Hiện nay, nhiều tỉnh, thành trong nước xuất hiện các loại dịch bệnh nguy hiểm và có nguy cơ bùng phát, lây lan rộng. Trước tình hình này, tỉnh đã khẩn trương triển khai nhiều biện pháp kiểm soát, không để dịch bệnh lây lan, gây hại đến đàn vật nuôi trên địa bàn. Báo Phú Yên phỏng vấn ông Nguyễn Văn Lâm, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh xung quanh vấn đề này.
![]() |
Ông Nguyễn Văn Lâm |
* Ông có thể cho biết tình hình dịch bệnh đang xảy ra trên đàn vật nuôi hiện nay?
- Thống kê từ Bộ NN-PTNT, từ giữa tháng 10/2020 đến nay, dịch bệnh viêm da nổi cục trên gia súc lần đầu tiên xâm nhiễm vào Việt Nam và đã xảy ra tại 83 xã, 33 huyện của 10 tỉnh, thành phố làm hơn 1.100 con trâu, bò mắc bệnh, trong đó có trên 170 con chết, buộc phải tiêu hủy. Tại Phú Yên, từ đầu tháng 12/2020 đã phát hiện 1 ổ bệnh cúm gia cầm H5N6 tại xã Hòa Xuân Đông (TX Đông Hòa) làm chết 195 con/tổng đàn 1.950 con và đã hết bệnh từ ngày 8/1/2021. Bệnh tụ huyết trùng ghép E.coli và dịch tả vịt cũng xảy ra trên đàn vịt các xã An Dân, thị trấn Chí Thạnh (huyện Tuy An), xã Xuân Sơn Bắc (huyện Đồng Xuân) làm 1.000 con vịt nhiễm bệnh, chết. Hiện không xảy ra các bệnh nguy hiểm như lở mồm long móng, dịch tả heo châu Phi...
Lúc này, người chăn nuôi trong tỉnh đang vào vụ sản xuất Tết nên đàn vật nuôi có tăng với tổng đàn trâu, bò gần 172.000 con, đàn heo khoảng 120.000 con và gần 5,4 triệu con gia cầm. Tuy nhiên, với tình hình dịch bệnh đang xảy ra ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước, cộng với điều kiện thời tiết mưa lạnh kéo dài làm giảm sức đề kháng của vật nuôi, công tác tiêm phòng vắc xin một số nơi vẫn còn chưa đạt yêu cầu, hoạt động mua bán, giết mổ, vận chuyển động vật tăng mạnh dịp cuối năm… là những điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh tồn tại, phát tán diện rộng nên nguy cơ phát sinh dịch bệnh trong thời gian tới rất cao.
* Để bảo vệ an toàn đàn vật nuôi, ngành Thú y đã làm gì, thưa ông?
- Nhằm chủ động kiểm soát tốt, không để các loại dịch bệnh nguy hiểm và các loại dịch bệnh mới xảy ra, lây lan trên địa bàn, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã triển khai tiêm phòng vắc xin và đang tiếp tục rà soát tiêm vét đàn vật nuôi chưa được tiêm phòng trong đợt chính. Tỉnh đã cấp 8.000 lít thuốc sát trùng Benkocid cho các địa phương để tổ chức phun thuốc tiêu độc, sát trùng toàn bộ các khu vực chăn nuôi. Chi cục cũng chỉ đạo trạm chăn nuôi và thú y các địa phương chủ động giám sát dịch bệnh gia súc, gia cầm nhất là tại các khu vực từng xảy ra dịch bệnh, khu vực chăn nuôi mật độ cao, các khu giết mổ, mua bán động vật. Trong dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán, chi cục tăng cường kiểm tra kiểm soát giết mổ, kiểm tra tình hình vệ sinh thú y, công tác kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra vào tỉnh và quá cảnh qua địa phận tỉnh.
![]() |
Người chăn nuôi chủ động phun thuốc sát trùng khu vực chăn nuôi để hạn chế mầm bệnh. Ảnh: NGUYỄN CHƯƠNG |
Với tình hình nhiều loại dịch bệnh đang xảy ra trên đàn vật nuôi và ở nhiều tỉnh thành trong cả nước như hiện nay thì người chăn nuôi tuyệt đối không mua, vận chuyển động vật, các sản phẩm động vật từ các địa phương đang có dịch bệnh. |
* Bệnh viêm da nổi cục ở gia súc là bệnh mới, người dân chưa biết nhiều. Ông có thể cho biết những thông tin chính về loại bệnh này để người chăn nuôi chủ động phòng ngừa?
- Đây là lần đầu tiên Việt Nam xuất hiện bệnh viêm da nổi cục, là bệnh truyền nhiễm do một loại virus thuộc họ Poxviridae gây ra trên trâu, bò. Virus này không lây nhiễm và không gây bệnh trên người. Trâu, bò mắc bệnh thường có những dấu hiệu: sốt cao, bỏ ăn, suy nhược và gầy yếu, viêm mũi, viêm kết mạc và tiết nhiều nước bọt. Trên cơ thể xuất hiện các nốt sần hình tròn, đường kính từ 2-5cm, chắc và nhô cao trên da, mô dưới da, tập trung nhiều ở da đầu, cổ, chân, bầu vú, cơ quan sinh dục… Đường truyền lây bệnh viêm da nổi cục chủ yếu qua côn trùng đốt như muỗi, ruồi, ve…; bệnh cũng có thể lây truyền do vận chuyển, sử dụng chung máng uống, khu vực cho ăn, sữa, tinh dịch và qua tiếp xúc trực tiếp. Gia súc mắc bệnh bị giảm khả năng sinh sản, giảm sữa, sẩy thai, tổn thương da, giảm tăng trọng và có thể chết. Hiện Việt Nam vẫn chưa có vắc xin phòng ngừa bệnh viêm da nổi cục nên nguy cơ lây lan là rất cao.
* Ông có khuyến cáo gì đối với người chăn nuôi để bảo toàn đàn, hạn chế rủi ro do dịch bệnh gây ra?
- Với tình hình nhiều loại dịch bệnh đang xảy ra trên đàn vật nuôi và ở nhiều tỉnh thành trong cả nước như hiện nay thì người chăn nuôi tuyệt đối không mua, vận chuyển động vật, các sản phẩm động vật từ các địa phương đang có dịch bệnh. Khi nhập giống cần thực hiện đúng quy định như: phải có nguồn gốc rõ ràng, được cơ quan Nhà nước kiểm dịch, về địa phương phải nuôi nhốt cách ly 15 ngày để theo dõi sức khỏe trước khi cho nhập đàn và phải khai báo cho chính quyền địa phương theo quy định của Luật Chăn nuôi. Trường hợp phát hiện gia súc, gia cầm có triệu chứng nhiễm bệnh hoặc chết phải báo ngay cho cơ quan chức năng gần nhất, không bán chạy gia súc, gia cầm bị bệnh, chết. Đồng thời, người chăn nuôi cần thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, chú ý vệ sinh tiêu độc khu vực chăn nuôi định kỳ 2 lần/tuần. Bà con cần cung cấp đầy đủ thức ăn cho vật nuôi, tăng cường bổ sung vitamin, khoáng chất, tiêm phòng vắc xin đầy đủ (nhất là các bệnh cúm gia cầm, dịch tả vịt, tụ huyết trùng, lở mồm long móng...), vệ sinh, sát trùng diệt côn trùng, ruồi, muỗi, ve và có biện pháp giữ ấm cho vật nuôi để tăng sức đề kháng, hạn chế dịch bệnh.
* Xin cảm ơn ông!
THỦY TIÊN (thực hiện)