liền với cuộc sống của con người, ngay từ khi còn nhỏ chứ không đợi đến lứa tuổi THPT hay sinh viên, các em mới cần kiến thức về tiền. Do đó, chúng tôi quyết định mở khóa đào tạo giáo dục tài chính cá nhân cho trẻ em, trước hết là ở nông thôn để giúp các em hình thành thói quen, cách ứng xử văn minh liên quan đến tiền”, TS Trần Thanh Long, Phó Giám đốc Học viện Ngân hàng - Phân viện Phú Yên nói.
Hình thành thói quen tiết kiệm tiền
TS Trần Thanh Long cho biết: Sau khi tổ chức nhiều lớp học về giáo dục tài chính cá nhân, chúng tôi vẫn lăn tăn câu chuyện hiệu quả sau những buổi học đó như thế nào, liệu rằng các học viên có còn nhớ và có thể áp dụng kiến thức đã học trong đời sống hay không. Xuất phát từ những trăn trở đó, lần này, chúng tôi sẽ kiểm chứng kết quả đào tạo của mình bằng cách quay lại sau 2 tháng (cuối tháng 5/2021) để xem những kỹ năng, kiến thức, thái độ hành vi của các em liên quan đến tiền có thay đổi hay không.
Các em nhỏ thuyết trình về kế hoạch tài chính cá nhân tại chương trình. Ảnh: LÊ HẢO |
Cụ thể, ở chương trình lần này, ban tổ chức sẽ tặng mỗi em nhỏ 1 heo đất để thực hiện tiết kiệm. Các em phải đăng ký mục tiêu và viết kế hoạch tiết kiệm để nộp lại cho ban tổ chức. Vào cuối tháng 5/2021, ban tổ chức sẽ đánh giá kết quả chương trình, tổ chức đập heo, kiểm tra số tiền trong heo đất, so sánh với bảng kế hoạch tiết kiệm của từng em để các em đánh giá quá trình tiết kiệm của bản thân và rút ra bài học kinh nghiệm về sau.
Theo TS Trần Thanh Long, trong thực tế cuộc sống, nhiều người cũng đặt ra mục tiêu, kế hoạch tiết kiệm nhưng vì nhiều lý do không thể thực hiện được hành vi đã lên kế hoạch, từ đó sinh ra chán nản, xa rời mục tiêu tiết kiệm và từ bỏ luôn thói quen tiết kiệm. Thông qua lớp học này, Học viện Ngân hàng - Phân viện Phú Yên mong muốn giúp các em hình thành được đầy đủ các kỹ năng từ xây dựng mục tiêu, kế hoạch tiết kiệm đến cách để quay lại mục tiêu tiết kiệm khi gặp những bất trắc trong cuộc sống.
Chúng tôi cho rằng, thành công của chương trình 50% từ phía nhà trường, 50% còn lại hoặc hơn thế nữa là từ phía học sinh. Chưa kể, nếu phụ huynh học sinh hiểu về chương trình, tham gia với đơn vị để đồng hành cùng con cái trong quá trình xây dựng kiến thức về tài chính cá nhân, tạo môi trường, động lực cho con em mình thực hiện kế hoạch tiết kiệm thì sẽ đạt được mục tiêu đề ra. TS Trần Thanh Long, Phó Giám đốc Học viện Ngân hàng - Phân viện Phú Yên |
LÊ HẢO