Cho đến thời điểm này, lượng hàng hóa, thực phẩm phục vụ Tết không thiếu nhưng giá bắt đầu có chiều hướng tăng, do vậy, công tác kiểm tra, kiểm soát giá cả thị trường cần được chú trọng.
Giá thực phẩm bắt đầu tăng
Theo các tiểu thương chợ Tuy Hòa, từ những ngày đầu tháng Chạp, lượng nông sản, trái cây, thực phẩm khô và nhiều loại thực phẩm khác được nhập từ các tỉnh miền Nam, hay Đà Lạt về chợ Tuy Hòa nhiều hơn mọi ngày và giá đã bắt đầu tăng nhẹ. Một số loại rau củ quả có giá tăng như ớt đỏ giá từ 100.000-110.000 đồng/kg (tăng 20.000 đồng/kg), cà chua từ 15.000-29.000 đồng/kg (tăng 2.000 đồng/kg tùy loại), bí đỏ 20.000-27.000 đồng/kg (tăng 1.500 đồng/kg), cà rốt 17.000-26.000 đồng/kg (tăng 1.000-2.000 đồng/kg), cam sành miền Nam giá 30.000 đồng/kg (tăng 3.000 đồng/kg), bưởi da xanh 25.000-40.000 đồng/kg (tăng 2.500 đồng/kg)…
Đối với thực phẩm tươi sống, trứng gia cầm, hải sản…, tại các chợ, giá bán cũng tăng so với tháng trước. Cụ thể là giá thịt heo tăng 15.000-20.000 đồng/kg, như thịt đùi 140.000-150.000 đồng/kg, thịt nạc 150.000 đồng/kg, ba chỉ 160.000-180.000 đồng/kg, thịt giò 125.000-130.000 đồng/kg. Thịt gà, thịt bò tăng 3.000-5.000 đồng/kg. Trứng gà dao động từ 17.000-40.000 đồng/chục, trứng vịt 20.000-28.000 đồng/chục (tăng khoảng 2.000 đồng/chục tùy loại). Cá bóp giá bán hiện tại là 150.000-270.000 đồng/kg (tăng khoảng 40.000 đồng/kg), cá thu từ 180.000-280.000 đồng/kg (tăng 20.000 đồng/kg), tôm đất từ 170.000-250.000 đồng/kg (tăng 20.000 đồng/kg)…
Lý giải việc giá thực phẩm ở các chợ truyền thống tăng, nhiều tiểu thương cho rằng, chủ yếu do giá cước vận chuyển và nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng. Hiện tại, mặt hàng nào có sức tiêu thụ cao, hút hàng thì tăng giá. Theo bà Nguyễn Thị Hạnh, tiểu thương hàng thực phẩm tươi sống chợ Tuy Hòa, giá cả các loại thực phẩm tăng nhẹ, chỉ thịt heo, hải sản là tăng ở mức tương đối cao trong thời điểm hiện nay. Như thường lệ thì vào khoảng từ ngày 20 tháng Chạp trở đi, thậm chí là sau Tết Nguyên đán, giá thực phẩm còn tiếp tục tăng. Tuy nhiên, dự đoán trong dịp Tết này, sức mua sẽ không bằng các năm trước, do đó, giá thực phẩm dù tăng nhưng vẫn ở mức phù hợp của thị trường Tết, không có biến động đáng kể.
Ngược lại với các chợ truyền thống, tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, các mặt hàng thực phẩm đa phần giữ nguyên giá và được bán với giá niêm yết trên bao bì, có loại còn giảm so với giá cũ. Chị Lê Thị Mỹ Ngân, Cửa hàng trưởng Cửa hàng an toàn - tiện lợi Co.op Food Trường Chinh, phường 7, TP Tuy Hòa, cho biết: Co.op Food thực hiện chương bình bình ổn giá, bình ổn thị trường nên các mặt hàng bán tại cửa hàng luôn duy trì ở mức ổn định. Bên cạnh việc giữ ổn định thị trường, Co.op Food cũng áp dụng các chương trình ưu đãi giảm giá đối với nhiều mặt hàng tùy vào từng thời điểm khác nhau. Vào những ngày này, nếu người dân mua hàng ở Co.op Food sẽ không lo thiếu và có thể mua được thực phẩm có giá ưu đãi ở mức cao.
![]() |
Mức giá tăng tập trung vào nhóm thực phẩm tươi sống tiêu thụ nhiều trong dịp cuối năm, Tết. Ảnh: VÕ PHÊ |
Kiểm soát giá
Theo bà Trần Thị Thu Dung ở phường 8, TP Tuy Hòa việc giá thực phẩm tăng trong tháng cuối năm âm lịch đã trở nên quen thuộc với người nội trợ. Nếu mua sớm thì giá có thể rẻ hơn, nhưng vì mua thực phẩm tươi sống nên phải đến gần Tết mới mua, khi đó giá cả thường tăng cao.
Liên quan đến hàng hóa, giá cả thực phẩm tại chợ, ông Đào Tấn Huy, Trưởng Ban Quản lý chợ Tuy Hòa, cho hay: So với các chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh, chợ Tuy Hòa có lượng hàng phân phối tương đối lớn, là nơi tập trung hàng hóa để chia sẻ với các chợ khác, nhất là trong dịp Tết. Qua nắm bắt tình hình kinh doanh tại chợ hiện nay, lượng thực phẩm cung ứng sẽ không thiếu, còn sức mua cũng mới bắt đầu tăng và giá thì chưa biến động nhiều. Tuy nhiên, nhằm góp phần điều tiết, ổn định giá cả thị trường, Ban Quản lý chợ đã phổ biến thông tin, tuyên truyền trên loa di động, loa phát thanh để tiểu thương, người dân nắm bắt, thực hiện theo nội quy chợ, tránh trường hợp tự ý tăng giá bán. Từ nay chúng tôi tăng cường theo dõi và sẽ thông tin với các đơn vị liên quan để có cách điều tiết kịp thời nếu thị trường có biến động về giá.
Theo ông Huỳnh Trang, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh, triển khai Kế hoạch của Bộ Công thương, Tổng cục Quản lý thị trường về tăng cường kiểm tra, kiểm soát giá cả thị trường cuối năm và dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu, đơn vị đã và đang chỉ đạo các đội quản lý thị trường địa phương tiến hành các phương án kiểm tra, kiểm soát thị trường thực phẩm, hàng hóa, trong đó có vấn đề về giá, niêm yết giá… Theo đó, các lực lượng sẽ theo dõi, giám sát và có biện pháp xử lý nếu phát hiện trường hợp lợi dụng thời cơ, cố ý tăng giá bất hợp lý làm xáo trộn thị trường. Cùng với đó là kiểm tra và có biện pháp xử lý đối với những trường hợp bán hàng không rõ nguồn gốc, hàng kém chất lượng, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Chi phí vận chuyển tăng theo giá xăng dầu, hay giá tăng theo nhu cầu người mua tăng thường theo tỉ lệ thuận, tuy nhiên cũng sẽ có không ít doanh nghiệp, cơ sở, cá nhân kinh doanh lợi dụng cơ hội để đẩy giá. Vậy nên người tiêu dùng hãy tỉnh táo, thông thái khi lựa chọn thực phẩm phục vụ nhu cầu gia đình.
Bà Tô Thị Hòa, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh |
VÕ PHÊ