Thực hiện Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 1/1/2021 của Chính phủ, UBND tỉnh vừa ban hành Chương trình hành động 02/CTr-UBND về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2021.
Mục tiêu chương trình hành động này nhằm tạo điều kiện phát triển mạnh kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế. Khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi sang loại hình doanh nghiệp. Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chính sách, giải pháp hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp. Tạo điều kiện phát triển một số tập đoàn kinh tế tư nhân, một số doanh nghiệp lớn, có thương hiệu, uy tín trong khu vực và cả nước, tạo động lực, liên kết thúc đẩy các doanh nghiệp trong tỉnh phát triển; phấn đấu có 3-5 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nằm trong nhóm 20 doanh nghiệp lớn mạnh của cả nước trên một số lĩnh vực; trong năm 2021 thành lập mới khoảng 500 doanh nghiệp.
Nhìn lại năm 2020, trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, tác động tiêu cực đến mọi hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân; nhiều doanh nghiệp phải hoạt động cầm chừng, thậm chí tạm dừng hoạt động, nhưng nhờ sự vào cuộc kịp thời, quyết liệt của Chính phủ và của tỉnh như: triển khai gói hỗ trợ hàng chục ngàn tỉ đồng, giảm lãi suất vay, giãn và giảm thuế, đẩy nhanh các thủ tục thông quan, hỗ trợ doanh nghiệp xuất nhập khẩu… nên nhiều doanh nghiệp trong tỉnh dần hồi phục sản xuất, kinh doanh có lãi trở lại; tạo đà cho giai đoạn phát triển mới năm 2021 và những năm tiếp theo.
Để Chương trình hành động 02/CTr-UBND sớm đi vào cuộc sống, đòi hỏi các sở, ban ngành, địa phương tập trung thực hiện mạnh mẽ chuyển đổi số trong quản lý nhà nước, hướng tới xây dựng chính quyền số, triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện các chỉ số khởi sự kinh doanh, cấp phép xây dựng và các thủ tục liên quan, tiếp cận điện năng, đăng ký sở hữu và sử dụng tài sản, nộp thuế và bảo hiểm xã hội; giảm tối đa số lần thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp, kể cả thanh tra, kiểm tra chuyên ngành; khuyến khích doanh nghiệp cơ cấu lại sản xuất, kinh doanh hướng tới phát triển bền vững.
Dịch bệnh COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, khó khăn đối với nền kinh tế nói chung, các doanh nghiệp nói riêng đã được nhìn thấy. Làm sao để 3.500 doanh nghiệp của tỉnh đang hoạt động vẫn duy trì được sản xuất và từng bước phát triển; làm thế nào để có khoảng 500 doanh nghiệp được thành lập mới như chương trình hành động đề ra là nhiệm vụ hết sức nặng nề. Để “nuôi dưỡng” doanh nghiệp sống khỏe, đóng góp vào sự phát triển của tỉnh, ngay từ bây giờ các sở, ban ngành, địa phương phải xắn tay cùng với cả hệ thống chính trị của tỉnh cải thiện môi trường kinh doanh. Một mặt nắm bắt, triển khai áp dụng các nội dung chỉ đạo của Chính phủ, các bộ ngành; mặt khác cần nắm chắc tình hình của từng doanh nghiệp, tùy theo ngành, lĩnh vực phụ trách để tham mưu, đề xuất các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, bảo đảm phát triển sản xuất, kinh doanh.
Đồng hành, sát cánh cùng doanh nghiệp vì mục tiêu phát triển, với Phú Yên tinh thần đó đã thể hiện xuyên suốt nhiều năm qua. Đặc biệt, trong những thời điểm doanh nghiệp gặp khó, tinh thần đó càng được các đồng chí lãnh đạo tỉnh thể hiện mạnh mẽ hơn. Và bên cạnh sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, đòi hỏi mỗi doanh nghiệp cũng phải tự thân nỗ lực nhiều hơn nữa, góp sức cùng với tỉnh thực hiện có hiệu quả mục tiêu kép vừa ngăn chặn “giặc” COVID-19, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường quốc phòng - an ninh trong trạng thái bình thường mới theo như chỉ đạo của Chính phủ.
QUANG THUẦN