Thứ Ba, 11/02/2025 14:33 CH
Tăng trưởng tín dụng đi đôi với an toàn, hiệu quả
Thứ Sáu, 08/01/2021 07:00 SA

Khách hàng giao dịch tại một ngân hàng thương mại ở TP Tuy Hòa. Ảnh: LÊ HẢO

Đó là một trong những nhiệm vụ mà ngành Ngân hàng Phú Yên đặt ra trong năm 2021 nhằm tiếp tục cung ứng vốn cho nền kinh tế, giúp người dân, doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh nhưng vẫn đảm bảo an toàn hoạt động của ngân hàng.

 

Trước đó, trong năm 2020, đại dịch COVID-19 tác động lớn đến nhiều mặt của đời sống xã hội và hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều ngành, lĩnh vực trên địa bàn, làm ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động ngành Ngân hàng. Có thời điểm, hệ thống ngân hàng Phú Yên phải điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng cơ bản khi khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế quá yếu. Tuy nhiên, vượt qua tất cả những khó khăn đó, ngành Ngân hàng Phú Yên đã bứt phá để “về đích” ngoạn mục.

 

Bứt phá trong quý IV/2020

 

Năm 2020, tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn tỉnh đạt 28.708 tỉ đồng, tăng 3.668 tỉ đồng, tỉ lệ tăng 14,6%; dư nợ cho vay đạt 36.176 tỉ đồng, tăng 4.716 tỉ đồng, tức tăng 15% so với đầu năm. Đây có thể xem là sự bứt phá ngoạn mục, bởi đến cuối tháng 9/2020, dư nợ cho vay trên địa bàn chỉ mới tăng 3,72%.

Ngày 31/12/2020, khi lãnh đạo tỉnh đến thăm ngân hàng nhân dịp quyết toán cuối năm, ông Phạm Hồng Thái, Giám đốc Vietcombank Phú Yên cho biết: Năm 2020, mặc dù tình hình kinh tế gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 và bão lũ những tháng cuối năm, tuy nhiên nhờ sự đồng lòng của ban lãnh đạo và toàn thể nhân viên chi nhánh, hoạt động của Vietcombank Phú Yên vẫn có nhiều khởi sắc. Đến 31/12/2020, số dư huy động vốn là 2.150 tỉ đồng, tăng 20,5% so với 31/12/2019, đạt 100% kế hoạch; dư nợ tín dụng 4.600 tỉ đồng, tăng 15% so với 31/12/2019, đạt 104% kế hoạch năm 2020. Chất lượng tín dụng được kiểm soát tốt, nợ xấu chiếm 0,06% tổng dư nợ.

 

Tại Agribank Phú Yên, theo ông Lê Văn Thịnh, Giám đốc ngân hàng này thì đến cuối năm 2020, nguồn vốn chi nhánh huy động được tăng 16,5%, dư nợ tín dụng tăng 9% so với đầu năm, đạt và vượt kế hoạch giao; tỉ lệ nợ xấu 0,77%, giảm 0,15% so với kế hoạch giao. Đặc biệt, Agribank Phú Yên tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp nông thôn, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch... với dư nợ cho vay lĩnh vực này chiếm đến 71,5% tổng dư nợ.

 

Không riêng các chi nhánh ngân hàng thương mại nhà nước, các chi nhánh ngân hàng thương mại cổ phần ở Phú Yên cũng có kết quả kinh doanh ấn tượng. “Đến cuối năm 2020, dư nợ của MB Phú Yên đạt khoảng 1.400 tỉ đồng, tăng 35%, chiếm 4% thị phần toàn tỉnh; tổng nguồn vốn huy động đạt 424 tỉ đồng, tăng 14%, chiếm 1,5% thị phần toàn tỉnh. Mặc dù kết quả kinh doanh còn khiêm tốn nhưng đây là nỗ lực vượt bậc của cán bộ, nhân viên chi nhánh trong việc mở rộng thị trường, cung ứng vốn cho nhu cầu sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh”, ông Nguyễn Khánh, Giám đốc MB Phú Yên nói. Còn theo ông Huỳnh Quốc Thi, Giám đốc HDBank Phú Yên, sau hơn 3 năm đi vào hoạt động, chi nhánh đã gia nhập câu lạc bộ “ngàn tỉ” với tổng dư nợ đạt 1.030 tỉ đồng, các chỉ tiêu kinh doanh khác cũng đều vượt kế hoạch được giao.

 

Kết quả kinh doanh khả quan của các ngân hàng trên địa bàn đã đóng góp vào thành công chung của ngành Ngân hàng Phú Yên trong năm qua, với tổng nguồn vốn huy động đạt 28.708 tỉ đồng, tăng 3.668 tỉ đồng, tỉ lệ tăng 14,6%; dư nợ cho vay đạt 36.176 tỉ đồng, tăng 4.716 tỉ đồng, tức tăng 15% so với đầu năm. Đây có thể xem là sự bứt phá ngoạn mục, bởi đến cuối tháng 9/2020, dư nợ cho vay trên địa bàn chỉ mới tăng 3,72%.

 

Nâng cao chỉ số tiếp cận tín dụng

 

Lý giải về “sức bật” tín dụng trong quý IV/2020, đại diện các ngân hàng cho biết chủ yếu là do nhu cầu vay vốn sản xuất, cũng như dự trữ hàng hóa để kinh doanh trong thời điểm cuối năm của người dân, doanh nghiệp có khởi sắc. Thêm vào đó, sau một thời gian chuỗi cung ứng và tiêu thụ sản phẩm bị đứt gãy trên phạm vi toàn cầu, nguồn cung tín dụng dù dồi dào nhưng sức hấp thụ của nền kinh tế kém nên để tự “cứu” mình, các ngân hàng dần chuyển hướng tìm đến các lĩnh vực mới để tài trợ vốn nhằm “phá băng” tín dụng. “Đầu tư phát triển kinh tế nông hộ, các dự án điện mặt trời mái nhà và nhu cầu vay tiêu dùng tăng những tháng cuối năm giúp ngân hàng lấy lại đà tăng trưởng sau một thời gian chật vật”, ông Huỳnh Quốc Thi nói.

 

Theo ông Trần Văn Trí, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Phú Yên, năm 2021, ngành Ngân hàng Phú Yên phấn đấu huy động vốn tăng 14-15%, tín dụng tăng trưởng từ 13-14% so với cuối năm 2020, tỉ lệ nợ xấu nội bảng dưới 2%. Nhiệm vụ trọng tâm là tiếp tục theo dõi triển khai thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục vay vốn; tăng cường đối thoại nhằm tăng khả năng tiếp cận vốn ngân hàng của người dân, doanh nghiệp để phục hồi, ổn định sản xuất kinh doanh. Tiếp tục mở rộng tín dụng đi đôi với an toàn, hiệu quả; tập trung nguồn vốn cho sản xuất, kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên, thế mạnh của tỉnh; đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả các chính sách và chương trình tín dụng trọng điểm về cho vay phát triển nông nghiệp nông thôn, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch... Đồng thời cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chỉ số tiếp cận tín dụng cho doanh nghiệp và hộ dân theo chỉ đạo của ngành và địa phương.

 

LÊ HẢO

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek